Ban Giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu

Ban giám hiệu nhà trường, trong đó có Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các khoản lạm thu chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho Hội phụ huynh.

Mặc dù ngành GD-ĐT cùng các địa phương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác thu chi đầu năm học, nhưng tình trạng lạm thu vẫn tiếp tục tái diễn từ năm này qua năm khác, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội. Lãnh đạo các trường bị phụ huynh “tố” lạm thu đều cho rằng, đây là các khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất, nhà trường không liên quan.

Thế nhưng, từ thực tế đang diễn ra, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và nhiều chuyên gia khẳng định, Ban Giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng lạm thu.

Đầu năm học 2017-2018, nhiều trường học trên cả nước bị phụ huynh “tố” lạm thu với nhiều khoản tiền rất vô lý như: mua máy chiếu, ủng hộ cơ sở vật chất, sửa lớp học, tổ chức học kỹ năng sống… với tổng số tiền mỗi học sinh phải nộp lên tới vài triệu đồng.

Cụ thể như các trường: Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành Phố Hà Nội; Trường tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh; Trường Trung học Cơ sở Minh Tân, huyện Thủy Nguyên và Trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng…

ban giam hieu cac truong phai chiu trach nhiem neu de xay ra lam thu hinh 1
Ý kiến của một phụ huynh ở TP HCM phản đối về một số khoản thu của nhà trường.

Các vụ việc này đều có điểm chung là lãnh đạo trường “đẩy trách nhiệm” sang Ban đại diện cha mẹ học sinh với câu trả lời quen thuộc: “nhà trường không ép buộc mà đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất thu trên tinh thần tự nguyện”. Dư luận đặt câu hỏi: Đã là khoản thu thỏa thuận, tại sao phụ huynh lại phản ứng? Vì sao Ban đại diện cha mẹ học sinh lại “chấp nhận” để xảy ra chuyện lạm thu khiến các phụ huynh khác bức xúc?

Trả lời câu hỏi này, nhiều phụ huynh cho rằng, trên danh nghĩa là tự nguyện, nhưng kể cả không đồng ý thì phụ huynh vẫn phải nộp các khoản tiền theo thông báo do lo ngại ảnh hưởng đến việc học tập của con.

Anh Trần Hoàng Nam, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, có con học lớp 1 nói: “Tôi có một số thắc mắc chưa biết hỏi ai, lý giải thế nào. Ví dụ như một số khoản như là học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Đầu năm thì cũng chưa họp phụ huynh gì cả, cũng chưa có ý kiến gì về việc là có đồng ý hay không.

Rõ ràng, trong giấy tờ thì ghi cái này là khoản tự nguyện nhưng bây giờ nhà trường gửi thông báo rồi, như vậy đặt chúng tôi vào thế đã rồi. Không cho con học thì không cẩn thận là con tôi đến giờ đấy lại phải sang lớp khác học, ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Tôi cũng chắc chắn là nhiều phụ huynh cũng có suy nghĩ như tôi, nhưng cũng đành  phải theo vì sợ ảnh hưởng đến cháu”.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vấn đề lạm thu hiện nay xuất phát từ hai nguồn, gồm từ phía nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nguyên nhân là Ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu chưa đúng về vai trò của mình trong việc huy động quỹ hoạt động nên đã trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường trong việc đặt ra các khoản thu sai quy định, gây ra những bức xúc của phụ huynh.

“Có một số trường đã sử dụng chính Ban phụ huynh để thu quỹ của mình, nhưng cũng có những trường chính phụ huynh đã đứng ra yêu cầu nhà trường thu. Cũng có trường hợp không phải ban huynh mà là 1 phụ huynh nào đó trong lớp đứng ra yêu cầu khiến cho các phụ huynh trong lớp phải đi theo, khiến các phụ huynh rất bức xúc. Bản thân tôi cũng chứng kiến Ban phụ huynh thu tiền làm một việc gì đó, sau đó thì cũng có nói là việc này do nhà trường yêu cầu”- Tiến sĩ Thu Hương nói.

Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…

Dù các trường đều biết những quy định này nhưng vẫn thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh để đề ra các khoản thu phục vụ việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, sửa chữa cơ cở vật chất.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm về các khoản lạm thu của trường chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Ở đây, thứ nhất là công tác tuyên truyền để thực hiện và hiểu đúng các văn bản chỉ đạo. Thứ 2 là tất cả các kế hoạch, kể cả kế hoạch hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cũng như những kế hoạch hoạt động tổ chức giáo dục trong nhà trường thì đều phải thông qua Hiệu trưởng. Cho nên tất cả những việc thu chi trong nhà trường như vậy là Hiệu trưởng nhà trường phải là người chịu trách nhiệm và là người quyết định”- ông Viết Cẩn cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học, các trường cần phát huy triệt để tinh thần dân chủ, tự nguyện, không được gợi ý về các khoản thu, mức thu đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Về phía Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp phải thực hiện đúng tinh thần tự nguyện xây dựng Quỹ hoạt động, nghĩa là chỉ vận động, không nêu ra mức tối thiểu chung, tùy vào khả năng, tấm lòng của mỗi phụ huynh. Chính quyền địa phương, ngành giáo dục- đào tạo cần xử lý nghiêm các trường để xảy ra lạm thu, không để tái diễn tình trạng nhà trường đổ lỗi cho Ban đại diện cha mẹ học sinh trong vấn đề lạm thu như ở một số trường hiện nay./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới