Xung quanh việc sáp nhập trường lớp – Bài cuối: Để chủ trương vừa “đúng”, vừa “trúng”

Cách đây 4 năm, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp ở huyện Quỳnh Lưu còn có nhiều bất cập. Trong khi đó, việc bố trí tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia vẫn còn chậm, một số đơn vị đạt chuẩn sau 5 năm nhưng chưa có giải pháp tích cực để được công nhận lại. Tình trạng thiếu phòng học và sử dụng phòng tạm, phòng mượn còn nhiều.

Những bất cập này đòi hỏi huyện Quỳnh Lưu phải sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, riêng giai đoạn từ 2019 – 2021, huyện đặt mục tiêu sáp nhập 18 trường tiểu học và THCS thành các trường tiểu học và THCS hoặc sáp nhập 2 trường tiểu học liên xã. Bên cạnh đó, huyện cũng có chủ trương tách một số trường THCS đã sáp nhập trước đây để sáp nhập với các trường tiểu học thành trường liên xã. Chẳng hạn như tách Trường THCS Minh -Lương để sáp nhập với các Trường Tiểu học Quỳnh Minh, Tiểu học Quỳnh Lương thành 2 trường liên cấp gồm Tiểu học và THCS Quỳnh Minh và Tiểu học và THCS Quỳnh Lương.

Qua hơn 2 năm triển khai, việc thực hiện chỉ đạt 50% so với kế hoạch đề ra. Quá trình sáp nhập cũng đã nảy sinh những bất cập nên đến đầu năm học 2020 – 2021, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có văn bản xin chủ trương điều chỉnh thời gian sáp nhập, chia tách các đơn vị trường học trên địa bàn. Ngay sau đó, Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu cũng đã có văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh thời gian sáp nhập, chia tách các đơn vị trường học trên địa bàn để không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, chất lượng giáo dục và có thời gian xem xét, nghiên cứu thêm ý kiến của các ngành chuyên môn. Tại thời điểm này, việc sáp nhập các trường còn lại là khó khả thi và huyện Quỳnh Lưu đã tạm dừng việc sáp nhập các trường sau khi các xã, thị được sắp xếp quy hoạch lại. Thực tế cũng cho thấy, ngay cả ở những trường đã sáp nhập, đến nay bất cập vẫn chưa được giải quyết.

Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Thọ có tên gọi mới từ tháng 9/2019 trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học và Trường THCS Quỳnh Thọ. Chủ trương sáp nhập được triển khai khi quy mô của Trường THCS Quỳnh Thọ ngày càng giảm (chỉ 8 lớp) và huyện đặt mục tiêu sau sáp nhập sẽ tinh giảm được đội ngũ quản lý, giáo viên và ổn định trường. Qua 3 năm triển khai, một số mục tiêu đặt ra đã được thực hiện như giảm được 1 hiệu trưởng, luân chuyển được một số giáo viên dạy THCS xuống dạy tiểu học ở một số bộ môn đặc thù như tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc còn lại “hậu” sáp nhập vẫn nhiều điều ngổn ngang. Như hiện tại, dù đã sáp nhập thành một trường nhưng học sinh ở bậc học nào vẫn học ở trường ấy. Mối liên kết duy nhất của 2 trường là một lối đi nhỏ dưới chân cầu thang sau khi nhà trường đập bỏ một đoạn bờ tường để thông trường.

Việc triển khai công tác chuyên môn cũng có nhiều bất cập, bởi dù đã sáp nhập nhưng vì đặc thù riêng nên giáo viên ở các bậc học sẽ sinh hoạt chuyên môn riêng. Hiệu trưởng nhà trường vốn phụ trách bậc THCS nên việc chuyên môn ở bậc tiểu học dường như “khoán trắng” cho một phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn ở bậc tiểu học. Các hoạt động khác cũng khó khăn như trước đây kinh phí sẽ được cấp cho hai trường nay chỉ còn lại một nhưng nhiệm vụ và khối lượng công việc không giảm. Một số nhân viên văn phòng bị cắt giảm và phải đảm nhiệm công việc của 2 bậc học nên sẽ vất vả hơn.

