Bài học về sự chủ quan, lơ là trong ứng phó với thiên tai

Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua ngoài yếu tố khách quan, còn do sự chủ quan, lơ là của con người.

60 người chết, 37 người mất tích và 31 người bị thương. Đó là những con số đau lòng do đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 10/10 đến ngày 14/10 gây ra. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề này ngoài yếu tố khách quan, còn do sự chủ quan, lơ là của con người.

Chỉ trong vòng gần 1 tuần, mưa lũ do áp thấp nhiệt đới bắt đầu từ ngày 10/10 đến ngày 14/10 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhân dân các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung. So với bão số 10, cơn bão được đánh giá là siêu bão, với sức gió mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến 6 người chết thì những gì mà đợt mưa lớn do áp thấp nhiệt đới mới đây gây ra thật là nghiêm trọng, với 97 người chết và mất tích.

bai hoc ve su chu quan lo la trong ung pho voi thien tai hinh 1

Nhiều ngôi nhà tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa chìm trong nước

Do nước lên quá nhanh nên người dân không kịp trở tay. Nhiều người lâm vào cảnh mất nhà cửa, người thân chỉ trong vòng 1 đêm. Thậm chí, chỉ sau một vài giờ đồng hồ, hàng trăm ngôi nhà đã bị ngập sâu trong nước.

Theo các chuyên gia về phòng chống thiên tai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng về người và tài sản trong đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua. Ngoài những nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây ra những đợt mưa lũ bất thường như mưa to, lũ xuất hiện đột ngột thì còn do nguyên nhân chủ quan của các cấp, các ngành và chính người dân.

Tại buổi họp thông tin tới báo chí về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10 đến ngày 12/10/2017 vào chiều ngày 13/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Điều hành ứng phó, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, Trung tâm Khí tượng Thủy văn chưa dự báo chính xác về tổng lượng mưa do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây ra dẫn đến việc ứng phó gặp nhiều khó khăn.

bai hoc ve su chu quan lo la trong ung pho voi thien tai hinh 2
Nước lên nhanh, nhiều địa phương bị ngập 

Ông Nguyễn Văn Hải nêu dẫn chứng cụ thể: Tại bản tin dự báo số 32 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương ban hành lúc 15h15 ngày 10/10, dự báo lúc 1 giờ ngày 11/10, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình là 3.800 m3/s, trong khi thực tế nước về tới 9.360 m3/s, chêch lệch gần 6.000 m3. Tiếp đó, vào thời điểm 15h cùng ngày, cơ quan dự báo nhận định lưu lượng nước về là 2.900 m3/s, trong khi thực tế về tới 11.290 m3/s, chênh lệch hơn 8.000 m3/s…

Ngoài ra, chính quyền một số địa phương còn bị động trong công tác ứng phó. Tại tỉnh Hòa Bình, địa phương thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, với 20 người chết, 13 người mất tích, ngành chức năng cung cấp thông tin cho phóng viên rất nhỏ giọt. Bên cạnh đó, còn do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi, thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông.

Khi có lũ lớn, cán bộ xã, bộ đội phải đến từng hộ dân để vận động bà con di dời nhưng do phong tục tập quán, người dân bất chấp nguy hiểm vẫn ở lại; thậm chí tại nhiều khu vực ở miền núi, người dân phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà dẫn đến thiệt hại về người. Câu chuyện cán bộ thôn ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tử vong khi đi vận động bà con người Mường di dời khỏi vùng nguy hiểm là một ví dụ. Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Đối với thiệt hại về người hiện nay trong thiên tai thì có nguyên nhân do chủ quan. Đây là do nhận thức của người dân, do tuyên truyền của các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và do điều kiện đặc thù, do thiếu đất ở khu vực miền núi. Hiện điều kiện người dân ở khu vực phân tán, rải rác cho nên thông tin nhiều khu vực không đến được. Đây là tồn tại mà thời gian tới không thể để xảy ra nữa”.   

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương thừa nhận, hiện công tác dự báo chính xác lượng mưa bao nhiêu là rất khó và thực tế này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.

Dự báo mưa đã khó và ứng phó với mưa cũng rất phức tạp. Ở Việt Nam chúng ta, hoàn lưu sau bão, lượng mưa lớn nhất thường xảy ra nửa đêm về sáng. Đó là đặc điểm địa hình, đặc điểm khí hậu gây mưa. Như vậy, các bản tin dự báo, cảnh báo buổi chiều rất quan trọng.  Khó khăn như vậy, chúng ta chỉ có thể nhận định về xa, xa về khoảng định lượng, khả năng mưa lớn, mưa to diện rộng. Càng gần sự kiện thì khu vực càng cụ thể hơn. Bản tin chiều rất quan trọng. Tiếp theo bản tin buổi chiều càng quan trọng, vì lúc đó càng gần về sáng. Rất tiếc thời điểm này cũng là thời điểm rất khó khăn trong việc ứng phó và truyền tin. Đây là điểm mà chúng ta cần khắc phục”, ông Đức Cường nói.

Kinh nghiệm đối phó với siêu bão số 10 cho thấy, dù bão to nhưng do có sự chủ động chu đáo từ trước nên thiệt hại trực tiếp không nặng. Trước thời điểm bão đổ bộ, các ban ngành, chính quyền các địa phương và người dân đều có ý thức phòng tránh, không chủ quan, lơ là.

Hàng trăm nghìn tàu thuyền đã kịp thời di chuyển tránh được bão, hàng chục nghìn hộ dân được di chuyển đến nơi an toàn. Còn mưa hoàn lưu sau áp thấp nhiệt đới vừa qua lại gây hậu quả nặng nề. Đây là bài học đắt giá, để các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân vùng gánh chịu hậu quả thiên tai phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong thời gian tới./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới