Từ 25/5/2016, tiêu chuẩn nghề nghiệp với phóng viên phân làm 3 hạng

Từ ngày 25/5/2016, nghề nghiệp phóng viên sẽ được phân thành 3 hạng với những tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cụ thể.
Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các chức danh viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông và với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đáng chú ý, chức danh phóng viên gồm 3 hạng: Phóng viên hạng I (cao nhất) - Mã số: V.11.02.04; Phóng viên hạng II - Mã số: V.11.02.05; Phóng viên hạng III (thấp nhất) - Mã số: V.11.02.06.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Với phóng viên hạng III, tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng gồm: Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí trở lên (trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học khác chuyên ngành báo chí thì phải qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí từ 8 tuần trở lên); Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT; Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT; Sơ cấp lý luận chính trị trở lên; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Phóng viên hạng III.
Những tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà phóng viên hạng III phải đạt được gồm: Nắm được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ được phân công; nội dung của Luật Báo chí; Thành thạo về nghiệp vụ chuyên ngành; về tổ chức, hoạt động của ngành, đơn vị, địa phương, cơ sở có liên quan đến nhiệm vụ được phân công và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của Luật Báo chí và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Nhiệm vụ của phóng viên hạng III gồm: Xây dựng đề cương, thực hiện viết tin, bài theo phân công và hướng dẫn của trưởng ban biên tập; Viết, chụp ảnh và quay phim các loại tin, phóng sự, điều tra có nội dung phức tạp trung bình và chịu trách nhiệm cá nhân về tác phẩm báo chí của mình; Tổ chức làm việc với thông tin viên, giao dịch đặt viết tin, bài theo đề cương đã được duyệt.
Với phóng viên hạng II, tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng cơ bản giống phóng viên hạng III, tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ phải đạt bậc 3 (B1); có bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Phóng viên hạng II.
Về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, phóng viên hạng II phải đạt các tiêu chuẩn: Nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước về các vấn đề đối nội và đối ngoại liên quan đến nhiệm vụ được phân công; am hiểu về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và thế giới; Thành thạo về nghiệp vụ chuyên ngành; về tổ chức, hoạt động của ngành, đơn vị, địa phương cơ sở có liên quan đến nhiệm vụ được phân công và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của Luật Báo chí và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Đặc biệt, phải đã chủ trì ít nhất 2 tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 1 công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương).
Nhiệm vụ của phóng viên hạng II gồm: Xây dựng kế hoạch, đề cương, phát hiện nêu chủ đề tin bài theo phân công; Tổ chức thực hiện và viết, chụp ảnh, quay phim tin, bài đạt chất lượng khá và chịu trách nhiệm cá nhân về tác phẩm báo chí của mình; Phát hiện và đề xuất được các vấn đề để xây dựng kế hoạch biên tập; Viết bài bình luận có nội dung phức tạp trung bình; Phát hiện và giới thiệu thông tin viên, hướng dẫn cộng tác viên viết theo đề cương đã duyệt; Tham gia biên soạn chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức hạng dưới; Tham gia chuẩn bị nội dung và trao đổi nghiệp vụ báo chí trong nước và ngoài nước.
Viên chức thăng hạng từ chức danh Phóng viên hạng III lên chức danh Phóng viên hạng II phải có thời gian giữ chức danh Phóng viên hạng III và tương đương tối thiểu là 9 năm, trong đó có ít nhất 3 năm giữ chức danh Phóng viên hạng III.
Còn với phóng viên hạng I, nhiệm vụ phải thực hiện gồm: Chủ trì xây dựng kế hoạch, kịch bản các tác phẩm báo chí; Tổ chức chỉ đạo và thực hiện viết, chụp ảnh, quay phim các thể loại báo chí có nội dung tổng hợp, chủ đề lớn thuộc nhiều lĩnh vực có độ phức tạp cao hơn; Viết bình luận, xã luận có nội dung liên quan đến trong nước và thế giới; Biên tập, xét duyệt tin bài trước khi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung các tin, bài đó; Tổ chức và củng cố mạng lưới thông tin viên, cộng tác viên thuộc nhiệm vụ được phân công; Chuẩn bị nội dung trao đổi nghiệp vụ báo chí trong nước và quốc tế; Xây dựng mục tiêu, chương trình, tư liệu và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hạng phóng viên thấp hơn; Tham gia hội đồng xét duyệt chuyển hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho phóng viên hạng dưới.
Yêu cầu công việc cao nên tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng đối với phóng viên hạng I cũng cao hơn hẳn so với phóng viên hạng II và hạng III. Cụ thể, bên cạnh những tiêu chuẩn của phóng viên hạng II và hạng III, thì phóng viên hạng I phải có trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2); Có bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Phóng viên hạng I.
Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phải nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về các vấn đề đối nội và đối ngoại; về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và thế giới; Thành thạo về nghiệp vụ chuyên ngành, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của Luật Báo chí và các quy định của pháp luật khác có liên quan;
Đáng chú ý, phải đã chủ trì ít nhất 4 tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc chủ trì ít nhất 2 (hai) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ hoặc tương đương).
Cũng theo Thông tư 11, chức danh Biên tập viên được chia thành 3 hạng: Biên tập viên hạng I Mã số: V.11.01.01; Biên tập viên hạng II Mã số: V.11.01.02; Biên tập viên hạng III Mã số: V.11.01.03.
Chức danh Biên dịch viên gồm 3 hạng: Biên dịch viên hạng I Mã số: V.11.03.07; Biên dịch viên hạng II Mã số: V.11.03.08; Biên dịch viên hạng III Mã số: V.11.03.09.
Chức danh Đạo diễn truyền hình cũng gồm 3 hạng: Đạo diễn truyền hình hạng I Mã số: V.11.04.10; Đạo diễn truyền hình hạng II Mã số: V.11.04.11; Đạo diễn truyền hình hạng III Mã số: V.11.04.12.
Cách xếp lương phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình
Các chức danh nghề nghiệp viên chức quy định trong Thông tư 11 được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp Biên tập viên hạng I, Phóng viên hạng I, Biên dịch viên hạng I, Đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
Chức danh nghề nghiệp Biên tập viên hạng II, Phóng viên hạng II, Biên dịch viên hạng II, Đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Chức danh nghề nghiệp Biên tập viên hạng III, Phóng viên hạng III, Biên dịch viên hạng III, Đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức quy định trên đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch Biên tập viên cao cấp (mã ngạch 17.139), Biên tập viên chính (mã ngạch 17.140), Biên tập viên (mã ngạch 17.141), Phóng viên cao cấp (mã ngạch (17.142), Phóng viên chính (mã ngạch 17.143), Phóng viên (mã ngạch 17.144), Biên dịch viên cao cấp (mã ngạch 17.139), Biên dịch viên chính (mã ngạch 17.140), Biên dịch viên (mã ngạch 17.141), Đạo diễn cao cấp (mã ngạch 17.154), Đạo diễn chính (mã ngạch 17.155), Đạo diễn (mã ngạch 17.156) được thực hiện như sau: Trường hợp viên chức đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức có hệ số, bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bằng bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN

Tin mới