Ban Dân tộc tỉnh: Gắn trách nhiệm vai trò của đơn vị với sự phát triển của đồng bào dân tộc

(Baonghean.vn) - Nhiệm kỳ qua, với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp cho việc thực hiện các chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao. Trong thành công chung đó, vai trò của Đảng ủy Ban Dân tộc tỉnh cũng hết sức quan trọng trong việc định hướng, thực hiện và
Nhiệm kỳ qua, với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp cho việc thực hiện các chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao. Trong thành công chung đó, vai trò của Đảng ủy Ban Dân tộc tỉnh cũng hết sức quan trọng trong việc định hướng, thực hiện và nêu cao gương mẫu của những người đảng viên.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thăm Trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thăm Trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Ảnh: PV
Nhìn lại những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 thì vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Ban Dân tộc tỉnh càng được thể hiện rõ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về chuyên môn. Trong đó, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch công tác của Ban, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nổi bật như Chương trình 135, Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số,  Chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. 
Đây cũng là cơ sở để các cấp, các ngành và các địa phương phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước được chuyển dịch theo hướng từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ban Dân tộc tổ chức trao phần thưởng cho học sinh thi đậu Đại học đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Ban Dân tộc tổ chức trao phần thưởng cho học sinh thi đậu Đại học đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã lãnh đạo tổ chức thực hiện một số mô hình kinh tế thí điểm như: Chăn nuôi bò hàng hóa cho các hộ dân tộc thiểu số định canh, định cư trên địa bàn miền Tây Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020; Trồng cây Táo Mèo (Sơn Tra) ở vùng dân tộc Mông; Trồng cây bời lời đỏ, cây tràm Úc để chiết xuất lấy tinh dầu…

Từ những mô hình điểm này, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo về xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; kinh tế trang trại, kinh tế tập thể được quan tâm chỉ đạo phát triển. Tại nhiều địa phương, nhiều HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất đã đi vào hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Bên cạnh đó, công tác di dân, tái định cư ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; di dân vùng biên giới; công tác định canh, định cư; ổn định dân di cư tự do được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc bố trí sắp xếp dân cư cũng đã góp phần hạn chế nạn chặt phá, khai thác rừng đầu nguồn, hạn chế xói mòn đất đai và các tác động xấu đến môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai, chấm dứt tình trạng di canh, di cư; hạn chế di cư tự do qua biên giới. Các điểm dân cư tập trung được hình thành dọc theo các tuyến đường giao thông biên giới, góp phần củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Nhờ thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về công tác giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ban Dân tộc đã không ngừng tìm ra các giải pháp tích cực giúp đồng bào giảm nghèo. Hiện nay, cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện đáng kể, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân, nâng cao đời sống và nhận thức của người dân.
Đồng chí Lương Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Đoàn công tác thăm hỏi, trò chuyện với đồng bào dân tộc Mông, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh  thăm hỏi, trò chuyện với đồng bào dân tộc Mông, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: PV

Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của 11 huyện miền núi giảm đi rõ rệt từ 36,19% (năm 2010) và nay còn 11,12% (năm 2019). Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã có những chuyển biến khi tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có 77/203 xã, bằng 37,9% đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 xã khó khăn thuộc huyện 30a đạt chuẩn nông thôn mới; có 97 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh; quốc phòng - an ninh cũng được củng cố và giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc. 

Để tăng cường hiệu quả hoạt động, nhiệm kỳ qua Đảng bộ tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Đó là, duy trì và thường xuyên cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại cơ quan; ban hành thêm hoặc sửa đổi nhiều quy định, quy chế mới cho phù hợp và thực hiện việc chỉ đạo, điều hành đảm bảo quy chế, quy định; áp dụng công nghệ thông tin trong việc nhận, gửi thông tin, báo cáo, tài liệu và phổ biến văn bản...
Hiện, 100% cán bộ, công chức cơ quan Ban Dân tộc tỉnh sử dụng có hiệu quả phần mềm VNPT-Ioffice và hộp thư công vụ trong điều hành và trao đổi công việc. Cổng thông tin điện tử của Ban Dân tộc tỉnh được vận hành và duy trì thường xuyên, trở thành trang thông tin chính thức kịp thời cập nhật các hoạt động, văn bản điều hành và những chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và của tỉnh, của ngành.
Song song với đó, tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, chú trọng công tác xây dựng Đảng, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW, nhiều việc làm ý nghĩa đã được triển khai... Từ năm 2015 - 2019, Đảng bộ Ban Dân tộc tỉnh liên tục xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cơ quan Ban Dân tộc tỉnh trong nhiệm kỳ có 4/5 năm được UBND tỉnh xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” 01 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều cá nhân, tập thể được các cấp khen thưởng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đảng bộ Ban Dân tộc tỉnh cũng đang còn có những hạn chế, thiếu sót dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một số chương trình dự án còn chậm tiến độ. Chất lượng tham mưu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chuyên viên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy hết trách nhiệm...
Từ thực tế này, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Ban dân tộc đặt ra mục tiêu phương hướng, đó là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; nâng cao chất lượng đảng viên. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Nâng cao chất lượng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp trên giao. Xây dựng Đảng bộ Trong sạch vững mạnh trong suốt nhiệm kỳ, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.  
8. Đồng chí Lương Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tiêu biểu người DTTS trong một dịp về thăm quê Bác.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tiêu biểu người DTTS trong một dịp về thăm quê Bác. Ảnh: PV

Từ đầu nhiệm kỳ tới, ngành Dân tộc là đơn vị được phân công làm cơ quan thường trực thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Vì thế, tại Đại hội lần này nhiều giải pháp cũng sẽ được đưa ra để nhằm hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Đảng bộ Ban Dân tộc tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định khâu đột phá của Đảng bộ là: Quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 222-KH/TU ngày 20/12/2019 về triển khai thực hiện Kết luận 65 – KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khóa IX về công tác Dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 12/NQ - CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. 

Với bề dày truyền thống của Đảng bộ cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, Đảng bộ Ban Dân tộc tỉnh cũng tin tưởng mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ban Dân tộc tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Tin mới