Báo chí phải là "người trong cuộc" của công tác thông tin đối ngoại

"Báo chí phải là người trong cuộc, tích cực chủ động cùng các cơ quan liên quan trong công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) để bạn bè quốc tế hiểu hơn và có thiện cảm hơn với đất nước, con người Việt Nam"", Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nói.
Chiều 2/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức họp báo giới thiệu Nghị định 72/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại (TTĐN). Tham dự có đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ... cùng các cơ quan báo chí.
Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: “Từ khi Thủ tướng ban hành Quy chế 79 quản lý Nhà nước về TTĐN (30/11/2010), công tác TTĐN có bước phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực vào thành quả chung của công tác TTĐN nói riêng và công cuộc đổi mới đất nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo. Ảnh: B.M
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo. Ảnh: B.M
Bộ máy các cơ quan hoạt động TTĐN đã bắt đầu được triển khai từ Trung ương đến địa phương, dần được hoàn thiện. Hiện Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN bắt đầu được kiện toàn. Bộ TT&TT đã lập Cục TTĐN nhằm thực thi công tác quản lý Nhà nước về TTĐN. Các địa phương cũng thành lập bộ phận để thúc đẩy nhiệm vụ này. Hiện bộ máy TTĐN ở các địa phương cơ bản đã hoàn tất.
Năm 2010 chỉ có dưới 10% các tỉnh, thành phố có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác TTĐN. Đến tháng 10/2015, 100% tỉnh, thành phố đã có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác TTĐN. Các địa phương, Bộ, ngành đã triển khai và ban hành nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ TTĐN được quy định tại Quy chế.
Từ năm 2012 đến nay, 100% tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch TTĐN hàng năm và bố trí kinh phí thực hiện. Đây là điểm rất mới. Hầu hết Bộ, ngành, địa phương đã tham gia tập huấn, tạo điều kiện, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về TTĐN”.
Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác TTĐN, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ: “Chúng ta đã có các đơn vị báo, đài chủ lực thực hiện công tác TTĐN. Nhiều đơn vị chủ lực thực hiện tốt công tác TTĐN như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân...”.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã công bố một số thông tin cơ bản về mạng lưới TTĐN của Việt Nam hiện tại. Cụ thể, 4 cơ quan báo chí chủ lực đã có 52 văn phòng thường trú ở nước ngoài. Một số cơ quan báo chí lớn có lượng độc giả lớn cũng cử phóng viên ra nước ngoài thường xuyên tác nghiệp, lấy thông tin từ nước ngoài về tuyên truyền trong nước, và tuyên truyền quảng bá thông tin, hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài.
Cùng với đó, còn có gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam đang hoạt động trên các châu lục, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác TTĐN, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế. Tại các sự kiện quốc tế, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện tốt nhiệm vụ TTĐN trên cả hai phương diện: chuyển tải hình ảnh, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đưa thông tin nước ngoài về Việt Nam.
Công tác TTĐN đã đạt nhiều thành tựu song vẫn còn một số hạn chế. Ảnh: B.M
Công tác TTĐN đã đạt nhiều thành tựu song vẫn còn một số hạn chế. Ảnh: B.M
Đánh giá chung sau 5 năm triển khai Quy chế 79, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: “Công tác TTĐN đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu đúng, rõ và đầy đủ hơn về Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện, được bạn bè quốc tế hiểu rõ, tin yêu hơn”.
Bên cạnh những thành tựu vừa nêu, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác TTĐN còn 1 số hạn chế, thiếu sót cần sớm khắc phục.
Cụ thể là hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao; Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương với lực lượng làm công tác TTĐN còn hạn chế; Kinh phí cho công tác TTĐN chưa phù hợp, còn phân tán, nằm ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, nên khi làm công tác TTĐN chưa tập trung được nguồn lực; Các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là cơ quan báo chí chủ lực vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình trong công tác TTĐN. Nhiều địa bàn trên thế giới còn trống TTĐN về Việt Nam.
Nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy công tác TTĐN tiếp tục phát triển, phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra theo Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011 – 2020, Bộ TT&TT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 72 về quản lý hoạt động TTĐN.Cùng với việc khắc phục hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực TTĐN, Nghị định 72 về quản lý hoạt động TTĐN có 1 số điểm mới.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh một số điểm mà các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng cần khai thác mạnh và tuyên truyền rộng rãi.
Một là quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chủ lực triển khai hoạt động TTĐN (Chương III).
Hai là quy định đầy đủ những nguyên tắc hoạt động TTĐN, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong thời gian gần đây (Điều 3).
Ba là đảm bảo kinh phí cho hoạt động TTĐN từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác (Điều 5).
Bốn là quy định các hoạt động TTĐN cơ bản để các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng TTĐN cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay (Chương II). Cần thiết trong nhiệm kỳ tới phải xây dựng chiến lược truyền thông mạnh, ví dụ truyền thông về TTĐN trong chiến lược truyền thông biển, đảo.
Năm là tăng cường cung cấp thông tin giải thích, làm rõ (Điều 10); coi đây là trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam.   
“Với trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TTĐN, Bộ TT&TT đã và đang nỗ lực hết mình nhằm: Thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng,cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực TTĐN; Đôn đốc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh thông tin về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; Tăng cường TTĐN thực hiện chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh mong muốn “các phóng viên, cơ quan báo chí không chỉ nắm vững, tuyên truyền các nội dung quy định của Nghị định 72 về quản lý hoạt động TTĐN mà còn tích cực, chủ động triển khai hoạt động TTĐN, thực hiện tốt phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Qua đó góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới để bạn bè hiểu hơn và có thiện cảm hơn với đất nước, con người Việt Nam”.
Ngày 7/9/2015, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 72 của Chính phủ về quản lý hoạt động TTĐN, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/10/2015. Đây là văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực TTĐN.
Nghị định có 4 Chương, 26 Điều, quy định chi tiết về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc hoạt động TTĐN, quản lý Nhà nước về TTĐN, nội dung TTĐN, cung cấp TTĐN, hoạt động hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông, phóng viên nước ngoài để quảng bá Việt Nam tại nước ngoài, một số thiết chế thực hiện công tác TTĐN ở địa bàn ngoài nước, kinh phí cho hoạt động TTĐN và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về TTĐN.
Theo Infonet

Tin mới