Mạng xã hội Facebook - Lợi và hại

(Baonghean) - Trong sự phát triển như vũ bão của internet, mạng xã hội Facebook cũng được nhiều người sử dụng vì tính nhanh nhạy trong chia sẻ thông tin, gắn kết mọi người với nhau. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng Facebook để xuyên tạc thông tin, trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội khiến cho công cụ này trở thành “con dao hai lưỡi”. 

Xuyên tạc thông tin trên facebook và những hậu quả xấu

Những ngày gần đây, câu chuyện Trần Tuấn Vĩnh (26 tuổi, trú tại thị trấn Qùy Hợp) xuyên tạc thông tin trên Facebook để “nói xấu” Bia Hà Nội trở thành đề tài được bàn tán xôn xao. Vĩnh kinh doanh Bia Huda trên địa bàn Qùy Hợp nhưng việc buôn bán không mấy thuận lợi, Vĩnh bèn nghĩ ra cách lập một tài khoản Facebook có tên “Viet Dai” đăng tải những thông tin sai sự thật về Bia Hà Nội nhằm hạ thấp uy tín của hãng bia này và tăng lợi nhuận kinh doanh Bia Huda của mình. 

Thông tin bịa đặt về Bia Hà Nội đăng tải trên Facebook của Trần Tuấn Vĩnh.
Thông tin bịa đặt về Bia Hà Nội đăng tải trên Facebook của Trần Tuấn Vĩnh.

Phát hiện ra vụ việc, Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã gửi đơn tố giác đến Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ. Và kết cục, Trần Tuấn Vĩnh bị phạt 12,5 triệu đồng vì tội cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức. 

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này, trước đó mạng xã hội Facebook cũng đã từng bị lợi dụng để tung tin đồn thất thiệt, lừa đảo trục lợi, thậm chí với những lý do rất vớ vẩn nhằm câu like, câu wiew. Điển hình như ngày 3/5/2016, Công an huyện Con Cuông đã triệu tập Lê Văn Sơn, 40 tuổi - trú tại thị trấn Con Cuông, đối tượng tung tin đồn bắt cóc trẻ em trên Facebook vào ngày 22/4/2016. Kèm với lời thông báo là hình ảnh chiếc xe ô tô màu xanh được cho là của bọn lừa đảo và bắt cóc trẻ em khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Chỉ sau 2 ngày đăng tải, bài viết nhận được hơn 53.000 lượt thích (like) và gần 10.000 lượt chia sẻ. Tại cơ quan công an, ông Sơn khai nhận thông tin bắt cóc trẻ em được đăng trên mạng xã hội là không chính xác, bịa đặt chỉ nhằm để câu like. Hay như vụ việc mạng Facebook và một số trang mạng xã hội khác dấy lên thông tin phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú xảy ra. Mặc dù đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà khoa học nông lâm có uy tín lên tiếng trấn an dư luận, đồng thời đưa ra nhiều bằng chứng phủ nhận thông tin trên. Tuy nhiên, điều này vẫn gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với người tiêu dùng và gây thiệt hại nghiêm trọng đến người trồng bưởi. Nghiệt ngã hơn, thời điểm tung tin đồn lại vào chính vụ nên nông dân trở nên điêu đứng. Chỉ hơn một tháng, giá bưởi tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị “rớt” từ 8.000 - 10.000 đồng/kg xuống còn 1.000 đồng/kg, nhiều người dân đã phải đốn bỏ cây bưởi vì hiệu quả kinh tế. 

Nhiều người cho rằng, việc tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên internet gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội của các đối tượng trên là do họ mơ hồ về pháp luật, chưa hiểu hết hậu quả mà mình gây ra. Tuy nhiên, những thông tin xuyên tạc này đều có tính chất gây sự chú ý,  lại sử dụng mạng Facebook làm công cụ phát tán với tốc độ lan truyền nhanh chóng. Như đối với trường hợp Trần Tuấn Vĩnh, đối tượng này thừa hiểu rằng khi tung tin đồn sai lệch về Bia Hà Nội ắt hẳn sẽ khiến nhiều người tẩy chay hãng bia này, và đó là mục đích cuối cùng của Vĩnh. Hậu quả sau đó sẽ là doanh thu của Bia Hà Nội bị giảm sút, và quan trọng hơn chính là làm sụp đổ niềm tin của khách hàng đối với một thương hiệu được gây dựng lên suốt bao nhiêu năm. Hay như mới đây, lợi dụng vụ Fomosa, nhiều kẻ đã tung tin đồn thất thiệt liên quan đến việc ăn hải sản bị ngộ độc, tử vong và kêu gọi mọi người tẩy chay hải sản khiến dư luận hoang mang...

Thậm chí có nhiều trường hợp khác, công chúng phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng khi nạn nhân của tin đồn thất thiệt từ Facebook tìm đến cái chết vì bị sỉ nhục. Như trường hợp một nữ sinh lớp 12 ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị chế ảnh bêu xấu trên Facebook...

Ông Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cho biết: “Việc tung tin đồn thất thiệt, có nội dung sai sự thật trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần ra quyết định hành chính xử phạt các đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội nhằm tăng tính răn đe đối với những vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dùng Facebook còn hạn chế, nên hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”.

Cư dân mạng quá bị động khi tiếp nhận thông tin?

Nhìn ở một khía cạnh khác, khe hở cho những kẻ lợi dụng mạng xã hội Facebook để vụ lợi cá nhân chính là việc tiếp nhận và phát tán thông tin không có chọn lọc của cư dân mạng. Bất cứ một thông tin nào khi đưa lên Facebook, chỉ cần đánh trúng tâm lý người dùng là sẽ được lan truyền như siêu virus… Và chỉ bằng nút “like”, “share” đơn giản, cư dân mạng vô tình trở thành kẻ đồng lõa, tiếp tay cho đối tượng tung tin đồn nhảm. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần bàn đến văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Trong bối cảnh Facebook trở thành một trong những cánh cửa giao tiếp ra thế giới bên ngoài, thì mỗi người phải biết sử dụng nó đúng chuẩn mực, suy xét kỹ càng khi tiếp nhận nguồn tin.

Trước những “anh hùng bàn phím” được ví như “thánh phán” xuất hiện đầy rẫy trên Facebook, tốt nhất người dùng hãy giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo, tránh rơi vào bẫy câu like và share, cũng như vội lo lắng trước khi có thông tin chính thức từ các cơ quan liên quan. 

Cộng đồng mạng đang dấy lên chiến dịch Share có ý thức
Cộng đồng mạng đang dấy lên chiến dịch Share có ý thức

Thời gian gần đây, trên Facebook đang lan truyền chiến dịch "Share có ý thức", nhằm kêu gọi mọi người tỉnh táo trước các thông tin chưa rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng trên mạng. Qua đó, chiến dịch nhắn nhủ cộng đồng mạng trước khi chia sẻ nội dung gì thì nên tìm hiểu để xem nó có gây hại cho ai đó hay không. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rộng khắp, mỗi ngày có hàng ngàn, hàng vạn thông tin được tung lên kiểu “thật giả lẫn lộn”, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý mạng internet nói chung, Facebook nói riêng để ngăn chặn các hành vi xuyên tạc, tung tin đồn nhảm gây dư luận trái chiều. 

Điều 122, Bộ Luật Hình sự quy định người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù từ 1 - 7 năm.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới