Nghiện mạng xã hội nguy hiểm như nghiện rượu và ma túy?

Theo tờ Conversation (Australia), khi nói “nghiện” chúng ta thường nghĩ đến rượu và ma túy. Tuy nhiên, gần đây, một loại nghiện mới mang tên nghiện mạng xã hội đã xuất hiện. Loại nghiện này gây hại lâu dài cho cảm xúc,hành vi và các mối quan hệ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày nay, nhiều người thường sử dụng công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội như Facebook, Twitter để thư giãn và tương tác với người khác. Họ rất yêu thích mạng xã hội. Mạng xã hội chẳng khác gì một cuộc sống khác bên ngoài thế giới thực.

Mặc dù mọi người ở mọi lứa tuổi đang dùng mạng xã hội, nhưng tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với những người trẻ, đặc biệt là những người sinh từ năm 1984 đến năm 2005, sẽ lớn hơn đối với người nhiều tuổi hơn.

Nghiện mạng xã hội có thể không gây tổn hại nhiều về thể chất như nghiện thuốc lá, rượu, ma túy nhưng lại gây tổn hại nhiều về tinh thần của người nghiện.

Nghiện mạng xã hội có thể khiến người nghiện thay đổi hành vi. Một khi bị nghiện, càng ngày người nghiện sẽ cần càng nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội để có được cảm giác thoải mái tương tự. Điều đó có nghĩa là việc vào mạng xã hội sẽ trở thành hoạt động chính trong ngày, ngày càng choán nhiều thời gian, các hoạt động khác sẽ bị gạt sang một bên.

Người nghiện cũng bị sao nhãng khi làm những việc khác, cảm thấy khó chịu khi không dùng mạng xã hội hoặc ngay lập tức phải quay lại dùng mạng xã hội sau khi dừng một quãng thời gian.

Bên cạnh đó, việc nghiện mạng xã hội cũng ảnh hưởng cả đến giấc ngủ, cả các hoạt động trong đời sống thực như tương tác, giao tiếp xã hội. Mạng xã hội còn bị cho là một phần nguyên nhân khiến người dùng có cảm giác cô đơn, buồn chán.

Theo The Conversation, những người trẻ nghiện mạng xã hội thường khó chịu hay không chịu nổi khi không được vào mạng xã hội thường xuyên hay không được đăng tải một thông điệp nào đó. Hơn nữa, họ dễ dàng đưa ra những quyết định rủi ro hơn và luôn sẵn sàng cung cấp thông tin trên mạng. Họ thường lầm tưởng rằng, nếu có chuyện gì đó không ổn, họ có thể tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng, thậm chí dù cộng đồng đó gồm rất nhiều người lạ.

Ngoài ra, người nghiện mạng xã hội khó có khả năng tự xây dựng hình ảnh của bản thân. Thay vào đó, họ sẽ dùng một hình ảnh không phù hợp từ người khác. Điều đó được ví như một người bị chi phối bởi chất cồn hay ma túy.

Hiện chưa có phương pháp điều trị nào đối với chứng nghiện mạng xã hội. Theo The Conversation, chúng ta cần phải có định nghĩa rõ ràng hơn về các triệu chứng nghiện mạng xã hội và tiến triển của những triệu chứng đó theo thời gian. Chúng ta cần phải trả lời một số câu hỏi quan trọng như: Nó có tính di truyền không? Xét nghiệm máu có thể phân biệt được nghiện mạng xã hội với những rối loạn tâm thần khác không? Và liệu có thể dùng các loại thuốc hoặc các liệu pháp tâm lý để chữa nghiện mạng xã hội không?.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới