Bài cuối: Tận lực, hy sinh vì chiến thắng cuối cùng

Kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, cán bộ, công chức Sở Y tế Nghệ An hầu như thường trú tại cơ quan, “cơm niêu, nước lọ”, ăn, nghỉ và làm việc luôn ở sở để xử lý “núi” công việc gồm công văn, giấy tờ, hướng dẫn, quản lý, điều hành, chỉ đạo… phòng, chống dịch. Mỗi cán bộ, công chức đều là một thành viên của một tổ phòng, chống dịch, phụ trách một vài huyện, thành, thị. Do thường xuyên phải ra, vào các tâm dịch, việc ở lại cơ quan cũng xem như là biện pháp để bảo vệ cho gia đình, cộng đồng.

Đêm nào cũng vậy (trừ những lúc đi xử lý dịch ở cơ sở), cứ đến 20h, lãnh đạo sở, các phòng, ban cùng các chuyên gia dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lại cùng ngồi với nhau để họp bàn, đánh giá phân tích tình hình dịch Covid-19 ở tỉnh; phân tích 4 nguồn lây chính gây nên đợt bùng phát dịch ở tỉnh (nhóm liên quan 2 ca nhiễm ở tỉnh Hà Tĩnh sang; nhóm liên quan từ  tỉnh Bắc Giang về; nhóm liên quan đến các chuyến xe, chuyến bay), chủng virus, sơ đồ lây nhiễm, mối liên hệ giữa các ca bệnh; phân tích chỉ số xét nghiệm để thấy rõ bệnh nhân đã bị lây nhiễm từ khi nào, ai lây cho ai, có người trung gian lây bệnh hay không; đánh giá tình trạng có hay không việc lây chéo trong khu cách ly, việc điều trị cho bệnh nhân, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, hiệu quả của phương pháp test nhanh; kiểm tra tiến độ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19…

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá từ cuộc họp của “Bộ tổng tham mưu” chống dịch này, Sở Y tế Nghệ An sẽ tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh những quyết sách về công tác phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất. Bác sĩ Dương Tiến Hưng – Phòng Nghiệp vụ y chia sẻ: “Với tính chất quan trọng, các cuộc họp vẫn thường kéo đến 23, 24h. Sau họp, không hẳn là nghỉ ngơi, mọi người về phòng tiếp tục làm việc, triển khai nội dung kết luận vừa thống nhất. Từ ngày dịch bùng phát, mỗi ngày mọi người chỉ ngủ được 3-4h”… Sau 1 tháng chiến đấu cùng dịch, ở Sở Y tế Nghệ An, dường như ai cũng phờ phạc, già hẳn, nhưng họ vẫn đang bền bỉ với nhiệm vụ bằng niềm tin, quyết tâm cao.

Cuộc chiến chống dịch ở “Bộ tổng tham mưu” là vậy! Song vất vả, khó khăn, chấp nhận hy sinh nhất vẫn là ở “trận địa” – cơ sở trực tiếp đương đầu với dịch. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, mỗi y, bác sĩ ở đây đều là những “chiến binh” đúng nghĩa. Dịch Covid-19 bùng phát, những “chiến sĩ áo trắng” ở đây đã chạy đua từng phút, từng giờ và làm việc suốt ngày đêm với 200-300% sức lực của mình để chống chọi với dịch. Giữa mùa hè nóng rực, họ thường trực trong bộ đồ bảo hộ kín bưng suốt quãng thời gian làm việc xông pha trên các “mặt trận” lấy mẫu, tiếp nhận mẫu để xét nghiệm; trực tiếp giám sát truy vết ca bệnh. Họ chạy đua với thời gian tiến hành phân tích kết quả xét nghiệm một cách nhanh nhất. Áp lực vô hình luôn đè nặng lên mỗi chiến sĩ nơi đây. Dù ở trong phòng thí nghiệm hay xuống vùng dịch thì họ đều đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ lây nhiễm luôn tiềm ẩn.

