Báo động bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Từ cuối tháng 8, sau một thời gian tạm lắng, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lại tiếp tục tái phát trên đàn lợn của nhiều địa phương trong tỉnh.
Nguy cơ tái bùng phát diện rộng
Đứng trong khu chuồng không còn một con lợn nào, bà Nguyễn Thị Hà ở xóm 2, xã Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên) cho hay: Sau đợt trống chuồng do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hồi tháng 9 năm 2019 làm gia đình bà phải tiêu hủy 60 con lợn trọng lượng từ 20 - 70 kg, thấy tình hình đã yên ổn, đầu tháng 8 vừa rồi bà Hà mua 12 con lợn trong xóm, trong đó có 1 con lợn nái sắp sinh, hết 37 triệu đồng.
Nuôi được 1 tháng, ngày 7/9 con lợn đầu tiên bị ốm, bỏ ăn, bà Hà tự đi mua thuốc về tiêm nhưng lợn vẫn bị chết. Sau khi bà Hà báo lên xã, đàn lợn được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy.  
Bà Hà tần ngần trong khu chuồng trại trống trơn. Ảnh: Phú Hương
Bà Hà tần ngần trong khu chuồng trại trống trơn. Ảnh: Phú Hương
Bắt đầu tái bùng phát tại hộ ông Nguyễn Văn Tâm ở xóm 2 với 2 con lợn nái và 5 con lợn thịt, chỉ trong vòng 3 ngày, toàn xã Hưng Nghĩa đã có 58 con lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 2 tấn 112 kg. Sau DTLCP kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 năm ngoái làm 1/2 đàn lợn của xã buộc phải tiêu hủy, hiện xã Hưng Nghĩa có 3.200 con lợn, trong đó chủ yếu nuôi gia trại, trang trại liền kề nhau với 2.500 con, còn lại là ở các hộ gia đình.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa cho biết: Hiện 5 hộ tại xóm 2 và xóm 3 đã có lợn bị dịch, đàn lợn của 2 hộ khác tại xóm 2 đang chờ kết quả. Xã đã phân công các thành viên ban chỉ đạo chống dịch về chỉ đạo chống dịch tại các xóm, vận động người dân trong toàn xã tự mua hóa chất, vôi bột về khử trùng, tiêu độc xung quanh chuồng trại, lối ra, vào. 
“Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch rất khó khăn do các gia trại, trang trại và các hộ gia đình đều liền kề nhau, sử dụng chung một kênh nước nên dịch rất dễ lây lan, lưu lượng người đi lại đông; kinh phí hỗ trợ người dân phòng, chống dịch còn hạn chế, xã chỉ khử trùng, tiêu độc tại các lối đi công cộng, còn lại người dân phải tự lo” - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa cho biết thêm.
Chốt kiểm dịch tại vùng dịch Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên). Ảnh: Phú Hương
Chốt kiểm dịch tại vùng dịch Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên). Ảnh: Phú Hương
Ở Nghi Lộc, thời điểm này, khu chuồng vốn có 1 con lợn mẹ và 4 lợn con của gia đình chị Nguyễn Thị Phúc ở xã Nghi Thuận cũng đã trống trơn do DTLCP.
Năm 2019, đàn lợn của xã Nghi Thuận bị 2 đợt DTLCP, đợt 1 tại 2 hộ chăn nuôi và đợt 2 trên 90 hộ có lợn bị bệnh. “Xã Nghi Thuận hiện có gần 400 con lợn. Trên địa bàn bệnh mới xảy ra tại 1 hộ dân, nhưng do bà con tự xử lý, tự chữa và tự đem đi tiêu hủy, nên hiện bên cạnh kiểm tra việc tiêu hủy đã đảm bảo chưa, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân trong xã mua hóa chất, vôi bột về xử lý môi trường, hạn chế việc mầm bệnh phát tán, lây lan” - bà Nguyễn Thị Sen, cán bộ nông nghiệp xã Nghi Thuận cho hay.
Chủ động khoanh vùng dịch trong diện hẹp
Nghệ An có địa bàn rộng, khí hậu khắc nghiệt quanh năm, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chủ yếu chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Từ gần cuối tháng 8/2020 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra ở 16 hộ chăn nuôi tại các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Nam Đàn, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Quế Phong.
Theo ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thì hiện thời tiết thay đổi chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Công tác khử trùng, tiêu độc không được tiến hành thường xuyên, liên tục để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn đạt thấp làm giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm thịt lợn chưa được kiểm soát chặt chẽ, người dân nóng vội tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở chưa chủ động do thiếu nhân lực cán bộ chuyên môn về thú y tại địa phương cấp xã...
Người dân xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) rắc vôi khử trùng, tiêu độc lối ra, vào. Ảnh: Phú Hương
Người dân xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) rắc vôi khử trùng, tiêu độc lối ra, vào. Ảnh: Phú Hương
Hiện Nghệ An đã có kế hoạch triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật đợt 3 năm 2020. Trong đó, tập trung phun tiêu độc, khử trùng tại các vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, các ổ dịch cũ và ổ dịch mới xuất hiện, thực hiện đồng loạt tại 21 huyện, thành, thị, trong phạm vi cả tỉnh từ ngày 20/9 đến 20/10/2020.
Về lâu dài, tỉnh đang xây dựng, ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025 nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn và phát triển đàn lợn theo hướng bền vững, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Nghệ An. 
Tuy nhiên, trước mắt, khi dịch bệnh đang tái phát và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, các địa phương và người chăn nuôi phải chủ động ngay các biện pháp phòng, chống theo đúng hướng dẫn của ngành Thú y.
Tại những vùng chưa có dịch, phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Sử dụng thức ăn, thuốc thú y có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn, hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp; đồng thời vệ sinh, sát trùng phương tiện, dụng cụ, bao bì chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi. 
Người dân huyện Hưng Nguyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chăn nuôi an toàn. Ảnh: Phú Hương
Người dân huyện Hưng Nguyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chăn nuôi an toàn. Ảnh: Phú Hương

“Bà con chỉ tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh DTLCP hoặc có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tại những địa phương đang bị dịch, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh DTLCP, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; phải kê khai với chính quyền cấp xã trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn. Các cấp chính quyền phải theo dõi chặt chẽ, trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo ngay cho cơ quan chức năng.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Tin mới