Bài toán 'trở lại Syria' của Tổng thống Trump và cáo buộc của Nga

(Baonghean) - Rút quân ra rồi lại đưa binh lính trở lại miền Đông Bắc Syria với lý do bảo vệ các mỏ dầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại toan tính các kế hoạch xa hơn tại địa bàn chiến lược này.

Đảo chiều chính sách

Đúng 3 tuần sau khi quyết định rút quân khỏi chiến trường Đông Bắc Syria, tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch nhằm vào lực lượng quân sự người Kurd tại đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một động thái ngược lại. Ngày 2/11, một đoàn xe quân sự Mỹ đã tiến vào một khu vực do người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria. Tại đây, đại diện của Mỹ đã gặp gỡ các quan chức của lực lượng người Kurd.

Đây là chuyến ghé thăm thứ hai kể từ khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nguồn tin, các xe bọc thép treo cờ Mỹ đã dừng lại trước đại bản doanh của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), bên ngoài thành phố Qamishli. Đoàn xe này cũng đã đi ngang qua vị trí của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng nòng cốt thuộc SDF và các lực lượng an ninh người Kurd trong khu vực. Trong chuyến viếng thăm này, Mỹ cũng đã thông báo với cộng đồng người Kurd ở đây về kế hoạch quay trở lại thành phố Qamishli. AFP dẫn nguồn tin có dự các cuộc gặp gỡ giữa quân đội Mỹ và người Kurd nói: “Họ sẽ thiết lập một căn cứ quân sự quan trọng ở Qamishli”.

Xe thiết giáp và binh lính Mỹ trở lại Đông Bắc Syria nhằm trấn giữ các mỏ dầu. Ảnh: AP
Xe thiết giáp và binh lính Mỹ trở lại Đông Bắc Syria nhằm trấn giữ các mỏ dầu. Ảnh: AP

Trước đó, hôm 26/10, Mỹ đã bắt đầu triển khai quân tăng viện tới miền Đông giàu dầu mỏ của Syria khi một đoàn hộ tống quân sự treo cờ Mỹ từ Iraq đã vượt biên giới để tiến vào lãnh thổ của đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Trước đó, Mỹ đã củng cố các vị trí ở tỉnh Deir-al-zor bằng những trang thiết bị quân sự bổ sung với sự hợp tác của các tay súng người Kurd thuộc SDF. Mỹ tuyên bố, mục đích của hành động này là để ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các lực lượng khác giành quyền tiếp cận các mỏ dầu.

Diễn giải về sự thay đổi chóng mặt về chính sách đối với khu vực Đông Bắc Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ triển khai binh sĩ tại Syria là để bảo vệ các mỏ dầu và muốn nhường việc tuần tra biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi muốn đưa binh sĩ về nhà, song vẫn để họ lại vì chúng tôi muốn canh giữ dầu mỏ. Tôi thích dầu mỏ. Chúng tôi đang canh giữ dầu mỏ”, Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng ngày 1/11 trước khi lên đường tới thành phố Tupelo, bang Mississippi để dự cuộc tuần hành “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”.

Tổng thống mỹ Donald Trump-quotes

Ông Trump khẳng định rằng nhiều bên có thể và đang tuần tra dọc biên giới Syria, chứ không riêng gì Mỹ. “Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu suốt 1.000 năm và hãy để họ đảm trách khu vực biên giới, chúng tôi không muốn làm điều đó", ông Trump nói thêm.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng gửi đi hai thông điệp với thế giới. Thứ nhất, Mỹ đã “tạo điều kiện” tối đa để đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện mong muốn của họ là ngăn chặn cộng đồng người Kurd tại Đông Bắc Syria lớn mạnh, đủ sức để thành lập một khu vực tự trị tại đây. Đó chính là mầm mống để kích động và ủng hộ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Iraq hay Iran cũng làm điều tương tự. Còn việc Thổ Nhĩ Kỳ hành động tới đâu nhằm hạ gục ý chí của người Kurd là việc của họ. Thứ hai, Syria vẫn nằm trong ưu tiên của chính quyền Donald Trump ở một mức độ an ninh chiến lược nào đó. Mỹ không can dự quá nhiều, nhưng sẽ cố gắng giữ những lợi ích của mình tại đây.

