Bài học ý nghĩa về giao và nhận việc

(Baonghean) - Bài báo “Nỗ lực lớn trong từng việc nhỏ” đăng Báo Nghệ An ngày 6/4 đề cập đến 4 đồng chí cán bộ ở độ tuổi tương đối trẻ, được tin tưởng giao trách nhiệm lãnh đạo cấp cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc (giữa) – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bến Thủy, TP Vinh trao đổi với người dân tại Khu tập thể Nhà máy gỗ Vinh đang được xây mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc (giữa) – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bến Thủy, TP Vinh trao đổi với người dân tại Khu tập thể Nhà máy gỗ Vinh đang được xây mới.

Điểm chung của họ là táo bạo, năng động, “lăn xả” với phong trào, từ hành động của họ mà tháo gỡ được nhiều vấn đề tồn đọng, vướng mắc lâu dài. Do không nề hà việc nhỏ hay việc lớn, hễ người dân cần, cơ sở cần là họ “lăn vào”.

Từ đó, phong trào cơ sở tại các địa phương đó thực sự có chuyển động, năng động, công tác quản lý từng bước được cải cách, thông suốt, hiệu quả. Bài báo khẳng định hiệu quả của chính sách luân chuyển cán bộ khi được thực hiện đúng. Hơn thế, từ đó còn đặt ra một số vấn đề cần suy nghĩ trong công tác cán bộ, mà theo chúng tôi có hai vấn đề nổi bật cần được quan tâm.

Thứ nhất, đối với những người làm công tác cán bộ, cần tạo cơ hội và trao cơ hội kịp thời, đúng lúc đối với những cán bộ trẻ, có phẩm chất, năng lực, được đào tạo nghiêm túc. Khi chọn đúng thời điểm “chín muồi”, cần tin tưởng giao việc, giao trách nhiệm, đồng thời cổ vũ, động viên, theo dõi, kiểm tra, tạo điều kiện cho cán bộ được khẳng định khát khao cống hiến, khát khao hành động để cải tạo thực tiễn, đóng góp cho cơ sở, tạo chuyển động đột phá trong các phong trào thi đua ở địa phương.

Những kết quả mà 4 đồng chí chủ trì cơ sở mà bài báo phản ánh cho thấy quyết định giao việc của thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn cho 4 đồng chí đó là đúng đắn, kịp thời.

Đó cũng là bài học thực tiễn về việc tập thể lãnh đạo các cấp ủy cấp trên không chỉ tin tưởng giao việc, mà còn thường xuyên giám sát, theo dõi, kịp thời cổ vũ động viên những việc làm đúng, làm hay; bổ cứu kịp thời những thiếu sót cũng như những lúng túng, vướng mắc.

Từ đó, vừa rèn luyện được cán bộ, vừa đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào kinh tế - xã hội ở cơ sở được phát triển tốt. Như vậy là “vẹn cả đôi đường”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Lượng (ngoài cùng bên trái) – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn đang cùng nông dân bản Na Lượng 1 kiểm tra hiệu quả mô hình trồng rau sạch.
Đồng chí Nguyễn Hữu Lượng (ngoài cùng bên trái) – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn đang cùng nông dân bản Na Lượng 1 kiểm tra hiệu quả mô hình trồng rau sạch.

Thứ hai, đối với cán bộ được giao việc, được tạo cơ hội, cần hết mình vì cơ hội được trao. Điều này có nhiều ý nghĩa, cả về chính trị, về văn hóa và đạo đức. Khi đã được tổ chức tin tưởng giao phó trách nhiệm, dù là ở nhiệm vụ nào, người được giao nhiệm vụ đều cần phải nỗ lực hết mình để phát huy mọi khả năng, năng lực, không lựa chọn hoặc trù trừ, thiếu quyết liệt, thiếu nhiệt huyết.

Cần quan niệm một cách đầy đủ, tích cực, rằng chức vụ được giao không đơn thuần là “cái ghế” chỉ để ngồi “hưởng lợi”. Chức vụ được giao không chỉ là kết quả của một quá trình phấn đấu, để rồi có tư tưởng “bằng lòng”, cầm chừng, chỉ quan tâm đến phần “quyền lợi” từ chức vụ, vị trí đó đưa lại; mà điều quan trọng là phải tiếp tục “lăn xả”, hết mình để thực hiện trách nhiệm được giao, nỗ lực để thúc đẩy công việc trôi chảy, vận hành thông suốt, hiệu quả.

Nếu cán bộ làm được như vậy tức là đã khẳng định rằng bản thân mình xứng đáng với cơ hội được giao. Thái độ trân trọng cơ hội được giao cũng chính là trân trọng cấp trên, trân trọng tổ chức, trân trọng cơ sở nơi mình được điều động, bổ nhiệm công tác; cũng là trân trọng chính bản thân mình, bởi nếu phấn đấu hết mình và đem lại hiệu quả tốt cho công việc, cho cơ sở thì sẽ được ghi nhận, được tôn trọng, biểu dương và có nhiều cơ hội để tiếp tục cống hiến, phấn đấu tốt hơn.

Còn, nếu không hết mình vì nhiệm vụ, không quyết liệt hành động vì phong trào, không vô tư cống hiến, thì không những ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào, không đáp ứng được nhiệm vụ được giao, mà bản thân cán bộ đó cũng không được ghi nhận.

Từ hai vấn đề nêu trên, thiết nghĩ bài báo “Nỗ lực lớn trong từng việc nhỏ” không chỉ để cập đến 4 cán bộ cụ thể, 4 địa phương cụ thể, mà còn có ý nghĩa tích cực trong công tác giao việc và nhận việc rất nên được tuyên truyền để khẳng định những nhân tố tích cực, những cách làm hay từ đó được lan tỏa, nhân rộng...

(Phản hồi của bạn đọc về bài viết “Nỗ lực lớn trong từng việc nhỏ” trên chuyên mục “Cán bộ nào, phong trào ấy” trên nhật báo Nghệ An số ra ngày 6/4/2016)

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới