Bảo đảm khả năng trả nợ vốn vay đầu tư công

(Baonghean) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy hoạt động của nền kinh tế nói chung và tình hình tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) nói riêng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định so với năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng phát sinh nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, trong 6 tháng cuối năm Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa ngành được quan tâm hàng đầu.
Hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn 
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, việc nghiên cứu, xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách trọng tâm luôn là một trong những giải pháp có tính căn cơ, làm nền tảng cho hoạt động quản lý tài chính, ngân sách. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng, bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng tốt các đề án, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội (đặc biệt là các đề án trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2015, như: Dự án Luật Phí, lệ phí; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán, Luật Thuế XNK sửa đổi...), góp phần hoàn thiện thể chế quản lý tài chính - NSNN. 
Thi công Dự án đường Tây Nghệ An. 	Ảnh: T.L
Thi công Dự án đường Tây Nghệ An. Ảnh: T.L
Trong điều kiện hiện tại, việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN để hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2015 đã được Quốc hội quyết định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu không chỉ riêng ngành Tài chính mà của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.
Trong bối cảnh thu NSNN vẫn chịu nhiều yếu tố tác động, tình hình SX-KD của doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn, việc điều chỉnh chính sách thu của luật Thuế GTGT, giá dầu giảm mạnh so với dự toán…, ngành vẫn sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu; thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đẩy mạnh xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế; tiếp tục chấn chỉnh công tác hoàn thuế GTGT, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật - Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính sẽ thực hiện tốt việc tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp. Việc giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định sẽ được thực thi song song với quá trình điều hành chi thường xuyên chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách. Việc sử dụng ngân sách dự phòng, dự trữ tiết kiệm sẽ ưu tiên dành nguồn hỗ trợ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh. Chắc chắn là từ giờ đến cuối năm, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi trong cân đối NSNN, các khoản chi được quản lý qua NSNN, các khoản chi từ các quỹ tài chính nhà nước, tích cực thu hồi các khoản vay, tạm ứng; thực hiện minh bạch hóa chi tiêu của NSNN, đẩy mạnh công tác huy động vốn để chủ động, bảo đảm nguồn kịp thời cho các nhiệm vụ chi theo dự toán – Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết. 
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác điều hành NSNN vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, trong đó, công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động SX-KD; buôn lậu, gian lận thương mại để trốn lậu thuế... vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các trung tâm kinh tế. Chi NSNN vẫn còn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả; việc bố trí, sử dụng kinh phí dàn trải, sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức chi vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn, đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn. Trong công tác CCHC, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực (như số giờ nộp thuế sẽ giảm tiếp được khoảng trên 50 giờ, đạt và vượt được mục tiêu, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho DN)  hay cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan đã có nhiều bước chuyển mạnh, nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Đặc biệt, công tác quản lý giá thị trường vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. 
Thi công đường đoạn qua xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp (Dự án Châu Thôn - Tân Xuân).	Ảnh: T.L
Thi công đường đoạn qua xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp (Dự án Châu Thôn - Tân Xuân). Ảnh: T.L
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong điều kiện hiện nay, thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phải theo lộ trình, với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp. Thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận. Điều chỉnh giá học phí, viện phí  trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, minh bạch hóa thông tin, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. 
Trong công tác củng cố và phát triển đồng bộ các loại hình thị trường, ngành Tài chính xác định phải tập trung tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường vốn, TTCK, thị trường bảo hiểm. Phải triển khai đồng bộ các Đề án tái cấu trúc và phát triển TTCK và các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, minh bạch và an toàn, song song với triển khai các sản phẩm mới. Chỉ có như  vậy mới đáp ứng được nhu cầu đầu tư đa dạng của nhà đầu tư, bảo đảm khả năng huy động vốn cho NSNN; nâng cao khả năng huy động vốn qua TTCK.
Riêng đối với thị trường trái phiếu, việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu DN sẽ được quan tâm cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ KBNN. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, sử dụng có hiệu quả tồn quỹ NSNN; thực hiện điều hành lãi suất TPCP linh hoạt, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và mặt bằng lãi suất thị trường; tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, góp phần tích cực cơ cấu lại nợ công.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian tiếp theo, toàn ngành Tài chính sẽ vẫn phải tập trung thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, bảo đảm không vượt mức trần cho phép (65% GDP) là quyết tâm của ngành Tài chính. Bên cạnh đó, ngành sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tập trung phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm thay cho việc chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên như hiện nay, đồng thời mở rộng các hình thức vay trong và ngoài nước để huy động các khoản vốn dài hạn, lãi suất phù hợp với thị trường cho cân đối NSNN và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ. 
Ngoài ra, toàn ngành phải tập trung đẩy mạnh CCHC, hiện đại hóa ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế nhằm rút ngắn số giờ kê khai, nộp thuế cho các DN; đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế, khuyến khích các DN thực hiện việc kê khai thuế qua mạng... góp phần giảm thiểu chi phí và tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho DN, người nộp thuế. Điều quan trọng là tất cả các giải pháp đề ra phải tuân thủ nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, bảo đảm các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán và do luật định; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN đúng chính sách, chế độ quy định. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.
Sông Hồng

Tin mới