Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt: Bước tiến bảo vệ, phát triển rừng

(Baonghean) - Để gìn giữ và phát huy những giá trị về thiên nhiên của trên 90 nghìn ha đất rừng Pù Hoạt, ngày 2/4/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt. Đến nay, qua hơn 5 năm đi vào hoạt động, đã minh chứng đây là một quyết định hết sức đúng đắn.
Khu BTTN Pù Hoạt nằm trên sườn Bắc của dãy Trường Sơn về phía Tây Bắc của tỉnh, có độ cao từ 200m đến 2.457m, trên địa bàn huyện Quế Phong. Đây thực sự là một kho tàng về đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu như: Pơ mu, sa mu dầu, bách xanh, lan kim tuyến, voọc xám, vượn má trắng, gà lôi vằn, mang lớn, mang Pù Hoạt; đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, giữ và cung cấp nguồn nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. 
Cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt cùng các lực lượng trên địa bàn huyện Quế Phong tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: P.V
Cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt cùng các lực lượng trên địa bàn huyện Quế Phong tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: P.V
Với những giá trị to lớn về thiên nhiên, là tiềm năng lớn trong nghiên cứu khoa học và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái như vậy, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã được thành lập gắn với các chức năng: Bảo tồn tính đa dạng sinh học của 90.741,10 ha rừng, đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; xây dựng và phát triển vốn rừng; tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường, thực hiện các dự án trồng rừng, sản xuất giống cây lâm nghiệp; tổ chức thực hiện dịch vụ du lịch, góp phần cùng cấp ủy và chính quyền địa phương phát triển bền vững kinh tế vùng đệm.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, BQL Khu BTTN Pù Hoạt xác định công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; là bản lề cho sự phát triển, tồn tại của đơn vị, để tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ này. Thời điểm này, toàn đơn vị chỉ có 2 phòng chuyên môn, 4 trạm QLBVR được chuyển nguyên trạng từ Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong, tổng số có 24 CC, VC, NLĐ (trong đó có 14 viên chức, 10 hợp đồng lao động tự trang trải), cơ sở vật chất, trang thiết bị và các trạm QLBVR đã bị xuống cấp nhiều. 
Cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt giúp xác định tọa độ vùng rừng lùng và hướng dẫn  người dân khai thác lùng. Ảnh: P.V
Cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt giúp xác định tọa độ vùng rừng lùng và hướng dẫn người dân khai thác lùng. Ảnh: P.V
BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã quan tâm sâu sát chăm lo đời sống để cán bộ, nhân viên yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, đề xuất Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Nghệ An cho phép thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc. Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3836/QĐ-UBND về việc thành lập Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Pù Hoạt. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến lớn của BQL Khu BTTN Pù Hoạt, là cơ sở pháp lý quan trọng để đơn vị thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học. 
Hiện Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt có 66 cán bộ, nhân viên. Trong đó có 12 biên chế công chức và 21 biên chế viên chức kiểm lâm, 5 biên chế viên chức và 28 hợp đồng lao động hưởng lương tự trang trải. Được đầu tư xây dựng mới và cải tạo trụ sở làm việc, 8 trạm quản lý BVR, hệ thống nhà kho cất giữ lâm sản, nhà ăn tập thể, công trình vệ sinh...; trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng, thông tin, liên lạc, xe ô tô, dụng cụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng...
Xác định công tác tuần tra rừng tại gốc là một trong những giải pháp bảo vệ rừng có hiệu quả cao nhất, 5 năm qua, lực lượng kiểm lâm Pù Hoạt đã tổ chức 3.591 đợt tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc và truy quét các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Trong đó, có 898 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng dài ngày, ngủ qua đêm trong rừng; 2.546 cuộc tuần tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất ngắn ngày do cán bộ Kiểm lâm các Trạm QLBVR phối hợp với các hộ gia đình, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện; 147 đợt do Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ và kiểm lâm huyện tuần tra, kiểm tra rừng ở khu vực dọc biên giới Việt Lào.
