Bài Ngữ văn điểm 10 được trình bày theo giao diện facebook của học trò xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Đó là một bài Ngữ văn được hoàn thành nhờ tinh thần nỗ lực của một tập thể. Bài Ngữ văn cũng được đánh giá là có ý tưởng mới lạ, mang phong cách của học trò thế hệ 10X, vừa sinh động nhưng cũng rất sâu sắc và ý nghĩa...

“Trốn”mẹ để làm bài

Đề văn của bài tập này không quá khó khi cô giáo dạy môn Ngữ văn của lớp 11A5 – Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn yêu cầu các học sinh giới thiệu về Nguyễn Đình Chiểu, tác giả của bài thơ “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc”. Tuy nhiên, để học sinh có thể phát huy năng lực, giáo viên cũng yêu cầu học sinh thể hiện được sự sáng tạo trong bài làm của mình.

Bài tập của học sinh lớp 11A5 giới thiệu về chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: NVCC
Bài tập của học sinh lớp 11A5 giới thiệu về chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: NVCC

Yêu cầu này của giáo viên cũng không phải là mới lạ, bởi trước đó các học sinh của lớp 11A5 đã có khá nhiều bài tập thực tế như thế này. Nhưng, cũng bởi quá quen thuộc nên để làm “mới” bài làm là không dễ. Trước khi đi vào thực hiện, nhóm học sinh của lớp 11A5 cũng đã đưa ra rất nhiều ý tưởng khác nhau như vẽ sơ đồ tư duy, trình bày bằng power point. Cuối cùng sau gần một buổi sáng tranh luận, ý tưởng vẽ lại tiểu sử của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu theo giao diện facebook do 2 học sinh Hà Phương và Thu Giang đưa ra lại nhận được sự đồng tình cao nhất.

Đây cũng là lần đầu tiên nhóm trình bày theo hình thức mới mẻ này. Trước khi bắt tay vào thực hiện nhóm cũng gặp khá nhiều khó khăn, bởi Nguyễn Đình Chiểu - ngoài là một nhà thơ còn là một chí sỹ yêu nước, quả cảm. Vì thế, khi trình bày bằng giao diện của facebook các em e sợ sẽ có nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng, cách trình bày này không nghiêm túc.

Kể về điều này, học sinh Vương Thanh Bình – nhóm trưởng còn chia sẻ thêm: Mẹ em là giáo viên dạy Văn ở trường, nhưng trong quá trình thực hiện bài tập này, em “giấu” mẹ vì sợ mẹ phản đối. Chúng em đã trăn trở phải thể hiện một cách tự nhiên nhất. 

Phần giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dưới giao diện của facebook. Ảnh: NVCC
Phần giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dưới giao diện của facebook. Ảnh: NVCC
Để thể hiện bài tập này, nhóm cũng đã dành 3 ngày để tìm hiểu các tư liệu về cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó,  mỗi thành viên tìm những chi tiết đặc biệt nhất để thể hiện trên bức tranh của mình. Đây cũng là điều phải hết sức tỉ mỉ vì cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu khá dài với nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện sinh động. Trong khi đó, giao diện của facebook không cho phép hiển thị nhiều chi tiết.
Để khắc phục hạn chế này, nhóm đã bàn bạc để chọn chi tiết “đắt” nhất và cố gắng trình bày sao cho thật dễ hiểu và hóm hỉnh thông qua 7 bức tranh minh họa.
Trong đó, bức thứ nhất khá ấn tượng khi các em đã giới thiệu đầy đủ chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với đủ mọi thông tin về quê quán, họ tên bố, mẹ. Đặc biệt, thông tin “đã kết hôn” với Lê Thị Điền khiến mọi người thích thú, đúng “chất” của facebook.  Hay bức tranh tái hiện hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu đi thi ở Trường thi Gia Định cũng rất thú vị khi có dòng bình luận “Tiên sinh lên đường giữ sức khỏe nhé”.
Trong mắt học sinh Nguyễn Đình Chiểu là một người đa tài, có thể vừa mở trường, vừa dạy học vừa bốc thuốc. Ảnh: NVCC
Trong mắt học sinh Nguyễn Đình Chiểu là một người đa tài, có thể vừa mở trường, vừa dạy học vừa bốc thuốc. Ảnh: NVCC
Bộ tranh còn gây được ấn tượng ở bức tranh cuối cùng với hình ảnh một bàn tay vẫy gọi từ nước Pháp. Tuy nhiên, kèm theo đó là dòng chữ “Bạn đã chặn Pháp” khiến người xem thấy được sự khảng khái, dứt khoát chối từ sự mua chuộc của thực dân Pháp của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là bức ảnh nhận được nhiều bình luận nhất sau khi toàn bộ các bức tranh được chia sẻ lên facebook.
Điểm 10 đặc biệt
Cùng với bức tranh này, nhóm học sinh của tổ 1, lớp 11A5 cũng đã có 10 phút thuyết trình về bài tập của mình. Chứng kiến phần thi của các học sinh, cô giáo Nguyễn Lam Thủy – giáo viên dạy môn Ngữ văn cho biết: Dạng đề để học sinh phát huy năng lực không phải là điều mới mẻ ở trường chúng tôi và học sinh cũng đã thử nghiệm khá nhiều. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một nhóm học sinh trình bày một bài tập kể về cuộc đời của một tác giả lại thú vị và công phu đến vậy.
_Sự khảng khái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được thể hiện dưới con mắt của học trò thế hệ 10X. Ảnh: NVCC
Sự khảng khái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được thể hiện dưới con mắt của học trò thế hệ 10X. Ảnh: NVCC
Bản thân tôi là giáo viên đã dạy môn Ngữ văn 15 năm, chấm rất nhiều bài kiểm tra và bài tốt nhất cũng chỉ thường cho điểm 9. Nhưng với bài tập này của các em, tôi đã  cho các em điểm 10. Đó là điểm 10 của sự sáng tạo, của  tinh thần tập thể, của năng lực, kiến thức và cả sự đam mê mà các em dành cho bài Ngữ văn này.
Không chỉ giành điểm tuyệt đối, bài tập của nhóm học sinh  tổ 1, lớp 11 A5 còn nhận được sự đồng tình, tán dương của rất nhiều giáo viên, học sinh và cộng đồng mạng sau khi chia sẻ lên mạng xã hội. Cô giáo Nguyễn Lam Thủy cũng nói thêm: Lâu nay việc dạy Văn trong nhà trường gặp nhiều khó khăn, bởi các em chọn trường thi khối Khoa học xã hội không nhiều.
Niềm vui của các học sinh sau khi hoàn thành bài kiểm tra xuất sắc của mình. Ảnh: NVCC
Niềm vui của các học sinh sau khi hoàn thành bài kiểm tra xuất sắc của mình. Ảnh: NVCC

Chính vì thế, khi các em hoàn thành xong bài Văn này chúng tôi thực sự vui, bởi điều đó chứng minh các em không thờ ơ với văn học như một số suy nghĩ lâu nay. Về phía giáo viên, chúng tôi cũng phải nỗ lực đổi mới trong giảng dạy để làm sao tạo được sự hứng thú cho học sinh, khuyến khích các em thể hiện được năng lực của mình. Qua hình thức này cũng giúp học sinh các kỹ năng về làm việc theo nhóm và tăng cường sự gắn kết, gần gũi giữa các thành viên trong lớp.

Tin mới