Chia sẻ thêm về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Hải Diên – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Thọ cho biết: “Mục tiêu của sáp nhập là tốt nhưng mô hình trường tiểu học và THCS còn mới, chưa có định hướng cụ thể nên việc sáp nhập chủ yếu vẫn trên “giấy tờ” và vì thế hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng”. Đây cũng là vấn đề nảy sinh ở nhiều trường học khác ở huyện Quỳnh Lưu sau khi đã thực hiện sáp nhập. Việc sáp nhập trường liên xã cũng không hiệu quả vì dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc, xã này không đi đầu tư trường cho xã khác”. Lại có trường hợp, sau sáp nhập nhưng “học sinh xã nào thì Hội Khuyến học xã ấy khen thưởng”, thế nên, riêng việc tổng kết khen thưởng cho học sinh cũng trở nên khó khăn.

Tại huyện Anh Sơn, việc sáp nhập cũng đã được triển khai ở nhiều trường học, nhiều cấp học. Tuy vậy, sau sáp nhập không phải khi nào cũng thuận lợi bởi còn liên quan đến phong tục, tập quán, điều kiện đi lại của người dân. Trường THCS Khai Lạng được sáp nhập từ Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn từ tháng 6/2018. Qua 3 năm, dù trên giấy tờ trường đã về một điểm nhưng trên thực tế học sinh của xã nào vẫn đang phải học ở xã ấy bởi người dân vẫn chưa “thông” về quãng đường di chuyển. Chia sẻ thêm về điều này, thầy giáo Lê Đình Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ năm học trước, điểm trường chính ở xã Khai Sơn đã được đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng thêm phòng học, nâng cấp về cơ sở vật chất. Tuy vậy, hiện nay phụ huynh vẫn băn khoăn khi cho con về điểm trường chính bởi đường giao thông tương đối xa, tuyến đường liên xã thi công chưa xong nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều phụ huynh lại muốn trường vẫn duy trì ở điểm cũ để tiện đưa đón con, nhất là những gia đình có con vừa học ở bậc tiểu học, vừa học ở bậc THCS… Trong khi việc sáp nhập chưa thể thực hiện được “triệt để” thì khó khăn lại đè lên vai của nhà trường và giáo viên, bởi các giáo viên phải dạy cùng lúc hai điểm trường. Nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể và các phong trào bị hạn chế vì không thể huy động được học sinh về một điểm trường chính. Học sinh ở điểm trường lẻ cũng chịu nhiều thiệt thòi bởi nhà trường không đủ điều kiện để đầu tư thiết bị dạy học, phòng thực hành khang trang cho cùng một lúc ở cả hai điểm trường”.

Nhìn lại chủ trương quy hoạch lại hệ thống mạng lưới trường học và sáp nhập trường lớp cũng cho thấy, đây là một chủ trương đúng và cấp thiết. Đặc biệt, là khi hiện nay, việc quy hoạch trường lớp còn nhiều bất cập như toàn tỉnh đang có đến gần 1.000 điểm trường lẻ, nhiều trường học quy mô trường lớp ngày càng giảm khiến cho số lớp, số học sinh/trường ngày một “co” lại ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và bố trí giáo viên. Việc sáp nhập, quy hoạch mạng lưới trường lớp cũng sẽ gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế, tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, cơ sở vật chất; là cơ sở để hiện đại hóa trường học, lớp học, chuẩn hóa trường học vùng cao; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đồng thời là căn cứ để bố trí, sắp xếp, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Vì sao một chủ trương đúng nhưng khi đi vào thực hiện lại có những khó khăn là vấn đề cần phải đặt ra hiện nay? Những bất cập nảy sinh trong quá trình sáp nhập trường lớp xảy ra ở nhiều trường học, nhiều địa phương trong toàn tỉnh trong thời gian qua cũng cho thấy đây là công việc hết sức khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Hơn thế, việc sáp nhập nếu thực hiện “vội vàng”, không có sự chuẩn bị kỹ càng có thể sẽ dẫn đến những mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường và với chính quyền địa phương.