Đến nay, Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt đã phát hiện, xử lý 195 vụ việc; trong đó xử lý vi phạm hành chính 191 vụ, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự 4 vụ, tịch thu hơn 265 m3 gỗ các loại cùng nhiều tang vật, phương tiện, dụng cụ vi phạm khác như xuồng ba lá, xe máy, cưa xăng, súng kíp...; xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3.754.000.000 đồng. 
Giao cây giống cho người dân địa phương trồng rừng sản xuất. Ảnh: P.V
Giao cây giống cho người dân địa phương trồng rừng sản xuất. Ảnh: P.V
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và giáo dục môi trường tại các xã vùng đệm, vùng lõi cũng được Khu bảo tồn quan tâm, chú trọng. Qua đó từng bước thay đổi hành vi và ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác QLBVR. 5 năm qua, đã tổ chức được một hội nghị cấp huyện, 283 cuộc hội nghị cấp xã, thôn bản; 312 cuộc tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp thôn bản của 9 xã vùng đệm, vùng lõi của Khu bảo tồn, thu hút trên 26.000 lượt người tham dự. Cùng đó, hàng tháng cán bộ Kiểm lâm địa bàn thường xuyên xuống các thôn bản, đến từng gia đình để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý BVR và PCCC rừng đến nhân dân.
Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã chủ động xây dựng các phương án QLBVR và PCCC rừng; tổ chức giao diện tích rừng quản lý và giao địa bàn quản lý cho từng Trạm QLBVR, phân chia cụ thể từng tiểu khu, khoảnh, địa bàn quản lý cho CC,VC, NLĐ để gắn trách nhiệm đến từng cán bộ, nhân viên. Chủ động kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo PCCCR và 11 tổ PCCCR của Khu bảo tồn; tham mưu thành lập 9 tổ đội PCCCR ở cơ sở; mua sắm phương tiện, dụng cụ PCCCR trước mùa cháy, phân công trực chỉ huy, trực PCCCR nghiêm túc, đảm bảo 100% quân số trong suốt thời gian cao điểm khô hanh, nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng. Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia PCCCR, phối hợp kiểm lâm địa bàn huyện tổ chức cho 100% số thôn bản, UBND các xã vùng đệm và 15.253 lượt hộ gia đình ký cam kết thực hiện PCCCR. Kết quả, trong 5 năm qua không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Bên cạnh đó, đã xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Hoạt giai đoạn 2013 - 2020; Quy hoạch tổng thể phân khu dịch vụ hành chính, vườn thực vật ngoại vi Khu BTTN Pù Hoạt. Quan tâm đề xuất hỗ trợ nhiều chương trình, dự án để đầu tư phát triển vùng đệm, vùng lõi cho người dân địa phương nhằm hạn chế tình trạng tác động vào rừng quá mức.
Từ năm 2013 đến năm 2018, Khu bảo tồn đã tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật giao khoán bảo vệ rừng cho 8.801 lượt hộ gia đình, tổ chức với tổng diện tích 351.448,31 ha bằng các nguồn vốn khác nhau. Hỗ trợ 490.629 kg gạo cho 10.384 nhân khẩu thuộc hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng. Hỗ trợ cho 18 lượt thôn bản với kinh phí 40 triệu đồng/thôn bản để phát triển cơ sở hạ tầng, sửa chữa, làm mới các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng như hệ thống giàn mát, đường vào nhà văn hóa, sân nhà văn hóa, cổng chào, cây giống, đường liên thôn.
Từ những việc làm cụ thể này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng đối với công tác bảo vệ rừng. 