Bác sĩ Trương Thị Trinh – phụ trách Labo xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An ngân ngấn nước mắt chia sẻ: “Từ ngày 13/6 đến nay, Labo đã thực hiện trên 120.000 mẫu xét nghiệm Covid-19. Labo có 7 người, trong đó 5 người là phụ nữ. Do tính chất làm xuyên ngày, xuyên đêm nên hầu hết đều ăn, ở tại chỗ; thâm chí nhu cầu vệ sinh cũng phải tiết giản tối đa. Con cái gửi ông bà, nhờ người thân chăm sóc hộ. Có cháu mới vài ba tháng tuổi đang bú mớm, có cháu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng bố, mẹ đều không thể cận kề. Rồi cha mẹ ốm đau, chúng tôi cũng không thể làm tròn bổn phận. Ai cũng phải hy sinh đi những phần riêng tư khi cộng đồng cần, biết làm sao được”.

Vì sức khỏe cộng đồng, các “chiến sĩ áo trắng” Nghệ An đã lao vào cuộc chiến với dịch Covid-19 bằng tâm thế chấp nhận mất mát, hy sinh và mệt mỏi thì ngã xuống rồi đứng dậy tiếp tục chiến đấu… Thật cảm động với hình ảnh những y, bác sĩ ngã lưng tạm nghỉ bên lề đường, sân nhà văn hóa trong lúc chờ người dân đến lấy mẫu xét nghiệm; nữ y tá Nguyễn Thị Vân Anh (Trạm Y tế phường Vinh Tân) rơi nước mắt gặp lại đứa con bé bỏng 4 tuổi sau 2 tuần đi chống dịch lại là lúc con mình thuộc đối tượng phải lấy mẫu xét nghiệm trong khu phong tỏa, cách ly. Rồi là các bác sĩ suốt ngày mặc đồ phòng hộ như phi hành gia để điều trị Covid-19. Ngày nào còn bệnh nhân thì ngày đó họ còn phải “biệt giam” trong khu vực cách ly điều trị. Hay hình ảnh bác sĩ Nguyễn Văn Long – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh nằm thiếp đi trên giường do lao tâm, lao lực quá độ trong suốt 13 ngày không ngủ chiến đấu cùng dịch.

Chứng kiến và thấu hiểu tất cả, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh chỉ biết bùi ngùi: “Thương anh em y tế mình quá!… Nhưng biết làm sao được, người dân đang cần, cả tỉnh đang chờ”. Nói là vậy, nhưng hơn ai hết, người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An chính là người đầu tiên, xuyên ngày, xuyên đêm hiện diện ở vùng dịch để chỉ đạo, động viên mọi người thực hiện nhiệm vụ. Từ tâm dịch thị xã Hoàng Mai, đến thành phố Vinh, huyện Diễn Châu.. Ông Chỉnh vẫn thường xuyên cùng cán bộ y tế thức trắng để truy vết, lấy mẫu.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 ở Nghệ An suốt 1 tháng qua, bên cạnh các cán bộ y tế, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ công an dưới cái nắng như thiêu đốt, kiên trì bám chốt kiểm soát, tạo thành bức thành trì vững chắc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bảo vệ an toàn cho người dân; “tắm” hóa chất đi truy vết F1, F2… khiến nhiều người cảm phục.

Dịch bùng phát, thành phố Vinh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thiết lập 13 chốt kiểm soát người và phương tiện vào, ra. Ở 13 chốt này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ “đội nắng, dầm mưa, chịu cảnh gió Lào hun đốt”, tắm mồ hôi, vất vả đi lại như con thoi để hướng dẫn đường đi, cổ khản đắc giải đáp thắc mắc của người điều khiển phương tiện; kiểm tra các loại giấy tờ vào, ra chốt. Phơi mình dưới nắng, người Trung úy Hồ Sỹ Nam (Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an TP. Vinh) như quắt lại, làn da đỏ ửng như bị bỏng. Trung úy Hồ Sỹ Nam chia sẻ: “Có những ca trực từ 12h đến 18h, nắng rát mặt, cảm giác ngộp thở nhưng chỉ cần dừng một lúc thôi là đường tắc ngay nên anh em trực chốt hầu như không có thời gian để trú nắng”…

Trung úy Nguyễn Xuân Đức  – Công an xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) thì cho hay: Do là đường độc đạo nên lượng phương tiện, chủ yếu là xe tải lưu thông lớn, không thể lập barie để chặn mà phải cơ động kiểm tra từng phương tiện để tránh ùn tắc. Nắng hay mưa, đêm hay ngày chúng tôi đều kiên trì bám chốt kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Chỉ mong người dân thấy được sự vất vả của đội ngũ chống dịch thì sẽ có ý thức hơn để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh”.

