Ô nhiễm môi trường từ cơ sở sản xuất trong khu dân cư

(Baonghean) - Cùng với tốc độ đô thị hóa, thành phố Vinh đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường...

Nhiều cơ sở gây ô nhiễm

Bức xúc vì nhiều năm phải sống chung với ô nhiễm, người dân khối 5, phường Bến Thủy (TP. Vinh) đã nhiều lần phản ánh về việc xưởng mộc của ông Nguyễn Đức Bình tại số nhà 11 đường Lê Thiết Hùng trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Xưởng mộc của Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đức Duy nằm trong khu dân cư xóm 20 xã Nghi Phú (TP. Vinh) bị xử lý vì gây ô nhiễm môi trường.
Xưởng mộc của Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đức Duy nằm trong khu dân cư xóm 20 xã Nghi Phú (TP. Vinh) bị " tố" gây ô nhiễm môi trường.

Qua kiểm tra, ngày 26/4/2016 UBND thành phố Vinh đã có Văn bản số 2887/UBND-TNMT khẳng định nội dung phản ánh của người dân là có cơ sở, xưởng mộc của hộ ông Bình quá trình hoạt động đã làm phát sinh tiếng ồn, bụi, mùi sơn PU gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, chủ xưởng mộc còn chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định. Nhà xưởng chưa được che chắn kín, vệ sinh công nghiệp còn hạn chế và chưa có hệ thống thu gom, xử lý bụi sơn, thậm chí có lúc cơ sở còn tiến hành phun sơn ở ngoài khu vực nhà xưởng - trên đường Lê Thiết Hùng làm nhân dân trong khu vực rất bức xúc.

UBND thành phố Vinh đã yêu cầu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được công văn, hộ gia đình ông Nguyễn Đức Bình tìm địa điểm khác phù hợp để sản xuất, kinh doanh mộc và di dời nhà xưởng tại số 11, đường Lê Thiết Hùng, khối 5, phường Bến Thủy. Công văn cũng yêu cầu trong khoảng thời gian đến ngày di dời yêu cầu không phun sơn tại khu vực xưởng mộc, có biện pháp giảm thiểu bụi và tiếng ồn, không hoạt động vào buổi trưa (từ 11h30 phút - 14h) và ban đêm (từ 18h-6h30 sáng hôm sau). 

Thế nhưng xưởng mộc này vẫn tiếp tục vi phạm và ngày 16/6/2016 UBND thành phố Vinh có Công văn số 2887/UBND- TNMT yêu cầu chủ xưởng mộc phải di dời xưởng đến địa điểm khác phù hợp trước ngày 1/9/2016, nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế hoạt động. Trong thời gian đến trước thời điểm phải di dời phải chấp hành 4 điều kiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà thành phố đưa ra. UBND phường Bến Thủy cũng đã thành lập tổ tự quản để giám sát hoạt động của xưởng mộc ông Nguyễn Đức Bình...

Năm 2005, UBND thành phố Vinh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 33 trường hợp với số tiền hơn 91 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND thành phố Vinh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 24 trường hợp với số tiền hơn 87 triệu đồng.

Ở xóm 20, xã Nghi Phú có xưởng mộc của Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ Mỹ nghệ Đức Duy bị người dân “tố” 10 năm qua gây ô nhiễm môi trường. Được biết, ngày 5/10/2015, UBND thành phố Vinh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty với số tiền 2,5 triệu đồng. Lý do xử phạt là phía công ty đã để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; không có biện pháp che chắn tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người tại Điểm B, Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Lãnh đạo UBND xã Nghi Phú cũng thừa nhận, phản ánh của các hộ dân xóm 20 về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đức Duy gây ra là đúng. 

Trong thời gian qua, Đội CSMT (Công an thành phố Vinh) cũng đã kiểm tra, xử phạt nhiều vụ việc liên quan đến môi trường. Điển hình như mới đây, kiểm tra gara Tấn Huế trên Đại lộ Lê-Nin do anh Nguyễn Thanh Tuấn làm chủ phát hiện các vi phạm để rò rỉ, phát tán khí hơi, khí độc ra môi trường...

