Hồi ức của vị Bộ trưởng Bộ TT&TT đầu tiên

Hơn 9 năm đã qua, những kỷ niệm về ngày đầu đảm nhận trọng trách Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và những hoạt động khởi đầu của Bộ đa ngành vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp.

Thuở ban đầu với 5 công việc ưu tiên

Nhân dịp lần đầu tiên toàn ngành TT&TT náo nức tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập ngành TT&TT (28/8), phóng viên đã tìm gặp TS. Lê Doãn Hợp, vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TT&TT để tìm hiểu thêm thông tin về dấu mốc không thể nào quên trên tiến trình lịch sử phát triển của ngành.

: TS. Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TT&TT.
TS. Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TT&TT.

Với tâm thế của một người trong cuộc, TS Lê Doãn Hợp vẫn nhớ như in những câu chuyện từ hơn 9 năm về trước. Đó là năm 2007, khi Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở Bộ Bưu chính Viễn thông sáp nhập thêm Cục Báo chí và Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin cũ.

“Khi đó, Trung ương có chủ trương thành lập Bộ đa ngành với các lĩnh vực có quan hệ nhân quả với nhau, xâu chuỗi với nhau và làm tiền đề cho nhau. Trên cơ sở đó đã đặt vấn đề tổ chức lại Bộ Bưu chính Viễn thông gắn với mảng Báo chí - Xuất bản của Bộ Văn hóa - Thông tin thành Bộ TT&TT. Định hướng đó nhằm kết nối giữa hạ tầng và nội dung (truyền thông là hạ tầng, thông tin là nội dung) để hai mảng này gắn kết với nhau nhằm phát huy tối đa hiệu quả, như gắn kết đường sắt với tàu hỏa, đường băng với máy bay, đường bộ với ô tô. Bộ TT&TT đã ra đời như vậy”, TS. Lê Doãn Hợp bắt đầu câu chuyện với Báo Bưu điện Việt Nam.

Việc sáp nhập và hình thành Bộ TT&TT triển khai rất nhanh. Được phân công làm Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TT&TT, TS. Lê Doãn Hợp phải đối mặt với bộn bề công việc cần làm. Song ông cùng lãnh đạo Bộ lúc đó đã nhanh chóng xác định rõ 5 việc đầu tiên cần phải làm ngay.

Thứ nhất là hoàn thành việc xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ TT&TT. Với quyết tâm cao độ, chỉ trong khoảng 4 tháng, Nghị định số 187/2007 về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ TT&TT với 5 lĩnh vực quản lý (gồm: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông, CNTT) đã được hoàn thành.

Thứ hai là xác lập bộ máy các cơ quan chuyên môn để đáp ứng chức năng, nhiệm vụ đã được nêu rõ trong Nghị định 187. Một số đơn vị mới được thành lập như Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Viễn thông, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT (lúc đó còn định hướng thành lập trường Đại học TT&TT bao quát 5 ngành học để đảm bảo chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa).

Thứ ba, phân công cán bộ, lãnh đạo và rà soát cán bộ chủ trì để đáp ứng các yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ TT&TT. Đánh giá rất cao công việc này, vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TT&TT kể lại: “Lúc đó tôi nói với anh em rằng lãnh đạo Bộ không đặt vấn đề thay người mà chỉ yêu cầu phải thay đổi cách làm việc. Chỉ thay cán bộ chủ trì khi cán bộ không thay đổi cách làm theo yêu cầu mới. Khi phân công các Thứ trưởng phụ trách; Tôi xác định Bộ trưởng sẽ làm những việc mà Thứ trưởng khó làm hoặc làm kết quả chậm hơn. Cái gì cấp dưới làm được thì phân công toàn diện cho cấp dưới làm, cấp trên làm nhiệm vụ thẩm tra, đốc thúc, khen chê, thưởng phạt. Như thế mới rõ cấp chiến lược và cấp chiến thuật”.