Thực hiện chống dịch Covid-19, công tác điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện sớm nguy cơ, ngăn chặn sự lây lan. Trong 1 tháng chống dịch đã qua, lực lượng công an chính là người đứng đầu tổ truy vết F0; ở đâu có ca bệnh thì ở tâm dịch đó có các cán bộ, chiến sĩ công an… 22h ngày 5/7, Thượng tá Trần Đình Vinh – Phó trưởng Công an TP. Vinh (Nghệ An), Tổ trưởng Tổ truy vết phát lệnh: “Có trường hợp F0, tại khu cách ly khách sạn H.N. Tổ truy vết F0 cho anh em lập tức lên đường”. Ngay lập tức, Trung úy Nguyễn Công Vượng và Trung úy Phạm Đức Chính lao ra xe, chạy thẳng tới khách sạn H.N, nơi được thành phố Vinh trưng dụng làm khu cách ly tập trung.

Tới nơi, Trung úy Vượng và Trung úy Chính vội vàng trùm bảo hộ kín mít, lấy băng dính dán phần cổ và chân, “tắm” thêm một lượt hóa chất khử khuẩn, cùng cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An gặp gỡ, trò chuyện với F0. Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, việc lấy thông tin truy vết cũng hoàn tất. Cởi bỏ lớp khẩu trang, quần áo bảo hộ theo đúng quy trình được hướng dẫn, vẫn chưa yên tâm, các thành viên hỗ trợ nhau “tắm” dung dịch khử khuẩn một lần nữa trước khi di chuyển về đơn vị thực hiện các giai đoạn truy vết tiếp theo.

Trung úy Vượng chia sẻ: “Có những trường hợp phải mất 3-4 tiếng đồng hồ đứng giữa trời nắng. Thêm bộ bảo hộ này nữa thì không khác gì đang ở trong lò nung. Quần áo tưởng như vắt ra được trong khi miệng đắng nghét vì khát… Chúng tôi trực tiếp tiếp xúc với các F0, dù khoảng cách 2m nhưng nguy cơ lây nhiễm rất cao bởi virus SARS-CoV-2 có thể lơ lửng trong không khí. Dù tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc bảo hộ, nhưng để loại trừ các nguy cơ lây nhiễm, anh em đều “tắm” cồn, dung dịch sát khuẩn gần như hàng ngày, đến nỗi quần áo bạc phếch do bị hóa chất bào mòn, da nổi mẩn cả lên”.

Trung tá Phạm Thế Anh – Tổ phó Tổ truy vết Công an thành phố Vinh cho biết: “Từ khi thành phố Vinh ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên, anh em chỉ được ngủ khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Bất kỳ lúc nào có thông tin về ca F0 là lên đường, bất kể 2h sáng hay 12h trưa. Ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch, anh em vẫn phải thực hiện công tác chuyên môn, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn trong bối cảnh dịch hoành hành. Đảm trách khối lượng công việc khổng lồ, ăn, ngủ thất thường nên nhiều người suy kiệt sức khỏe. Nhưng từ thông tin truy vết công an thu thập, các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa ra các quyết định phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả trên địa bàn. Từ ngày 13/6 đến ngày 5/7, tổ truy vết đã thực hiện truy vết tìm kiếm được 96 F0, 2.611 F1 và 8.984 F2…Vì đẩy lùi dịch bệnh, có vất vả nữa chúng tôi cũng nhận nhiệm vụ”.

Dịch Covid-19 xuất hiện, ngay lập tức, công tác phòng, chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị – xã hội, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu… đã giúp cho Nghệ An từng bước khống chế, kiểm soát được dịch bệnh.

Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Phòng, chống dịch, ở Nghệ An có rất nhiều anh, chị để lại sau lưng con thơ, mẹ già, cha yếu, sẵn sàng đi vào tâm dịch, cùng đồng chí, đồng đội hoàn thành các nhiệm vụ được giao; nhiều tấm gương tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh được nhân dân cảm phục và yêu quý. Cùng với sự ủng hộ, chấp hành tuyệt đối của người dân, chắc chắn rằng, chúng ta sẽ sớm chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại phát triển bình thường.