Báo chí có vai trò rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng

Chiều 14/3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo “Báo chí với công tác xây dựng Đảng”. Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực được tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2016.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, nhà báo, TS Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong công tác xây dựng Đảng, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là báo chí tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung, và nói riêng về lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. 

Báo chí phản ánh việc thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng trong cuộc sống; phản ánh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh; phản ánh tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống... Chính vì vậy, Đảng ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII đã xác định báo chí, công luận là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ đảng viên.

Trong thực tiễn hoạt động, các cơ quan báo chí của ta đã luôn coi trọng viết về công tác xây dựng Đảng, từ khâu tổ chức, cán bộ, đến xác định nội dung tuyên truyền, phương pháp thể hiện, theo dõi hiệu quả tác động của báo chí.

Ngoài hệ thống báo Đảng từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí khác cũng đã dành tỉ lệ thích đáng, đầu tư nhân lực và trí tuệ để tuyên truyền về xây dựng Đảng và đã đạt những kết quả nhất định, góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, biến ý Đảng, lòng dân thành hiện thực sinh động. Tuy nhiên, viết về xây dựng Đảng là lĩnh vực khó đối với các nhà báo. Từ khâu xác định nội dung, phát hiện đề tài, khai thác tư liệu, cho đến việc thể hiện tác phẩm về công tác xây dựng Đảng, đều có những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe nhất định. Nếu không có nghiệp vụ tốt, khó có thể viết được những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, thu hút công chúng về đề tài xây dựng Đảng. 

Những thực tiễn sinh động như thế này đều là đè tài của công tác tuyên truyền về xây dựng đảng
Những thực tiễn sinh động như thế này đều là đề tài của công tác tuyên truyền về xây dựng đảng. Ảnh: Hữu Nghĩa

Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu thảo luận các vấn đề về vị trí, vai trò của người làm báo với công tác xây dựng Đảng hiện nay; những đóng góp nổi bật của báo chí cách mạng Việt Nam đối với công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới; những kinh nghiệm, bài học thực tiễn của phóng viên, biên tập viên khi đưa tin, viết bài về công tác xây dựng Đảng; báo chí cần tập trung những vấn đề trọng tâm nào về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, nhất là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; viết như thế nào để vừa đảm bảo đúng định hướng, vừa có sức thuyết phục cũng như hấp dẫn được công chúng...

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Đội ngũ những người tâm huyết dồn sức nghiên cứu, hình thành các bài viết có chất lượng về xây dựng Đảng không nhiều. Chính vì vậy, số lượng, chất lượng bài đấu tranh tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn dừng ở mức khiêm tốn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, muốn có bài đấu tranh tư tưởng sâu sắc, có chất lượng đòi hỏi người viết phải dày công nghiên cứu, có tư duy tổng hợp và chiều sâu, có năng lực làm báo, bút pháp chính trị vững, tích lũy kiến thức thông qua hoạt động thực tiễn và lý luận. Phải hiểu rõ các nội dung công tác xây dựng Đảng và vị trí vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong quá trình đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mặt khác, Ban biên tập cần gợi mở đề tài, cách tiếp cận, chọn đúng chủ đề cần viết, mục tiêu hướng tới cho các tác giả. Văn phong, cách thể hiện trong các bài viết cũng cần được đặt ra sao cho đậm hơn tính đấu tranh, lối viết sắc sảo, thuyết phục, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn, tính báo chí rõ hơn.

Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội XII. Ảnh Hữu Nghĩa
Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội XII. Ảnh: Hữu Nghĩa

Nhà báo Nguyễn Văn Bắc, Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân dân cho rằng: Viết về xây dựng Đảng cần chọn đúng cái bạn đọc quan tâm. Điển hình như tuyên truyền về Đại hội XII của Đảng vừa qua, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là công tác nhân sự. Ngay trong những ngày Đại hội đang diễn ra, một số đại biểu dự Đại hội đã trả lời báo chí về việc Đại hội giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoa XII. Chỉ cần một đại biểu giới thiệu người đó cũng được Đại hội thảo luận, bỏ phiếu kín, ai quá bán mới bổ sung vào danh sách bầu, nhưng theo quy định tổng số dư không vượt quá 30%. Chính vì được thông tin cụ thể, cho nên nhân dân rất tin tưởng vào kết quả Đại hội và Ban Chấp hành khóa mới. Đó là hiệu quả của công tác tuyên truyền, bằng chứng là những bài phỏng vấn ấy được đăng trên các báo điện tử có đông người truy cập nhất.

Từ thực tế hoạt động nghiệp vụ báo chí, Nhà báo, TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ: Tuyên truyền về xây dựng Đảng không dễ, bởi làm sao vừa phải đảm bảo định hướng chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, nhưng lại phải khách quan, trung thực. Trước yêu cầu của tình hình mới, báo chí cần phải không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền về xây dựng Đảng. Trước mắt, nội dung tuyên truyền tập trung vào 6 nhiệm vụ do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra trong đó nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng một số thể loại báo chí nhằm tăng cường định hướng thông tin, dư luận xã hội. Xây dựng và thực hiện các tuyến tin bài theo chuyên đề tuyên truyền sâu về công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, không ngừng đổi mới về hình thức và phương pháp như: giao diện, sử dụng ngôn ngữ, kết cấu tin bài... đảm bảo đẹp về hình thức, bắt mắt, dễ xem, thể hiện rõ nét nhất bản sắc của tờ báo./.

Theo ĐCSVN

Tin mới