Công an thành phố Vinh đã chuyển hồ sơ, đề nghị UBND thành phố Vinh ban hành xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 1.250.000 đồng (Quyết định số 4466 ngày 8/7/2016). Đồng thời buộc chủ cơ sở có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật, lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho gara theo đúng quy định của pháp luật

Khó trong xử lý...

Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thủy cho biết: Trên địa bàn phường có 48 cơ sở sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong đó có 2 cây xăng còn lại chủ yếu là các loại hình: buôn bán phế liệu, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, sản xuất chế biến đồ gỗ, đồ mộc; gia công cơ khí, chăn nuôi lợn, sản xuất chế biến thực phẩm, cơ sở in ấn, nhà hàng... đem lại nguồn thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Xưởng mộc của ông Nguyễn Đức Bình đường Lê Thiết Hùng khối 5 phường Bến Thủy gây ô nhiễm môi trường khu dân cư bị yêu cầu di dời.
Xưởng mộc của ông Nguyễn Đức Bình đường Lê Thiết Hùng khối 5 phường Bến Thủy
gây ô nhiễm môi trường khu dân cư bị yêu cầu di dời.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo các hệ lụy về môi trường, nhất là các xưởng mộc. Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, chủ yếu các hộ gia đình tự mở để kinh doanh tại nhà, không có giấy phép kinh doanh và đăng ký các thủ tục môi trường.UBND phường cũng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nhưng việc quản lý gặp nhiều khó khăn. 

“Đối với những vấn đề nhân dân đề xuất, kiến nghị, phường chủ động phối hợp với Phòng TNMT thành phố, Đội CSMT (Công an thành phố) kiểm tra, xử lý, còn chủ yếu là kiểm tra, nhắc nhở là chính. Bởi về nhân lực chúng tôi chỉ có một cán bộ địa chính kiêm nhiệm phụ trách vấn đề môi trường...”, ông Khánh cho biết thêm.

Ông Lê Minh Tuấn - Chuyên viên Phòng TNMT thành phố Vinh cho hay: Thời gian qua, thành phố đã tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Đội ngũ cán bộ công chức phụ trách lĩnh vực bảo vệ môi trường còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, trong khi TP. Vinh đang trong thời kỳ đô thị hóa, tốc độ phát triển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng nhanh. Mặt khác, cơ chế pháp lý của Nhà nước về quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế về chức năng, nhiệm vụ, biện pháp răn đe còn chưa đủ mạnh để xử lý dứt điểm hành vi vi phạm.

Mặc dù thành phố cũng đã xử lý mạnh tay đối với một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường như đình chỉ hoạt động, yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh ý thức kém, dùng nhiều biện pháp để đối phó hoặc thiếu thiện chí hợp tác với các cơ quan chức năng.

Như trường hợp của Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đức Duy, khi nhận được phản ánh của người dân và thông tin trên báo chí về việc xưởng mộc này phun sơn PU gây ô nhiễm môi trường, ngày 29/7/2016, UBND thành phố đã tổ chức làm việc tại trụ sở UBND xã Nghi Phú để giải quyết nhưng Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Đức Duy vắng mặt không lý do. Buộc UBND thành phố đã phải gửi giấy mời lần 2 mới làm việc với công ty này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư cũng gặp khó khăn về địa điểm di dời do chưa có quy hoạch cho các ngành nghề dễ gây ô nhiễm, hoạt động quy mô nhỏ lẻ.

Để đảm bảo và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cũng như kéo giảm ô nhiễm môi trường hoạt động xen cài trong khu dân cư, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, mới đây, UBND thành phố Vinh đã ban hành Văn bản số 1486/UBND-TNMT giao cho UBND các phường, xã rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó bao gồm cả việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và phương án xử lý.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thì có thể bị xử lý theo những hình thức như sau (theo quy định tại Điều 49 về “Xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014):
- Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;
Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường;
- Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường;
- Cấm hoạt động;

Gia Huy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới