Bản sắc SLNA và chuyện tái cấu trúc

(Baonghean.vn) - Lâu nay, SLNA được coi là có bản sắc địa phương ở chỗ dàn cầu thủ nội hầu hết do chính câu lạc bộ đào tạo, các đời HLV cũng chính là các thế hệ cầu thủ ưu tú của đội bóng trưởng thành lên.

Phòng ngự - phản công là lối đá truyền thống của đội bóng. Bên cạnh sung sức về thể lực, phá lối chơi của đối thủ, trong đội hình luôn xuất hiện những cầu thủ giàu kỹ thuật và sáng tạo. Các tuyến của đội đều có những ngôi sao nổi bật, luôn biết cách tỏa sáng, nhất là khi được khoác áo các đội tuyển quốc gia. Chưa hết, sự ủng hộ hết mình của CĐV xứ Nghệ trên khắp mọi miền đất nước cũng tô đậm thêm bản sắc địa phương, là nhân tố không thể thiếu trong quá trình ghi tên mình vào bản đồ bóng đá của đất nước, khu vực và châu lục.

Phòng ngự - phản công là lối đá truyền thống của đội bóng. Ảnh: Đức Anh
Phòng ngự - phản công là lối đá truyền thống của đội bóng. Ảnh: Đức Anh

Với nhà đầu tư hơn chục năm qua là Ngân hàng Bắc Á, tên đội bóng Sông Lam Nghệ An được giữ nguyên, gắn với “niềm tự hào xứ Nghệ” và nhà đầu tư này cũng như đông đảo CĐV vẫn mong muốn cái tên quen thuộc đó được tiếp tục giữ lại khi có nhà đầu tư mới.

Phải khẳng định nguyện vọng đó là hết sức chính đáng và phù hợp, không chỉ với SLNA mà với bất cứ CLB bóng đá lớn nhỏ nào ở trong và ngoài nước, nhất là những thương hiệu đã in dấu ấn trong lòng người hâm mộ cũng như giới chuyên môn.

Nhưng nói cho cùng, bản sắc địa phương vừa là cái tên quen thuộc nhưng đồng thời phải là thành tích đội bóng, là tên tuổi của những cầu thủ xuất sắc cũng như hoạt động tốt của hội CĐV…Ví như đội bóng vẫn có lên là SLNA nhưng thành tích liên tục bết bát, hội CĐV hoạt động cầm chừng, sân Vinh vắng vẻ…thì dù có nói gì đi nữa, cái tên quen thuộc này lại có thể gây hiệu ứng ngược ?

Điều dễ thấy là tên tuổi các CLB bóng đá trong nước lâu nay dễ…biến động, thay đổi theo mong muốn của nhà đầu tư và giữ lại một yếu tố cơ bản là tên địa phương, như Gia Lai, Bình Dương, Bình Định, Nam Định…Rất có thể với SLNA tới đây cũng không ngoài lối đi đó, cũng có thể giữ nguyên tên gọi quen thuộc và ai cũng có thể hiểu điều đó chỉ là hình thức, là bề ngoài, không mang tính quyết định nào của cả một câu chuyện lớn vốn đòi hỏi nhiều công sức và tiền của.

Vậy nên, mong mỏi của đông đảo người hâm mộ là nhà đầu tư mới mang theo tham vọng lớn, có nguồn lực, chính sách để vừa đánh giá đúng vừa khuyến khích kịp thời tài năng, cống hiến của BHL và các thế hệ cầu thủ, sao cho họ không “thua em kém chị”, để rồi không phải đắn đo đi, ở, an tâm mọi mặt. Cũng nên tổ chức lại sao cho việc cổ vũ, ủng hộ đội bóng đi vào chiều sâu thiết thực, có tiếng vang như CĐV Quảng Ninh, Nam Định đã làm, xóa hẳn tình trạng “đông mà không mạnh” như lâu nay.

Dễ thấy lâu nay SLNA luôn là đề tài hấp dẫn, “như nước sông Lam không bao giờ cạn” của báo chí thể thao và mạng xã hội và tới đây điều này sẽ không thay đổi, nếu không nói là còn thu hút hơn, “đắt khách” hơn khi đội bóng tái cấu trúc và những việc liên quan? Bóng đá cần ngôi sao, truyền thông cũng cần ngôi sao chuyên nghiệp để song hành, để góp tiếng nói quan trọng củng cố và phát huy bản sắc địa phương của đội bóng.

Cũng đừng quên ở SLNA, góp vào thành tích chung không chỉ là người Nghệ, mà còn có nhiều người “bén duyên” đất Nghệ trong nhiều thời kỳ và hoàn cảnh khác nhau, chưa kể người Nghệ thành danh từ bóng đá ở nhiều miền đất khác. Những nét bản sắc đáng quý đó, trong bối cảnh mới, nếu cứ khư khư truyền thống nghĩa là đang bị tụt hậu, sứt mẻ. Vì vậy, nhà đầu tư mới hẳn phải thấy rõ câu chuyện “để nguyên là mất, cất lên là vàng” để sớm bắt tay chăm trồng cho những mùa vụ bội thu ổn định và dài lâu.,.

Tin mới