Cán bộ Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt và cán bộ Đồn biên phòng Tri Lễ tuyên truyền chính sách pháp luật bảo vệ rừng đến người dân bản Huồi Mới 1.  Ảnh: P.V
Cán bộ Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt và cán bộ Đồn biên phòng Tri Lễ tuyên truyền chính sách pháp luật bảo vệ rừng đến người dân bản Huồi Mới 1. Ảnh: P.V
Khu bảo tồn cũng tập trung cao cho các chương trình điều tra, nghiên cứu đánh giá đa dạng sinh học tài nguyên rừng. Đã xác định được 1.248 loài thực vật của 603 chi, 174 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao; trong đó có 94 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và 45 loài trong sách đỏ IUCN. Về thú, xác định có 797 loài và phân loài thuộc 147 họ, 48 bộ. Kết quả nghiên cứu cũng đã khẳng định Khu BTTN Pù Hoạt có sự phân bố của 362 loài chim, 82 loài bò sát, 77 loài lưỡng cư và 37 loài bướm ngày, 2 loài bướm đêm…
Thời gian qua, Khu bảo tồn đã kết nối, làm việc và phối hợp với nhiều tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Qua đó đạt được những kết quả như: Phối hợp với Dự án Enrich và tổ chức SNV cung cấp, hỗ trợ 45.500 cây giống dổi xanh cho 1.315 hộ gia đình, tổ chức. Phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học. Phối hợp với Dự án Rừng và Đồng Bằng tổ chức điều tra giám sát đa dạng sinh học làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật. Xây dựng và thực hiện Đề án trồng Quế Quỳ để bảo tồn cây dược liệu quý bản địa. Phối hợp Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam triển khai hoạt động điều tra, khảo sát và lập hồ sơ công nhận cây di sản Việt Nam. Phối hợp Phân viện điều tra Bắc Trung Bộ khảo sát, điều tra và xây dựng dự án trồng cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng tại 3 xã Đồng Văn, Thông Thụ và Tiền Phong…
Từ năm 2013 - 2018, Khu BTTN Pù Hoạt đã tiến hành thiết kế, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán kinh phí trồng rừng tập trung tổng diện tích là 2.888,48 ha và 1.521.872 cây phân tán phân bổ trên toàn huyện. Trong đó, trồng rừng đặc dụng: 66,0 ha, trồng rừng phòng hộ: 491,0 ha, trồng rừng sản xuất: 1.827,0 ha, trồng rừng gỗ lớn: 504,48 ha; trồng cây phân tán: 1.521.872 cây. Khu bảo tồn cũng đã thực hiện chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng với tổng khối lượng 527,4 ha (chăm sóc rừng trồng đặc dụng: 66,0 ha; rừng trồng phòng hộ: 461,4 ha). Tiến hành gieo tạo gần 4 triệu cây giống các loại, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của Khu bảo tồn và nhu cầu của người dân trên địa bàn... 
Cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt phát gạo hỗ trợ người dân trên địa bàn. Ảnh: P.V
Cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt phát gạo hỗ trợ người dân trên địa bàn. Ảnh: P.V
Có thể khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, với sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong; cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp và sự nỗ lực quyết tâm của CC, VC, NLĐ, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã bảo vệ tốt diện tích rừng và đất rừng được giao, duy trì ổn định hệ sinh thái rừng đầu nguồn, độ che phủ của rừng.
Trên địa bàn quản lý cơ bản đã ngăn chặn, xóa bỏ các điểm nóng về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép, không để cháy rừng xảy ra. Công tác phát triển rừng đã từng bước thay đổi được nhận thức của người dân, xã hội hóa nghề rừng đến với nhân dân. 
Hướng dẫn người dân trồng rừng. Ảnh: P.V
Hướng dẫn người dân trồng rừng. Ảnh: P.V
Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng BQL Khu BTTN Pù Hoạt xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều khó khăn, phức tạp. Bởi vậy, bên cạnh việc tiếp tục đề ra các giải pháp hữu hiệu để thực hiện, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, qua đó, thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; để Khu BTTN Pù Hoạt vẹn nguyên là vùng rừng đặc dụng giàu tính đa dạng sinh học, xứng đáng là 1 trong 3 vùng lõi quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới miền Tây Nghệ An.

Tin mới