Bài 1: Thành tựu và sự cần thiết tái cơ cấu

(Baonghean) - Hàng chục năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của ngành Nông nghiệp và sự đầu tư chăm lo của nông dân, nông nghiệp Nghệ An đã đạt nhiều thành tựu, nhưng trong nội ngành vẫn còn bộc lộ những hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa cao, dễ bị tác động tiêu cực bởi thiên tai và quy luật cung - cầu trong cơ chế thị trường cung - cầu. Việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất tập trung, bền vững là điều hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Những kết quả đáng ghi nhận
Sau 10 năm, theo đánh giá giai đoạn 2003 - 2013, được sự quan tâm chỉ đạo về mọi mặt từ Trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp - một ngành kinh tế hết sức quan trọng của tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn này đạt từ 4,5 - 5%. Và, dự kiến năm 2015, nông nghiệp chiếm 24,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong nông nghiệp thuần có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ.
Trong 10 năm qua, Sở NN&PTNT đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án lớn về phát triển các lĩnh vực, các loại cây, con chủ yếu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... đến năm 2015, 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 làm căn cứ để quản lý, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. 
Về nông nghiệp, đã xây dựng các quy hoạch như: Phát triển đàn trâu, bò; phát triển vùng mía nguyên liệu, cây chè, cây cao su, mía, dứa...; phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phủ Quỳ đến năm 2020...; vùng sản xuất rau, củ, quả và hoa theo công nghệ cao; vùng nguyên liệu chế biến gỗ MDF; vùng sản xuất cây thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa,...; các chương trình phát triển giống cây, con đến năm 2015 và 2020, các đề án như: phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa..., dự án Phát triển công nghệ sinh học và sản xuất nông nghiệp đến 2015. Về lâm nghiệp: Hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An đến năm 2020,...  Về thủy sản: Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản trên các hồ thuỷ lợi, thủy  điện; quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ đến năm 2020; quy hoạch khu chế biến thuỷ sản tập trung,... Về thủy lợi, gồm các quy hoạch: Bổ sung Quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Nghệ An, thời kỳ 2003 - 2010; rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Nghệ An đến năm 2020; quy hoạch đê sông Cả, xóa bỏ các vùng chậm lũ Năm Nam (Nam Đàn), Bích Hào (Thanh Chương); quy hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Cả với sự ra đời công trình Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Bản Mồng; quy hoạch đê biển, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi chi tiết lưu vực sông Hiếu để điều chỉnh Dự án hồ Bản Mồng; quy hoạch chi tiết thủy lợi lưu vực sông Hoàng Mai để xây dựng cống ngăn mặn trên sông Mơ (sông Hoàng Mai). Rà soát quy hoạch sông Cả để xây dựng công trình cống ngăn mặn, giữ ngọt... Về phát triển nông thôn: Hoàn thành các quy hoạch: Bố trí dân cư thuộc khu vực nông thôn; ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh Nghệ An; phát triển cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp đến năm 2020...
Thu hoạch chè ở xóm 5,  xã Hùng Sơn (Anh Sơn).  Ảnh: Thanh Quỳnh
Thu hoạch chè ở xóm 5, xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Quỳnh
Đến năm 2013, sản lượng lương thực ước đạt 1.183.000 tấn, tăng 20,6% so với năm 2003. Năm 2015, sản lượng lương thực đạt trên 1,2 triệu tấn/năm, vượt mục tiêu đại hội. Nhờ áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nên năng suất các loại cây trồng tăng cao như: Năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha, tăng 15,9%; năng suất ngô đạt 38,8 tạ/ha, tăng 23,5%; năng suất chè búp tươi đạt 107 tạ/ha, tăng 75,4%; năng suất lạc đạt 22,74 tạ/ha, tăng 42,1%...; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng từ 35 triệu đồng/ha năm 2003, lên trên 55 triệu đồng/ha năm 2013,... Chăn nuôi có bước phát triển toàn diện, chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, hiệu quả. Đến nay, Nghệ An đã hình thành được một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Vùng trồng rau, hoa ở Nghĩa Đàn, chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH,... Trong 2 năm 2011 - 2013, toàn tỉnh đã xây dựng được 55 cánh đồng mẫu và mẫu lớn trong sản xuất lúa, ngô, lạc, chè, mía..., đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất, chất lượng tăng tối thiểu 10%, tạo bước đột phá, thực hiện tốt mối liên kết giữa các “nhà”, củng cố khối liên minh công nông trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. 
Nghệ An đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: vùng nguyên liệu chè khoảng 8.000 ha ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, chè Tuyết shan chất lượng cao ở Kỳ Sơn; vùng cao su ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Anh Sơn,... với diện tích trên 9.900 ha; vùng mía nguyên liệu 26.000 ha ở các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thị xã Thái Hòa..., vùng lạc xuất khẩu ở các huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn...; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gần 2.000 ha ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thành phố Vinh,... Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 113.000 tấn, tăng 96,68% so với năm 2003.... Đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thủy lợi có bước phát triển vượt bậc. 