Mỹ sẽ vẫn là đối trọng trong tương lai của Syria

Mỹ đã rút binh sĩ khỏi khu vực phía bắc Syria trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ngày 9/10 nhằm vào lực lượng IS và dân quân người Kurd tại đây. Tổng thống Trump cho biết ông muốn "rút khỏi những cuộc chiến kéo dài vô tận", song sau đó ông lại đổi ý và cho rằng cần nắm giữ các mỏ dầu tại Syria và ngăn IS chiếm lại chúng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục rút khỏi miền bắc Syria và số binh sĩ ở lại nước này dự kiến thấp hơn 1.000. Các cơ sở khai thác dầu khí ở miền đông Syria là chủ đề gây tranh cãi khi Mỹ dọa tấn công mọi lực lượng tiếp cận chúng, kể cả quân đội Nga và Syria. Bộ trưởng quốc phòng Esper nói nguồn thu từ dầu mỏ sẽ được cấp cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) để họ duy trì sức mạnh và quản lý các trại giam giữ tù binh IS.

Lính Mỹ tại Syria với binh lính người Kurd. Nguồn ảnh: Reuters
Lính Mỹ tại Syria với binh lính người Kurd. Nguồn ảnh: Reuters

Còn Nga cáo buộc “Mỹ chiếm giữ và kiểm soát các mỏ dầu ở miền đông Syria bằng vũ lực” và gọi đây là “hành vi ăn cướp cấp nhà nước”. Nga nói binh sĩ và lính đánh thuê Mỹ bảo vệ cho hoạt động khai thác và buôn lậu dầu mỏ Syria để thu về hơn 30 triệu USD mỗi tháng, sau đó trả cho các công ty an ninh tư nhân và cơ quan tình báo Mỹ; dạng “bảo kê” này là cách để Mỹ duy trì sự hiện diện ở đây, vừa là cái cớ để mưu tính các kế hoạch lâu dài hơn ở Syria, một khi có chuyển biến.

Thực tế, phần lớn các mỏ dầu và khí đốt của Syria tập trung ở vùng đông bắc nước này với sản lượng 385.000 thùng/ngày, trước khi nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Nếu có thể quay trở lại với đỉnh cao khi chưa xảy ra xung đột, ngành công nghiệp dầu mỏ của Syria vẫn không có nhiều đóng góp cho thị trường toàn cầu, khi chiếm chưa đầy 0,5% tổng cung dầu thế giới. Cùng năm đó, Mỹ sản xuất được 5,7 triệu thùng/ngày và hiện đã nâng lên 12,6 triệu thùng/ngày. Vì vậy, lý do “an ninh năng lượng” xem ra khó có thể lý giải cho việc quay trở lại với các ‘rốn dầu’ ở mảnh đất bất ổn này. Các chuyên gia nhận định giá trị kinh tế mà các mỏ dầu ở Syria mang lại cho Mỹ không cao song có thể là quân bài mặc cả giá trị của Washington với Mockva và Damascus.

Dù không mang quá nhiều giá trị kinh tế, dầu mỏ ở Syria sẽ quyết định tương lai hòa bình tại đất nước này. Ảnh: CNN
Dù không mang quá nhiều giá trị kinh tế, dầu mỏ ở Syria sẽ quyết định tương lai hòa bình tại đất nước này. Ảnh: CNN

Mỹ từng đổ nhiều tiền của để hỗ trợ các nhóm nổi dậy "ôn hòa" chống lại chính quyền Assad. Tuy nhiên, sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, các nhóm nổi dậy lần lượt bị đánh tan tác, mất hết các vùng kiểm soát ở miền nam Syria và buộc phải lui về co cụm ở tỉnh Idlib giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ sau đó quay sang ủng hộ dân quân người Kurd nhằm duy trì vị thế và ảnh hưởng của mình ở Syria. Tuy nhiên, uy tín của Mỹ bị sứt mẻ nghiêm trọng khi chính quyền Donald Trump ra quyết định rút quân hồi đầu tháng 10, khiến Nga gần như trở thành bên có tiếng nói quan trọng nhất trên bàn cờ Syria.

Việc nắm trong tay các mỏ dầu, vốn là nguồn thu quan trọng nhất của chính quyền Bashar al Assad, sẽ giúp Mỹ có tiếng nói trong quá trình đàm phán hậu nội chiến và quyết định quyền lợi cho phe đối lập cũng như dân quân người Kurd - hai thành phần mà Mỹ có thể liên minh (dù trong ngắn hạn). Kiểm soát các mỏ dầu giúp Mỹ nắm giữ “động lực” cho quá trình hồi phục nền kinh tế của Syria trong thời kỳ hậu chiến, vốn đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và tiền bạc. Bởi thế, dù không có nhiều giá trị về kinh tế, những mỏ dầu ở Syria vẫn là mục tiêu mà người Mỹ không thể từ bỏ.

Bản đồ ngành công nghiệp dầu mỏ của Syria.
Bản đồ ngành công nghiệp dầu mỏ của Syria. Nguồn: SouthFront.org

Tin mới