Công việc ưu tiên tiếp theo là hoàn chỉnh thể chế. Với sự quyết liệt của vị Bộ trưởng Bộ TT&TT đầu tiên cùng các lãnh đạo Bộ lúc bấy giờ, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Bộ TT&TT, đã có 4 luật mới được, ban hành (Luật Tần số Vô tuyến điện, Luật Viễn thông, Luật Bưu chính, Luật Xuất bản sửa đổi).

“Tất cả những luật đó đều được lồng vào một tư tưởng quan trọng nhất, xuyên suốt nhất, cần nhất, đó là từng bước xã hội hóa hạ tầng. Tôi là người ủng hộ kinh tế tư nhân, luôn coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng của đất nước. Ngay từ năm 1990, tôi đã làm luận án tiến sĩ về kinh tế hộ đô thị trong cơ chế thị trường. Tôi nghĩ sức sống của mọi chế độ vẫn là kinh tế tư nhân, và muốn ủng hộ kinh tế tư nhân để có bài học cải tạo kinh tế nhà nước, thay đổi căn bản tư duy của những người quản lý nhà nước.

Và công việc ưu tiên thứ năm là xác định chiến lược trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế lớn nhất của đất nước, của ngành để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.

Và 5 chiến lược mang tầm thời cuộc

Vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TT&TT vốn là người khá gắn bó với Văn hóa Thông tin. Nhiều người tưởng rằng một trong những chiến lược trọng tâm, trọng điểm đầu tiên của Bộ TT&TT sẽ liên quan tới Báo chí hoặc Xuất bản.

Thế nhưng, chiến lược đầu tiên trong số 5 chiến lược trọng điểm được lãnh đạo Bộ TT&TT xác định là Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, một lĩnh vực mà TS. Lê Doãn Hợp là dân “ngoại đạo”.

“Chúng tôi xác định đây là chiến lược số 1 vì Việt Nam có 3 lợi thế, nếu không làm nhanh thì sẽ mất cơ hội. Lợi thế thứ nhất là quốc gia có lao động vàng, 70% lao động dưới 40 tuổi. Lợi thế thứ hai là thế hệ trẻ Việt Nam rất đam mê công nghệ. Những người làm công nghiệp phần mềm giỏi ở đất nước mình rất nhiều, có nhiều người mỗi tháng làm ra 100.000 USD, mỗi năm 1,2 triệu USD. Mình không tận dụng cơ hội này thì thế hệ trẻ không có môi trường để cống hiến tài năng. Lợi thế thứ ba là chúng ta đi sau, có nhiều bài học của những nước đi trước để đi tắt đón đầu bứt phá nhanh hơn. Với 3 căn cứ đó, tôi đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và được Thủ tướng đồng tình về mặt chủ trương. Sau đó, tôi về chỉ đạo cả Bộ vào cuộc, cũng mất 18 tháng mới thông qua được Đề án. Đây là chiến lược mang tầm quốc tế, tầm thời đại, cũng là thể hiện tư duy làm theo lời Bác: “phấn đấu sớm đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu”.

Chiến lược trọng điểm thứ hai đã được lãnh đạo Bộ TT&TT triển khai khá bài bản là đưa thông tin về cơ sở. “Chúng tôi nhận thấy nếu không đưa thông tin về cơ sở thì miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ vừa đói về vật chất vừa nghèo về thông tin, và đói nghèo thông tin thì sẽ khó thoát cảnh đói nghèo vật chất. Tuy nhiên, cũng phải kiên trì thuyết phục mới được Chính phủ và Quốc hội đồng ý cho bổ sung hình thành một Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở với chủ trương đưa 5 thiết bị đầu cuối về tận hộ gia đình (gồm: điện thoại, máy tính, Internet, tivi, truyền thanh...). Đó là cuộc cách mạng chấn hưng nhận thức để đổi mới hành động. Khi tôi báo cáo với Ngài Chủ tịch Liên minh Viễn thông Thế giới ITU, ông Chủ tịch nói rằng nếu Việt Nam đưa được các thiết bị đầu cuối này về với hộ gia đình thì Việt Nam sẽ là 1 trong những quốc gia văn minh của loài người. Các doanh nghiệp Viễn thông góp vốn cho Quỹ Viễn thông công ích chính là để làm nhiệm vụ quan trọng này.

