Bài 1: Mai Thúc Loan - quê hương và gia thế

(Baonghean) LTS: Hướng tới kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu và Lễ hội Vua Mai 2013, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ về một cuộc khởi nghĩa oanh liệt trên đất Hoan Châu, và thân thế, sự nghiệp của người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Mai Thúc Loan (Vua Mai), Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc khái lược về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu diễn ra cách đây 1.300 năm.

1. Quê hương

Mai Thúc Loan là một vị đế vương, anh hùng dân tộc, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống ách đô hộ nhà Đường đầu thế kỷ VIII. Sinh ra, lớn lên, dựng nghiệp trên đất Nghệ - Tĩnh, cuộc đời và sự nghiệp hiển hách của ông ghi đậm dấu ấn của quê hương xứ Nghệ.

Sách Khâm định Việt sử không giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, ghi Mai Thúc Loan là “người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc”. làng Mai Phụ xưa nay thuộc xã Mai Phụ,  huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Mai Phụ, bà mẹ họ Mai đã dời lên Ngọc Trừng, nay thuộc xã Nam Thái, huyện nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhiều truyền thuyết dân gian, gia phả, văn tế, hát chầu văn… đều xác nhận quê hương của họ Mai từ Mai Phụ dời lên Ngọc Trừng.

Mai Thúc Loan sinh ra và lớn lên ở động Cồn Chèm (làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, Nam Đàn) - nơi ông chấp nhận muôn nỗi đắng cay, tủi nhục của một cậu bé mồ côi cho đến khi ông thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.

Tại các xã Nam Thái, Vân Diên và Thị trấn Nam Đàn còn bảo tồn nhiều di tích quý như mộ thân mẫu Vua Mai, đền thờ Mai Hắc Đế, di tích Thành Vạn An cùng nhiều tư liệu và lễ hội dân gian gắn liền với cuộc khởi nghĩa, kháng chiến của Vua Mai với niềm tôn vinh của nhân dân.

Phát tích ở vùng Nga Sơn – Thanh Hóa gắn liền với huyền tích “Quả dưa hấu” và nhân vật Mai An Tiêm từ thuở sơ khai dựng nước, đến nay dòng họ Mai đã có trực hệ ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, đến nay theo họ Mai ở Việt Nam tập hợp đã có 26 chi họ, trải đều ở hai tỉnh. Cũng như nhiều dòng tộc khác của vùng Nghệ - Tĩnh, họ Mai đã góp phần tô thắm thêm lịch sử và truyền thống của người dân xứ Nghệ.

Về gia thế Mai Thúc Loan cũng còn một số khác biệt nhất định giữa tư liệu truyền thuyết, gia phả với các nguồn sử liệu khác cần tiếp tục nghiên cứu, xác minh, nhưng tất cả đều phản ánh ông là một người yêu nước, dũng cảm và mưu trí, sớm nuôi chí diệt thù cứu nước, cứu dân.

Theo truyện Hương lãm Mai Đế ký trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh thì Mai Thúc Loan có cha tên là Mai Sinh và mẹ là Vương Thị. Khi sinh ra Mai Thúc Loan, ông bà Mai Sinh đã căn cứ vào một giấc mộng của bà lúc sắp sinh. Chồng bà bèn đặt tên con là Phượng, tên tự là Thúc Loan, để ghi lại cái điềm được thấy trong giấc mộng.

Ngày nay, nhân dân xã Vân Diên, huyện Nam Đàn lại truyền tụng nhau: Cha của bà Mai mẫu là trưởng phu đồn điền muối Thạch Hà, bà Mai mẫu lại có thai với phu đồn điền muối nên theo lệ làng bà bị bỏ rọ trôi sông. Vì thương con gái nên cha bà đã bố trí làm một hình nộm, mặc quần áo giống như bà và đưa ra sông thả. Nhưng do sợ dân làng biết được nên ông đã bí mật đưa bà vào vùng núi non hẻo lánh (xã Vân Diên, Nam Đàn ngày nay) để trú ngụ và sinh con.

Hầu hết các tư liệu đều cho rằng, năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi hái củi bị hổ giết hại, chẳng bao lâu cha mất, vị vua tương lai rơi vào cảnh mồ côi. Điều may mắn là một người bạn của cha Mai Thúc Loan là Đinh Thế đã đem Mai Thúc Loan về nuôi, coi ông như con đẻ và sau đó gả con gái Ngọc Tô cho ông.

Qua các nguồn tư liệu từ gia phả, thần phả… thì bà Ngọc Tô đã sinh hạ được người con gái đầu là Mai Thị Cầu, cặp song sinh tiếp theo là Mai Bảo Sơn, em là Mai Kỳ Sơn. Người con út mệnh yểu, sớm qua đời. Thời gian ngắn sau đó, thương con bà sinh bệnh rồi cũng mất sớm. Các con của ông bà sớm là những người con ngoan ngoãn, sau này lớn lên trở thành những người giỏi giang, có chí khí, yêu nước, thương dân. Theo nguồn tư liệu điền dã tại đền Dục Anh, ở Hòa Mục (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), tại đền Điều Yêu, ở An Lão, Hải Phòng, cùng việc chắp nối tư liệu nghiên cứu của một số tác giả khác, có thể khẳng định về người vợ thứ hai của Vua Mai là bà Phạm Thị Uyển. Để thuận lợi cho mưu đồ việc quốc gia đại sự, đi lại khắp nơi trong nước với mục đích liên kết những người đồng tâm, đồng chí hướng, Mai Thúc Loan lấy người vợ thứ hai ngoài quê hương mình. Đường Lâm (quê bà Phạm Thị Uyển) thực sự là một căn cứ của cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo.

                                    Lễ hội Vua Mai ở Nam Đàn. Ảnh: Sỹ Minh.

Các con của Vua Mai sau này là những vị tướng chỉ huy các mặt trận trong khởi nghĩa Hoan Châu. Vùng Điều Yêu (xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng) vẫn còn lưu giữ thần tích và một số truyền thuyết về hoạt động của ba người con của Mai Thúc Loan là Mai Thị Cầu, Mai Bảo Sơn, Mai Kỳ Sơn.

Bia ký trên mộ Mai mẫu đã khắc ghi công đức, đóng góp của đại gia đình Mai Thúc Loan với đất nước: “… Các con cháu của bà như Vua Mai, con dâu đầu Đinh Thị Ngọc Tô, con dâu kế Phạm Thị Uyển, các cháu: Hoàng tử Cả (Mai Bảo Sơn), Hoàng tử thứ (Mai Kỳ Sơn), Mai Thúc Huy, Mai Thị Cầu đã hy sinh anh dũng…”. Đại gia đình Mai Thúc Loan đều góp công vào khởi nghĩa Hoan Châu và cuối cùng lần lượt trước, sau, ở mặt trận Hoan Châu hay Tống Bình, Đông Bắc, hiến dâng đời mình cho dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước, giữ vững khí tiết vì nền độc lập, tự chủ của nước Việt.

Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo bùng nổ năm Quý Sửu, năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đời vua Đường Huyền Tông, tức năm 713. Về năm thất bại, cũng từ những nguồn sử liệu trên cho phép kết luận là năm Nhâm Tuất, niên hiệu Khai Nguyên thứ 10 đời vua Đường Huyền Tông, tức năm 722. Dây cũng chính là những kết quả nghiên cứu mới đã được kết luận từ Hội thảo khoa học Quốc gia “Mai Thúc Loan với Khởi nghĩa Hoan Châu” do Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh phối hợp với Viện Sử học Việt Nam tổ chức năm 2008.

(Còn nữa)

Khoa Sử - ĐH Vinh

Tin mới