Từ thực tế ở nhiều địa phương cũng cho thấy, để thực hiện tốt việc sáp nhập, trước hết phải làm tốt công tác dân vận, để dân hiểu, dân tin và thấy được hiệu quả của việc sáp nhập trường lớp. Ngoài điều kiện “cần” trên thì muốn sáp nhập tốt còn phải có “đủ” cơ sở để thực hiện. Tại huyện Kỳ Sơn, hiện nay việc sáp nhập các điểm trường chính về trường tiểu học đã thuận lợi hơn sau khi nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện tổ chức mô hình trường tiểu học bán trú. Đây cũng là một trong những mô hình đầu tiên của cả nước, chưa có tiền lệ và trước đó được hình thành từ chính nhu cầu của thực tiễn. Qua trao đổi, ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cũng cho biết: “Nếu như ở các huyện miền núi cao không có mô hình trường bán trú thì việc sáp nhập điểm trường lẻ sẽ không khả thi. Trong khi đó, nếu duy trì điểm trường lẻ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học, bởi ở đó, học sinh không có điều kiện được học đủ các môn, đặc biệt là các môn như Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc… Vì thiếu giáo viên nên điểm trường lẻ sẽ phải duy trì các lớp ghép và đây sẽ là thiệt thòi cho học sinh”.

Hiện huyện Kỳ Sơn cũng đang có hàng trăm điểm trường lẻ nhưng để thực hiện chương trình phổ thông mới, huyện đang thực hiện sáp nhập theo lộ trình và trước mắt sẽ ưu tiên sáp nhập học sinh lớp 3, 4, 5 về điểm trường chính để đảm bảo quyền lợi cho học sinh và giúp các em có điều kiện được học tập đầy đủ.

Kinh nghiệm sáp nhập ở Trường Tiểu học Thanh Dương (Thanh Chương) cũng là một ví dụ điển hình. Trước đây, trường có một điểm trường lẻ ở xóm 2 cách điểm trường chính khoảng 3km và chất lượng dạy học ở đây có nhiều hạn chế. Để tiến hành sáp nhập hiệu quả, nhà trường đã xây dựng kế hoạch từ năm học 2016 – 2017 nhưng phải đến hơn một năm sau việc sáp nhập mới được thực hiện sau khi điểm trường chính được đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp khang trang, đẹp đẽ. Qua 3 năm thực hiện sáp nhập, phụ huynh của xã Thanh Dương rất đỗi vui mừng bởi ngôi trường mà con em mình học dù nằm ở xã khá xa trung tâm nhưng đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đáp ứng đủ điều kiện dạy học. Nhà trường cũng đã thực hiện được “lời hứa” với phụ huynh khi đã hoàn thành việc xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2 và chất lượng dạy và học luôn nằm trong tốp đầu của huyện. Thầy giáo Bùi Xuân Sỹ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “So với trước khi sáp nhập, Trường Tiểu học Thanh Dương đã có sự chuyển mình rất rõ rệt và đây là lý do thuyết phục nhất để bà con tin tưởng vào chủ trương của xã, của huyện. Chúng tôi cũng cho rằng, khi học sinh chuyển về một địa điểm mới tốt hơn địa điểm cũ thì phụ huynh mới yên tâm, gửi gắm con em cho nhà trường”.

Bên cạnh đó, một điều cần lưu ý là việc sáp nhập trường, lớp hiện nay cũng cần phải căn cứ vào việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tránh tình trạng sau sáp nhập rồi lại tách, không phù hợp với thực tế. Hơn thế, việc sáp nhập phải được thực hiện theo quy hoạch chung, có kế hoạch cụ thể, có lộ trình và công tác quy hoạch trường, lớp phải gắn với chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới.