Bản ghi nhận công lao bằng gấm cổ dài 4,5 mét về Tướng quân Nguyễn Trọng Thưởng

(Baonghean.vn) - Một đạo Chế phong (bản ghi nhận công lao) bằng lụa gấm với niên đại gần 400 năm ca ngợi võ tướng xứ Nghệ Nguyễn Trọng Thưởng với công lao “phù Lê” được xem là một trong rất ít tư liệu cổ, độc đáo nhất Việt Nam hiện nay.

Trinh Quận công Nguyễn Trọng Thưởng sinh ra trong dòng họ nối đời danh tướng bậc nhất tại xứ Nghệ thời Lê. Ông là con trai trưởng của Hoằng Quận công Nguyễn Kế Hưng, trực hệ đời thứ 6 của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí.

Ông là người thông minh, ham học, lại dòng võ tướng, nên được triều đình trọng dụng và bổ nhiệm chức vụ: Thượng tướng quân, Điện tiền Đô hiệu điểm. Với chức vụ ấy, Nguyễn Trọng Thưởng tham gia tích cực vào sự nghiệp “phù Lê” đem lại sự ổn định cho đất nước.

Đền Thế Mỹ, thờ phụng Hoằng Quận công Nguyễn Kế Hưng và Trinh Quận công Nguyễn Trọng Thưởng. Ảnh: Vân Thắng
Đền Thế Mỹ, thờ phụng Hoằng Quận công Nguyễn Kế Hưng và Trinh Quận công Nguyễn Trọng Thưởng. Ảnh: Vân Thắng

Năm Tân Mão (1591) ông bắt đầu cầm quân theo Bình An Vương Trịnh Tùng mở cuộc tổng tấn công vào vương triều nhà Mạc. Do có công lớn trong trận đánh tại Phấn Thượng, ông được Vua Lê Thần Tông ban sắc phong gia phong chức Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Nhân Lộc Hầu.

Sau trận đánh này, thấy rõ tài năng của ông, Chúa Trịnh Tùng khen ngợi và sai ông hộ tống Vua Lê Thế Tông cùng các tướng triều đình nhà Lê đem quân vây thành Thăng Long vào năm Nhâm Thìn (1592). Vua Lê Thế Tông và triều đình trở lại kinh đô Thăng Long, đại xá cả nước và xét thưởng công lao cho các đại thần, trong đó nổi bật là võ tướng Nguyễn Trọng Thưởng.

Khoảng thời gian sau đó là những biến động cực kỳ lớn xảy ra trong triều đình Lê - Trịnh như việc xưng vương, tiếm quyền của Chúa Trịnh Tùng. Hay như khi được tin triều đình Lê - Trịnh có biến, tướng nhà Mạc là Mạc Kính Khoan vội vàng đem quân từ Cao Bằng về hòng đánh chiếm lại kinh đô Thăng Long. Trong tình thế hết sức cấp bách đó, Tướng quân Nguyễn Trọng Thưởng tỏ ra là vị tướng quyết đoán, mưu trí. Ông đã đóng góp được nhiều kế hay, ý giỏi trong việc nghị bàn về công cuộc bảo vệ kinh thành Thăng Long trước sự uy hiếp của quân đội nhà Mạc.

Đặc biệt, tháng 8 năm 1623, Nguyễn Trọng Thưởng đã hộ tống Chúa Trịnh Tráng đem quân đánh chặn quân Mạc tại Gia Lâm, buộc chủ tướng quân Mạc là Mạc Kính Khoan phải rút quân khiến nhiều thủ hạ đầu hàng nhà Lê - Trịnh. Năm 1625, Trịnh Tráng sai các tướng trong đó có Nguyễn Trọng Thưởng dốc quân đánh bại nhà Mạc.

Với uy tín và những công lao đóng góp trong sự nghiệp cầm quân, giúp ổn định triều Lê - Trịnh, Nguyễn Trọng Thưởng được xét là một trong những công thần hàng đầu và được ban nhiều ơn huệ lớn. Đặc biệt nhất là Vua Lê Thần Tông ban tặng cho ông một Đạo chế phong ca ngợi công lao, sự nghiệp và gia phong cho ông tới tột bậc phẩm hàm. Đấy chính là Đạo chế phong ban ngày 11, tháng 4 niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 11 (1629).

Chế phong có đoạn như sau: “Trời vì xã tắc ắt sinh người hiền tài, Vua vỗ về bề tôi ắt lấy tước lộc để làm sáng đức. Thượng tướng quân Nguyễn Trọng Thưởng, võ công xuất chúng, vọng tộc xuất thân. Tổ tiên là bậc nghiêm kính, là khai quốc công thần, công danh lưu trong sử sách. Thân phụ là người trí dũng, là công thần trung hưng sự nghiệp khắc ghi trên chuông vạc. Kế thừa nghiệp lớn, khôi phục nếp xưa, dụng binh theo binh pháp, làm rạng rỡ gia thanh. Theo đuổi việc nước, một lòng trung thành cung kính. Trong cung điện là kẻ tâm phúc, luôn ở bên hộ giá. Ngoài phủ soái ngươi là tướng nanh vuốt, gắng hết sức ruổi dong. Đánh bại địch giành nhiều thắng lợi. Để đáp công lao của ngươi sao chẳng ban phát nhiều ơn sâu hơn nữa…”.

