Ban bệ đầy đủ, sao vẫn 'chạy theo xử lý việc đã rồi?'

(Baonghean.vn) - Tham gia thảo luận chiều 31/10, Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng ban bệ đầy đủ sao vẫn chạy theo xử lý việc đã rồi?

Tiếp tục nội dung ngày làm việc thứ 7, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IV, chiều 31/10, tham gia thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã phản ánh một số vấn đề cử tri Nghệ An quan tâm. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đặt vấn đề tại sao
Chiều 31/10, tham gia phát biểu tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phản ánh các vụ việc vi phạm pháp luật được phát hiện phần nhiều từ cơ sở, từ nhân dân và cơ quan báo chí, khi sự việc được phát hiện diễn ra ở mức khá trầm trọng, bệnh đã nặng, chúng ta phải chạy theo để xử lý những việc đã rồi. Thanh Loan

Thứ nhất, mặc dù dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7%, nhất là việc tăng trưởng của chúng ta không dựa vào việc khai thác tài nguyên, như khai thác than, dầu thô, nhưng điều đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng lại phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI vốn không tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Như vậy có thể nói tăng trưởng kinh tế của chúng ta hiện nay vẫn còn thiếu bền vững.

Bên cạnh việc tập trung và đẩy mạnh phát triển nội lực của nền kinh tế thì vấn đề đặt ra là chúng ta tiếp tục việc thu hút đầu tư nước ngoài, vốn FDI như thế nào để phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Chúng ta phải chọn lọc, lựa chọn các dự án đầu tư có hiệu quả, không phải thu hút bằng mọi giá. Đồng thời quan tâm để tránh tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ, chuyển giá, gây thất thoát.

Thứ hai, cử tri hết sức băn khoăn khi công tác quản lý đất đai của một số địa phương hiện nay còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất không đúng quy định, chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các cơ quan, đơn vị của các doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát lớn.

Thứ ba, cử tri có ý kiến nhiều lần về công tác quy hoach xây dựng tại các thành phố trong thời gian vừa qua còn có nhiều bất cập nhất là việc triển khai quá nhiều dự án đầu tư xây dựng chung cư trong các khu dân cư tập trung, tạo áp lực về giao thông và các vấn đề xã hội lớn nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được chấn chỉnh một cách kịp thời…

Thứ tư, hiện nay việc triển khai dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đang được quan tâm triển khai, đây là một hình thức đầu tư có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng. Tuy nhiên thực tế cho thấy hình thức đầu tư BT cũng rất dễ bị lợi dụng, biến tướng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ về mô hình hợp tác công tư này và có các biện pháp để chấn chỉnh kịp thời tình trạng đầu tư theo hình thức BT thiếu hiệu quả.

Cử tri cũng bức xúc và băn khoăn khi ở nước ta hiện nay có đủ đầy đủ các ban, bệ, các cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý theo từng lĩnh vực. Thế nhưng các vụ việc vi phạm pháp luật được phát hiện phần nhiều từ cơ sở, từ nhân dân và cơ quan báo chí, nhất là khi sự việc được phát hiện diễn ra ở mức khá trầm trọng hay nói cách khác là bệnh đã nặng, chúng ta phải chạy theo để xử lý những việc đã rồi.

Điển hình như dự án xây dựng trái phép; tình trạng nợ xấu quá lớn trong ngân hàng; tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, nợ xây dựng cơ bản lớn; tình trạng nhiều dự án đầu tư có dấu hiệu thua lỗ, chất lượng kém, hiệu quả thấp; tình trạng chặt phá rừng... 

Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các cơ chế để kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng "đã rồi" này để giảm thiểu những thiệt hại về tài sản của nhà nước và của nhân dân.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới