Bám cơ sở, gỡ khó khăn, đẩy nhanh phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Năm 2022, huyện Thanh Chương tiếp tục khẳng định những bước phát triển mới. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương về những kết quả nổi bật cụ thể.

Phóng viên: Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thanh Chương tiếp tục khẳng định những bước phát triển mới trong năm 2022. Xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể?

Đồng chí Nguyễn Văn Quế: Năm 2022, trong khó khăn chung khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát ở thời điểm đầu năm và tác động của nó chi phối đến phát triển kinh tế - xã hội; song với tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc “đều tay” của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy cao độ sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và doanh nghiệp, nên kết quả đạt được khá toàn diện.

Trung tâm huyện Thanh Chương. Ảnh: Sách Nguyễn

Trung tâm huyện Thanh Chương. Ảnh: Sách Nguyễn

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 9,36%. Trên cơ sở xác định nông nghiệp là kinh tế trọng tâm, then chốt, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU về “Phát triển kinh tế trang trại gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo mô hình an toàn sinh học”; Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác”. Nhờ vậy, nông nghiệp của huyện Thanh Chương có thêm nhiều điểm sáng, mô hình kinh tế cây, con chuyển đổi khẳng định hiệu quả và giá trị cao, tạo bước chuyển nhận thức, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của Nhân dân. Điển hình có nhiều sản phẩm hiệu quả cao như: cam, bưởi các loại, bí xanh, sâm thổ hào, chè xanh VietGAP, mô hình nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao có quy mô hơn 6.000 con/lứa…; duy trì và phát triển 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo tập trung, tạo sự đồng thuận chung tay của Nhân dân. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 đạt gần 485 tỷ đồng; trong đó, Nhân dân và doanh nghiệp đóng góp chiếm gần 18%. Trong năm có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Thanh Hương và Thanh Ngọc), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 23/37 xã; có thêm 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số lên 3 xã trong toàn huyện.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương tìm hiểu hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Lãnh đạo huyện Thanh Chương tìm hiểu hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Công tác thu hút đầu tư dự án phát triển kinh tế đạt kết quả tốt, trong đó, có một số dự án nổi bật như: Nhà máy may Matsouka Thanh Liên, với tổng mức đầu tư 154 tỷ đồng; Nhà máy may Thanh Phong dự kiến đầu tư 220 tỷ đồng; Nhà máy gỗ viên nén Thanh Tùng dự kiến đầu tư 600 tỷ đồng; Nhà máy may tại xã Thanh Thịnh dự kiến đầu tư khoảng 65 tỷ đồng; Nhà máy may tại xã Thanh Đồng dự kiến đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục của huyện Thanh Chương tiếp tục nằm trong tốp đầu của tỉnh và được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các chỉ tiêu trong ngành Giáo dục. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo được cả hệ thống quan tâm vào cuộc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,61%. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo; công tác cải cách hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, đề xuất của người dân được chăm lo, tạo yên dân và sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ và Nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của huyện.

Nhà máy may tại xã Thanh Liên đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý II/2023. Ảnh: Mai Hoa

Nhà máy may tại xã Thanh Liên đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý II/2023. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên: Như chia sẻ của đồng chí về sự đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc “đều tay” của cả hệ thống chính trị. Vậy đồng chí có thể cho biết cụ thể như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Quế: Trong năm 2022, cùng với tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Đảng và Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy trên cơ sở đánh giá 1 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao công tác tư tưởng, khắc phục bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, ngại khó, sớm thỏa mãn; đổi mới cách nghĩ, cách làm, tạo sự đồng thuận cao để phát triển” tiếp tục được chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao, gắn với tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng bộ với chủ đề “tự soi, tự sửa”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên được Huyện ủy chăm lo và triển khai bài bản, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ ở từng cấp, cơ quan, đơn vị.

Giải quyết thủ tục hành chính của người dân ở bộ phận một cửa xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa

Giải quyết thủ tục hành chính của người dân ở bộ phận một cửa xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa

Hoạt động kiểm tra, giám sát được triển khai đồng bộ, toàn diện ở cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, vừa bảo đảm đốc thúc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa kịp thời chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với những hạn chế; đặc biệt đối với sai phạm, thái độ của Ban Thường vụ Huyện ủy rất rõ: Sai phạm đâu, xử lý đến đó.

Công tác dân vận được xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, công chức, đảng viên; trong đó, chú trọng công tác dân vận chính quyền, thể hiện thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức thực thi công vụ của cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo sự minh bạch trong các hoạt động quản lý Nhà nước và huy động các khoản đóng góp của Nhân dân.

Mở rộng đường bê tông ở xã Thanh Thuỷ. Ảnh: Mai Hoa

Mở rộng đường bê tông ở xã Thanh Thuỷ. Ảnh: Mai Hoa

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, ngoài thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Huyện ủy giao đảm nhận từng nhiệm vụ cụ thể, khắc phục hành chính trong hoạt động, như: Mặt trận Tổ quốc chủ trì xây dựng tổ tự quản kiểu mẫu trong các khu dân cư; Hội Cựu chiến binh đảm nhận việc xây dựng khuôn viên nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp; Hội Nông dân phụ trách phát triển cây trồng hàng hóa, xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới; Hội Phụ nữ phát triển đàn vật nuôi hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo; Đoàn Thanh niên tham gia phong trào vệ sinh, môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Để tiếp tục hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí có thể cho biết những định hướng và mục tiêu đặt ra của huyện Thanh Chương thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Văn Quế: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2020-2025. Để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị bám sát và triển khai chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch trọng tâm của nhiệm kỳ đã được cấp ủy, chính quyền xác định, với tinh thần quyết liệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các địa phương.

Ở từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới phương thức, phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị: bám sát cơ sở, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cấp huyện, chính quyền; phát huy tối đa sức mạnh nội lực, thu hút ngoại lực để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Tin mới