Đạo chế phong dài 4,5m phong tước Quận công cho Tướng quân Nguyễn Trọng Thưởng. Ảnh: Vân Thắng
Đạo chế phong dài 4,5m phong tước Quận công cho Tướng quân Nguyễn Trọng Thưởng. Ảnh: Vân Thắng

Qua Đạo chế phong cho chúng ta thấy thời điểm được nói đến trong sắc phong là năm 1591, nhưng phải tới 30 năm sau thì sắc phong này mới được ban ra. Trận đánh được nhắc tới là trận đánh lớn nhất và có ý nghĩa quyết định nhất trong chiến tranh Nam Bắc Triều. Thời điểm, địa điểm và sự kiện lúc bấy giờ, trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi chép duy nhất 1 tướng thuộc quân đội họ Trịnh là Nguyễn Hữu Liêu, mà không thấy ghi thêm ai khác. Như vậy qua sắc phong này, chúng ta lại biết thêm 1 vị tướng nữa cũng tham gia vào trận đánh quan trọng này.

Chế phong là văn bản chế định, tài định, thường dùng khi ban bố chế độ thưởng - phạt hoặc ban tặng - bãi miễn chức tước. Đây cũng có thể xem là một dạng đạo sắc mà nhà vua hay dùng để ban truyền, phong tặng cho một ai đó, nhưng chỉ được ban bố trong hoàn cảnh và cho đối tượng có thành tích và công trạng đặc biệt. Chế không bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định như sắc mà có thể nói được nhiều điều hơn. Với thể loại chế, nhà vua có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình đối với nhân vật mà Ngài muốn ban tặng.

Năm 1655, Chúa Nguyễn cùng với Tướng quân Nguyễn Hữu Tiến huy động hàng vạn quân và 100 thớt voi vượt sông Gianh (Quảng Bình) mở cuộc tấn công bất ngờ đánh ra Đàng Ngoài, chiếm 7 huyện ở tả ngạn sông Lam và  cưỡng bức người dân Nghệ An di cư vào Nam. Trước tình hình này, triều đình Vua Lê Trịnh lại cử Thượng tướng quân Nguyễn Trọng Thưởng cùng các tướng trong triều tập trung quân đánh trả quyết liệt, buộc quân của Chúa Nguyễn phải lui quân và trả lại 7 huyện dọc bờ phía Nam sông Lam.

Trong cuộc giao chiến quyết liệt này, không may ông bị tử trận. Triều đình vô cùng thương tiếc và cho rước thi hài ông được đưa về an táng tại phía Nam xứ Đồng Lầm, xã Thượng Xá, cách mộ Khải tổ Đình Quận Công Nguyễn Hội và mộ Thủy tổ Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí khoảng 300m về phía Bắc. Triều đình điếu ông câu đối: “Sinh tắc tam quân tướng. Tử vi vạn cổ thần” (Sống làm tướng mạnh giữa ba quân. Chết làm thần thiêng trong muôn thuở). Vua Lê - Chúa Trịnh còn ban cho con cháu ông được hưởng 300 mẫu ruộng đất thế nghiệp ở xã Thượng Xá lập đền Thần hoàng thờ ông, bên cạnh phía Bắc sau đền thờ Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.

Ấn triện "Sắc mệnh chi bảo" và niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 11 (1629). Ảnh: Vân Thắng
Ấn triện "Sắc mệnh chi bảo" và niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 11 (1629). Ảnh: Vân Thắng

Nguyễn Trọng Thưởng kế bước truyền thống tổ tiên dòng họ trên con đường võ nghiệp, trở thành một nhân vật có nhiều dấu ấn trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII, và là một đại diện tiêu biểu của danh nhân xứ Nghệ trong công cuộc trung hưng nhà Lê. Hiện nay, đền thờ ông tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc ,tỉnh Nghệ An vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị mà đặc biệt là Đạo chế phong độc đáo bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Đạo chế phong nói trên tính đến nay đã trải qua gần 400 năm nhưng vẫn còn tươi nguyên nét chữ. Đặc biệt, đạo chế này có một kích thước kỷ lục với độ dài 4,5m, rộng 0,5m được viết trên dải lụa gấm, với 319 chữ Hán với nét chữ thư pháp uyển chuyển và tinh xảo. Đây là một văn bản cổ cực kỳ quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Tin mới