Bản biên giới rẻo cao xứ Nghệ góp cát, sỏi, ngày công làm đường bê tông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Người dân hiến đất và đóng góp cát, sỏi, Nhà nước hỗ trợ xi măng, cứ như thế phần lớn chiều dài đường nội bản của bản biên giới Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện rẻo cao Tương Dương đã được bê tông hóa.
Hiện nay, phần lớn các tuyến đường nội bản của bản biên giới Tùng Hương đã được đổ bê tông. Ảnh: Quang An
Hiện nay, phần lớn các tuyến đường nội bản của bản biên giới Tùng Hương đã được đổ bê tông. Ảnh: Quang An

Trở lại bản biên giới Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) sau hơn 10 năm, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là phần lớn hệ thống đường giao thông nội bản đã được bê tông hóa, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể.

Đứng cạnh đống xi măng vừa bốc dỡ xuống để bản chuẩn bị làm tiếp đoạn đường, Trưởng bản Tùng Hương ông La Văn Hoàng hồ hởi cho biết: Do điều kiện kinh tế của các hộ dân trong bản còn khó khăn, nên mỗi năm bản đóng góp làm một đoạn đường bê tông.

Trưởng bản tùng Hương, ông La Văn Hoàng bên đống xi măng vừa được xã cấp để bản chuẩn bị làm đường bê tông. Ảnh: Xuân Hoàng
Trưởng bản tùng Hương, ông La Văn Hoàng bên đống xi măng vừa được xã cấp để bản chuẩn bị làm đường bê tông. Ảnh: Xuân Hoàng

Mỗi khi có chiến dịch làm đường, bản tổ chức nhiều cuộc họp, thống nhất mức đóng góp cát, sỏi và hiến đất mở rộng mặt đường. Được bà con thống nhất, ủng hộ cao, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật và ngày công của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang, nên đường làm đến đâu chắc đến đó. Mỗi năm làm một đoạn, như năm trước bản làm được 600m, nay được xã ưu tiên cấp cho 25 tấn xi măng để làm khoảng 600m đường nữa.

Để có vật liệu làm đường, ngoài xi măng đã có xã, huyện hỗ trợ, còn cát, sỏi do dân bản thống nhất định mức phải đóng góp. Mỗi khi bản làm đường là mỗi nhân khẩu phải đóng góp ít nhất 50 kg cát, sỏi. Cát, sỏi được tận dụng từ khe, suối trước bản, dùng máy cày gắn thùng để kéo lên. Cứ như thế, chiến dịch làm đường bê tông ở bản Tùng Hương thường tổ chức vào những tháng đầu năm, khi thời tiết còn mát mẻ.

Để có vật liệu làm đường bê tông hóa, bà con bản Tùng Hương hàng năm thống nhất định mức đóng góp cát, sỏi. Ảnh: X.H
Để có vật liệu làm đường bê tông hóa, bà con bản Tùng Hương hàng năm thống nhất định mức đóng góp cát, sỏi. Ảnh: X.H

“Trước đây, khi chưa có máy kéo, bà con phải vất vả gùi cát, sỏi từ suối lên. Nay nhờ có máy kéo, bà con đóng góp tiền để mua dầu chạy máy, vận chuyển cát, sỏi lên làm đường, nên đỡ vất vả. Điều đáng nói, khi bản làm đến đoạn đường nào thì người dân hai bên đường tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng lòng lề đường”, ông La Văn Hoàng cho hay.

Bằng cách làm đó, đến nay, bản Tùng Hương đã có hơn 6/9 km đường nội bản được đổ bê tông sạch, đẹp, dự kiến khoảng vài năm nữa 100% tuyến đường của bản sẽ được đổ bê tông.

Bà La Thị Hương, một người dân trong bản Tùng Hương phấn khởi: Trước đây, đường đất, vào mùa mưa thường lầy lội, trơn trượt, đi bộ đã khó nói chi xe đạp, xe máy. Khi đường đã đổ bê tông rồi, nhà nào cũng háo hức mua sắm xe máy để đi lại; hàng hóa nông sản làm ra cũng dễ vận chuyển đi tiêu thụ.

Một góc bản biên giới Tùng Hương. Ảnh: Q.An
Một góc bản biên giới Tùng Hương. Ảnh: Q.An

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Tùng Hương là bản biên giới, cách trung tâm xã hơn 16 km, đời sống của người dân khó khăn nhất xã. Những năm qua, cùng với địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã luôn ưu tiên hỗ trợ bản thực hiện các tiêu chí, trong đó, nổi bật là tiêu chí làm giao thông nông thôn.

“Trong quá trình thực hiện làm đường bê tông, bản Tùng Hương luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang giúp đỡ nhiệt tình về ngày công và kỹ thuật. Vì thế, các tuyến đường được triển khai một cách kịp thời, không những đảm bảo chất lượng mà còn đẹp hơn. Tuyến đường chính từ Quốc lộ 7 vào bản biên giới Tùng Hương đã được Nhà nước đầu tư đổ nhựa từ cách đây hơn 10 năm, cùng đó các tuyến đường nội bản đã được đổ bê tông, vì vậy, bà con bản Tùng Hương có nhiều thuận lợi hơn để phát triển kinh tế, đời sống của bà con đồng bào Thái ở đây ngày càng cải thiện hơn”, bà Kha Thị Hiền chia sẻ./.

Tin mới