Chưa tương xứng tiềm năng
Mặc dù đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng nông nghiệp Nghệ An vẫn chưa mạnh, hiệu quả chưa cao. Nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập và đời sống của nông dân và những người làm nông nghiệp vẫn còn thấp. Nguyên nhân chính là do sản xuất hiệu quả chưa cao và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình. 
Nổi tiếng là vùng đất màu mỡ “Nam Đắk Lắk, Bắc Phủ Quỳ”, nhưng đến nay, sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Đàn cũng đang dần bộc lộ nhiều bất cập. Có cả vùng rộng lớn đất đỏ bazan nằm ở các nông trường lớn với đủ các loại cây trồng chuyên canh cho giá trị cao như cam Vinh, cà phê, cao su… , thế nhưng theo ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, thì nội tại ngành trồng trọt hiện đang có rất nhiều hạn chế và yếu điểm. Hầu hết diện tích đất đã sử dụng qua các chu kỳ 1, 2, 3, trong khi vấn đề đầu tư chăm sóc, cải tạo đất không được thực hiện bài bản đã làm giảm sút cả về năng suất và chất lượng sản phẩm. Qua thời gian, nhiều loại giống cây trồng đã bị thoái hóa, hình thức quản lý sản xuất, chia và giao khoán gây ra hiện tượng manh mún, một bộ phận người dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh. Công nghệ chế biến một số sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su đã có nhưng còn lạc hậu. Tất cả những nguyên nhân đó làm cho Nghĩa Đàn dù sở hữu diện tích đất đai màu mỡ, nhưng hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng. 
Chăm sóc cam tại Công ty TNHH MTV Xuân Thành (Quỳ Hợp). Ảnh: P.H
Chăm sóc cam tại Công ty TNHH MTV Xuân Thành (Quỳ Hợp). Ảnh: P.H
Là huyện thuần nông, nền nông nghiệp được coi là lĩnh vực “mũi nhọn” của Yên Thành. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Vương Ngọc chia sẻ: “Dù đã tiến hành dồn điền đổi thửa nhưng đất đai vẫn còn manh mún, tư tưởng và thói quen của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Trong 4 năm qua, Yên Thành đã xây dựng được hơn 30 cánh đồng mẫu lớn có quy mô bình quân 50 ha/CĐML với sự liên kết của các doanh nghiệp nhưng trong đó sản xuất nhiều loại giống, khối lượng hàng hóa tập trung chưa nhiều. Bên cạnh đó, trên địa bàn chỉ mới có khoảng 40% kênh mương đã được bê tông hóa nhưng cũng đã xuống cấp nặng nề, còn lại đều là kênh đất; giao thông đồng ruộng chưa được cứng hóa để vận chuyển sản phẩm cũng như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Người dân và doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được nhiều với các chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát triển và liên kết sản xuất;  “đầu ra” cho sản phẩm nông sản còn bấp bênh, hầu như phụ thuộc vào thương lái. 
Ở nhiều địa phương khác, việc loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là vấn đề thường trực.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tăng trưởng nông nghiệp hiện nay chủ yếu theo chiều rộng, thông qua tăng diện tích, tăng vụ, năng suất chưa cao và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào và nguồn lực tự nhiên. Mô hình này mới chỉ tạo ra được khối lượng sản phẩm nông sản nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao, chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Vấn đề liên kết trong sản xuất thông qua mô hình CĐML giữa doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế, các chế tài còn lỏng lẻo; quy mô liên kết nhỏ, chỉ đang dừng ở mức độ "mô hình"; một số doanh nghiệp quá chú trọng vào lợi ích của của mình mà chưa thực sự quan tâm, chia sẻ lợi ích với nông dân. 
Mục tiêu tái cơ cấu 
Trước thực trạng như đã đề cập trên, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cần thiết, là đòi hỏi tất yếu nhằm xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, cân đối, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt và thực hiện trong gần 2 năm qua, mục tiêu thực hiện tái cơ cấu nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nội tại và đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực cả trước mắt và lâu đài, góp phần xóa đói, giảm nghèo.  Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Ngành Nông nghiệp quyết tâm đến năm 2020 đạt các chỉ số: Nông nghiệp 77,0%, lâm nghiệp 11%, ngư nghiệp 12,0%. Trong nông nghiệp thuần: Trồng trọt 49,9%, chăn nuôi 46,0%, dịch vụ 4,1%.  Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,7 - 2,0 lần so với năm 2012... 
(Còn nữa)
Châu Lan - Phú Hương

Tin mới