Tiếp đến, chiến lược trọng tâm, trọng điểm thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực, với 3 ưu tiên: Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý; Đào tạo cán bộ đầu đàn và Đào tạo chuyên sâu kỹ sư công nghệ thông tin.

Đặc biệt tâm đắc với mảng đào tạo kỹ sư công nghệ phần mềm, TS. Lê Doãn Hợp hào hứng chia sẻ: “Mỗi kỹ sư công nghệ phần mềm giỏi mỗi năm có thể làm được 1 triệu USD, nếu ta có khoảng 1 triệu kỹ sư phần mềm thì đất nước ta sẽ thăng hoa. Mà những người làm phần mềm làm giàu bằng bán phần mềm cho các nước, tức là lấy tiền của thế giới về cho đất nước để giúp nông dân được nhiều hơn. Lúc đó tôi đề nghị tất cả các trường đại học kỹ thuật nên có 1 khoa CNTT; các trường CNTT cần tập trung đào tạo mũi nhọn, hợp tác với Israel để bồi dưỡng chuyên gia chuyên sâu về CNTT. Nếu chúng ta tập trung chỉ đạo, được chính phủ đầu tư kích cầu để làm thì bây giờ mọi việc chắc chắn sẽ vui và lạc quan hơn nhiều.

Chiến lược trọng điểm thứ tư của Bộ TT&TT thời kỳ đầu là kế thừa thành quả đối ngoại của các thế hệ tiền nhiệm, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và cạnh tranh toàn diện. Theo phân tích của nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, “cái yếu nhất của Việt Nam là không chịu cạnh tranh, thích độc quyền và bao cấp. Phải có cạnh tranh toàn diện thì dân mới được nhờ. Đồng thời cũng phải biết cách liên kết hợp tác với thế giới, chọn cái mạnh nhất của Việt Nam là đất đai, con người, truyền thống, văn hóa, cộng với cái mạnh nhất của nước ngoài là thị trường, thương hiệu, năng lực tài chính, tư duy hành động, từ đó tạo dựng nên sức mạnh mới. Khi đi ra nước ngoài phải dũng cảm so mình với thế giới, trên từng lĩnh vực, xem ta là ai, ta đang ở đâu và ta phải làm gì để không thua em, kém bạn. Nhờ đó mới có Viễn thông và CNTT của Việt Nam hôm nay ngang tầm quốc tế”. Cùng với mở rộng hợp tác quốc tế, phải chăm lo gắn kết đồng bộ với các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở theo hướng Hợp tác sâu, liên kết rộng, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, đổi mới bên trong đồng bộ với hội nhập bên ngoài.

Chiến lược thứ năm là: Chăm lo công tác chính trị, tư tưởng, kiện toàn, củng cố các đoàn thể quần chúng. Gắn công tác tư tưởng với nhiệm vụ chính trị, kết nối công tác quần chúng với nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường nhân sự, gắn rõ từng chức danh chính trị với thẩm quyền và lợi ích cá nhân của các đoàn thể quần chúng như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn. Có chính sách khuyến khích người làm chuyên trách và động viên người làm kiêm nhiệm. Mọi sinh hoạt chính trị như học Nghị quyết, cập nhật thông tin thời sự, cơ chế, chính sách, gặp mặt nữ công, thanh niên, công đoàn, cựu chiến binh nhân các ngày truyền thống, Bí thư Ban cán sự Đảng đều dành thời gian đến dự, động viên, giải đáp vướng mắc và định hướng hành động. Lãnh đạo Bộ cử một đồng chí thứ trưởng kiêm nhiệm công tác Đảng và Đoàn thể. Tạo dựng được một hào khí chính trị tin cậy, dân chủ, sáng tạo, đoàn kết, hợp tác vì nhiệm vụ chung, cùng nhau cộng sự hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chuyên môn của một bộ mới đa ngành, đa lĩnh vực, ngay từ những ngày đầu thành lập, tạo thế và lực, bài học và kinh nghiệm tốt cho giai đoạn sau.

Theo Infonet

Tin mới