Bàn giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ học Làng Vạc

(Baonghean.vn) - Hội thảo “Di tích khảo cổ học Làng Vạc: Giá trị lịch sử - Văn hóa” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học Làng Vạc gắn kết với phát triển kinh tế di sản, du lịch.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Sáng ngày 21/12, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích khảo cổ học Làng Vạc: Giá trị lịch sử - Văn hóa”.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.

Trung tâm nền văn hóa Đông Sơn
 Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp hệ thống tư liệu điều tra, khai quật và nghiên cứu di tích Làng Vạc; thông qua đó, xác định các đặc trưng văn hóa, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của di tích Làng Vạc; xác định mối quan hệ của di tích Làng Vạc với các di tích khảo cổ học thời đại Hùng Vương trên đất Nghệ An nói riêng và trên phạm vi toàn miền Bắc và khu vực Đông Nam Á nói chung; đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học Làng Vạc gắn kết với phát triển kinh tế di sản, du lịch.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Thành Chung
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Thành Chung
Theo các nhà khoa học: Nghệ An đã là nơi cư trú của người Việt cổ và có những đóng góp quan trọng cho sự hình thảnh nền văn hóa, văn minh đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, trên đất Nghệ An, quá trình thám sát, khai quật khảo cổ đã phát hiện được nhiều địa điểm có sự hình thành, phát triển của người Việt cổ.
Tiểu biểu cho thời kỳ đồ đá có các di chỉ Thẩm Ôm (huyện Quỳ Châu), Đồi Dùng, Đồi Rạng (huyện Thanh Chương), Đồng Trương (huyện Anh Sơn ), Thẩm Hoi (huyện Con Cuông ), Cồn Sò điệp (huyện Quỳnh Lưu)... Thời đại kim khí có các nền văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn tiêu biểu với các di chỉ Đền Đồi (huyện Quỳnh Lưu), Rú Trăn (huyện Nam Đàn), Đồng Mõm (huyện Diễn Châu), Làng Vạc (thị xã Thái Hòa).
PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Trường Đại học Vinh trình bày tham luận. Ảnh Thành Chung
PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Trường Đại học Vinh trình bày tham luận Từ di chỉ Làng Vạc và Văn hóa Đông Sơn ở Nghệ Tĩnh, bàn thêm về vị trí Xứ Nghệ thời Hùng Vương. Ảnh: Thành Chung
Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc là trung tâm văn hóa Đông Sơn; là một trong hai khu di tích Đông Sơn tiêu biểu, giàu hiện vật và phong phú về loại hình. Đây là di tích phát hiện được nhiều mộ táng nhất của nền văn hóa Đông Sơn trên đất nước ta. Làng Vạc trở thành tên gọi của trung tâm văn hóa Đông Sơn lớn trên lưu vực sông Cả với hơn 1.200 hiện vật phong phú, đa dạng bằng đồng, gốm, đá, thủy tinh, sắt.
Làng Vạc có thể sánh ngang với những di tích văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở lưu vực sông Hồng như Vĩnh Quang, Làng Cả... nếu không muốn nói có thể ở một vị trí cao hơn. Di sản Làng Vạc cách ngày nay 2500-2000 năm đã góp phần duy trì sức sống Đông Sơn, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một bằng chứng quan trọng để giúp cho sự nghiệp chống đồng hóa về mặt văn hóa đối với chính sách triệt để đồng hóa của phong kiến Phương Bắc.
Trải qua gần 5 thập kỷ kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên năm 1972 và kết quả thu được qua 3 lần thám sát, khai quật, các nhà khoa học và quản lý văn hóa đã khẳng định rằng di tích Làng Vạc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc. Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 61/QĐ - BVHTT ngày 13/9/1999.
Phát huy giá trị di sản
Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa Phạm Chí Kiên báo cáo về Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Chung
Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa Phạm Chí Kiên báo cáo về Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Chung
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những nội dung như: Nghiên cứu và khai quật di tích Làng Vạc - Thành tựu và Kế hoạch; các giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của di tích Làng Vạc; vị thế của Làng Vạc trong bối cảnh lịch sử văn hóa khu vực; mối quan hệ và vị trí của Làng Vạc trong thời Hùng Vương dựng nước; hiện trạng di tích, những kết quả và hạn chế trong phát huy giá trị di tích, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; tiềm năng, cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Làng Vạc trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Các nhà khoa học, quản lý cũng đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong việc gìn giữ, phát huy giá trị  của Di tích lịch sử Quốc gia Làng Vạc. Theo đó, việc nghiên cứu, đánh giá giá trị của di chỉ Làng Vạc còn chưa đầy đủ, có tính hệ thống và chưa có công trình tổng hợp nào được xuất bản. Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay, cũng như nhiều đi sản khảo cổ học khác, di tích Làng Vạc đang chịu tác động của nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và cũng chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá tình trạng của di tích, trữ lượng hiện còn của di tích, những nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn ...
Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh kết luận, bế mạc Hội thảo khoa học. Ảnh: Thành Chung
Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh kết luận, bế mạc Hội thảo khoa học. Ảnh: Thành Chung
Các giải pháp để bảo tồn, phát huy di sản Làng Vạc được đề ra đó là cần phải có một chiến lược bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị dài hơi, khả thi và hiệu quả; cần đặt ra vấn đề khảo sát, xem xét di sản trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của địa phương; đặt di tích trong hệ di sản của Nghệ An nói riêng của khu vực bắc Trung bộ và Việt Nam nói chung. Quan trọng hơn nữa là cần định hướng phát triển du lịch của địa phương gắn với bảo tồn, phát huy bền vững di tích khảo cổ học này.
Thông qua việc tổ chức Hội thảo khoa học, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An và UBND thị xã Thái Hòa xây dựng kế hoạch, chương trình và đề án của quy trình quản lý di sản; đưa ra những giải pháp hữu hiệu và khả thi nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát huy di sản khảo cổ học Làng Vạc một cách bền vững, hiệu quả, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Tin mới