'Ban nhạc' tự phát níu giữ thanh âm của núi rừng xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Những con người bình thường ấy, bằng tình yêu, niềm say mê và tinh thần trách nhiệm ngày đêm tìm cách bảo tồn và phát huy nét văn hóa cộng đồng qua các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ đậm bản sắc miền Tây xứ Nghệ.

Vào những ban mai hay khi bản làng đã lên đèn, người dân bản Mon, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) lắng lại để nghe tiếng sáo, tiếng khèn lúc dìu dặt, lúc tươi vui cất lên từ ngôi nhà nhỏ của anh Lương Văn Huỳnh. Từ thanh âm của những nhạc cụ Thái được làm bằng tre, nứa người ta như cảm nhận được nỗi niềm của “nghệ nhân bản làng”.

Các thành viên của nhóm anh Lương Văn Huỳnh (giữa) lập lên hiện có 10 thành viên, trong đó có  nông dân, giáo viên, bảo vệ… Ảnh: Đình Tuân
Các thành viên của nhóm anh Lương Văn Huỳnh (giữa) lập nên hiện có 10 thành viên, trong đó có nông dân, giáo viên, bảo vệ… Ảnh: Đình Tuân

Người dân bản Mon ai cũng biết Lương Văn Huỳnh đam mê các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái từ nhỏ. Vì dành tình yêu cho tiếng khèn bè, tiếng sáo, tiếng pí, tiếng tùng tinh… nên hễ ở đâu có người chơi nhạc cụ dân tộc là anh tìm đến. Cũng từ đó Huỳnh tìm hiểu, học hỏi và tự trau dồi ngón đàn cho mình.

Lớn lên, Huỳnh rất muốn theo học một ngôi trường nghệ thuật nào đó nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên anh gác lại ước mơ ấy, và chọn học ngành sư phạm. Thế nhưng, khi âm nhạc đã trở thành niềm đam mê thì không dễ gì dứt bỏ được. Bởi thế dẫu đang là sinh viên ngành sư phạm, anh vẫn tích góp tiền để mua một chiếc đàn Mandolin và cũng tự mày mò, nghiên cứu, học nguyên lý. Với năng khiếu sẵn có, chỉ một thời gian ngắn Huỳnh đã sử dụng thành thạo nhạc cụ có nguồn gốc Tây phương này.

Các thành viên mỗi người một hoàn cảnh, có công việc khác nhau, nhưng có chung một đam mê với nhạc cụ dân tộc.

Nói về niềm say mê âm nhạc nhất là nhạc cụ dân tộc, anh Lương Văn Huỳnh cho biết mình đã dày công đi nhiều bản làng để tìm hiểu. Anh còn vận động những người có khả năng sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc tập hợp lại để giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Sau một thời gian ngắn đã có gần 10 thành viên tham gia. Các thành viên mỗi người một hoàn cảnh, có công việc khác nhau, nhưng có chung một đam mê với nhạc cụ dân tộc và họ mong muốn gìn giữ lại giá trị văn hóa truyền thống cho mai sau.

Khi cầm nhạc cụ trên tay, dường như mọi phiền muộn đều được xua tan. Ảnh: Đình Tuân
Khi cầm nhạc cụ trên tay, dường như mọi phiền muộn đều được xua tan. Ảnh: Đình Tuân

Mỗi tuần, nhóm tập trung từ 2 -3 buổi tối tại địa điểm quen thuộc là nhà anh Huỳnh. Họ cùng luyện tập, sưu tầm và chơi các nhạc cụ. Mùa này vào ban đêm trời rét buốt nhưng các thành viên vẫn có mặt đông đủ, có người phải vượt qua quãng đường gần 20 km, nhưng với niềm đam mê văn hóa dân tộc nên đã vượt qua tất cả.

Ông Lay Sông Thao, một thành viên của nhóm, nhà ở bản Lạ, xã Lượng Minh cho hay: “Năm nay tôi đã 60 tuổi, không còn trẻ nữa, nhà lại ở xa nhưng mỗi khi anh em tập trung là tôi có mặt. Chúng tôi tập trung lại với nhau vừa thỏa nỗi đam mê vừa để các cháu nhìn vào gương của các chú, các bác mà học tập”.

"Chúng tôi sẵn sàng truyền dạy miễn phí cho những ai yêu thích nhạc cụ dân tộc”.

Anh Lương Văn Huỳnh

Khi được hỏi dự định trong thời gian tới, anh Lương Văn Huỳnh chia sẻ: “Song song với việc duy trình đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc, chúng tôi đang dự định mời một số chị em biết hát xuối, khắp, lăm, nhuôn... vào nhóm để làm phong phú thêm. Chúng tôi sẵn sàng truyền dạy miễn phí cho những ai yêu thích nhạc cụ dân tộc”.

Ngoài sưu tầm, nhóm cũng chú trọng sáng tác những làn điệu mới trên nền dân ca Thái. Ảnh: Đình Tuân
Ngoài sưu tầm, nhóm cũng chú trọng sáng tác những làn điệu mới trên nền dân ca Thái. Ảnh: Đình Tuân

Thiết nghĩ, chỉ có sự tâm huyết của anh Huỳnh, ông Thao, ông Cương, anh Pắn… thì chưa đủ, các cấp, các ngành có liên quan cần có những giải pháp căn cơ hơn để những nền văn hóa dân gian, các nhạc cụ dân tộc được bảo tồn và phát huy. Qua đó góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam.

Tin mới