Báo chí góp phần quan trọng xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, báo chí là một bộ phận của văn hóa; báo chí sáng tạo, phổ biến và lưu truyền văn hóa, trong văn hóa có báo chí, trong báo chí có văn hóa. Mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VH
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.H
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mức văn hóa ứng xử”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa các con người với tự nhiên, với xã hội. Xuất phát từ thực tiễn và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát huy nhân tố con người trong đời sống xã hội, tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống trí tuệ, năng lực làm việc… Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ; UBND TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng; một số Bộ, ngành cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của ngành như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy tắc ứng xử trong trường học để xây dựng văn hóa trường học lành mạnh; Bộ Y tế ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế…

Qua thời gian triển khai các Quy tắc ứng xử đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt thời gian làm việc, thái độ niềm nở, đoàn kết nội bộ. Văn hóa ứng xử nơi công cộng dần hình thành và được người dân phát huy, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương đạo đức tốt đẹp, sống lương thiện, đề cao trách nhiệm... Tuy nhiên, việc thực hiện quy tắc ứng xử trong văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vẫn còn những vi phạm của cán bộ trong nội bộ hoặc với người dân, gây bức xúc trong dư luận, còn tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tình trạng vô cảm vẫn còn tồn tại…

Để khắc phục các tình trạng nêu trên cần có những giải pháp kịp thời. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường phối hợp thông tin với các cơ quan báo chí. Thực tế chứng minh báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay. Trong đó, báo chí là kênh quan trọng để tuyên truyền, hướng dẫn và định hướng dư luận, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển quốc gia dân tộc. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, phổ biến và lưu truyền văn hóa, trong văn hóa có báo chí, trong báo chí có văn hóa. Mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Báo chí ngoài định hướng dư luận, thay đổi hành vi còn phải phản ánh cái tốt, phê phán cái xấu. Phải làm sao cho báo chí thấm sâu vào quần chúng. Muốn thấm sâu được thì ngoài những lý thuyết về truyền thông hiện đại, báo chí còn phải tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra khuyến nghị văn hóa để thể hiện tốt những thông tin tuyên truyền về văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, các nhà báo cần phải kiên trì, kết hợp chặt chẽ với nhau để có những tác phẩm báo chí, sản phẩm tuyên truyền chất lượng, cổ động giá trị văn hóa ứng xử chuẩn mực.

Hình minh họa.
Hình minh họa.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các báo, đài, các địa phương nên hình thành các chuyên mục, tăng lượng bài viết về hành vi ứng xử văn hóa, nhằm vào những việc làm cụ thể để tăng sức lan tỏa trong xã hội.  Các bài viết cần có sự kết hợp của các nhà văn hóa, nhà khoa học để nghiên cứu, phân tích một cách dễ hiểu, có sức thuyết phục. Đồng thời, vận dụng những phương thức truyền thông mới để những hành vi ứng xử có văn hóa dần dần đi vào đời sống, những hành vi thiếu văn hóa, chưa phù hợp được tránh và loại bỏ. “Nếu làm được như vậy, công cuộc xây dựng nền văn hóa phát triển con người Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt hơn, sự phát triển của đất nước mới bền vững, người Việt Nam mới xứng đáng với tổ tiên đã để lại những di sản văn hóa rất đáng tự hào”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm xác định những đặc điểm của văn hóa con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực đời sống xã hội và xác định vai trò của báo chí trong lan tỏa những thông điệp điển hình để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử; bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò của báo chí về truyền thông chuẩn mực văn hóa ứng xử trong thời gian tới.

Tin mới