Báo động lao động vi phạm pháp luật ở nước ngoài

(Baonghean)- Vượt biên trái phép, cư trú bất hợp pháp, trộm cắp, gây rối, đánh nhau....thực tế đó không những gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lao động Nghệ An ở nước ngoài mà bản thân người lao động cũng chịu không ít thiệt thòi, thậm chí mất cả tính mạng.
Bức thư từ trại giam Quảng Đông ( Trung Quốc)
“Mẹ ơi ở nhà chắc lạnh lắm. Mẹ nhớ mặc áo ấm đầy đủ, mẹ nhé. Con ở trong tù Trung Quốc lúc nào con cũng nhớ  mẹ, nước mắt con lại rơi. Con biết làm cha mẹ buồn rồi, con hối hận lắm, con xin hứa từ nay không làm mẹ phải lo nữa. Con hiểu rồi, từ nay con sẽ làm một người tốt, người con ngoan, chăm chỉ kiếm tiền, không bao giờ làm mẹ buồn nữa, không bao giờ đánh nhau nữa. Ngàn lời con xin lỗi mẹ! Con ở trong này chỉ cầu mong được thả ra thật sớm để con được ở bên mẹ, chăm sóc mẹ cho đến suốt đời. Cháu cầu mong các chú ( công an Trung Quốc- PV) thả cháu về thật sớm để ăn tết cùng với mẹ cháu. Cháu biết lỗi rồi, từ nay cháu không dám vi phạm nữa. Cháu lo cho mẹ cháu lắm, mẹ cháu ở nhà không biết tin tức gì cả...”.
Đây là nội dung bức thư  anh Nguyễn Văn L sinh năm 1995 gửi cho mẹ là bà Nguyễn Thị M ở xóm 2 Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu từ trại giam ở QUảng Đông ( Trung Quốc). Linh bị công an Quảng Đông  bắt giam cùng với bạn là Nguyễn Văn K, sinh năm 1992 trú tại xóm 4 xã Nam Lộc ( Nam Đàn) về tội đánh nhau, gây rối trật tự an ninh.  Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã gửi thư của L về cho Sở Ngoại Vụ Nghệ An và yêu cầu chuyển tới tận tay thân nhân.  
Đăng ký XKLĐ tại trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh
Đăng ký XKLĐ tại trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh
Tháng 08/2015, Sở Ngoại Vụ Nghệ An nhận được đơn xin giúp đỡ của bà Nguyễn Thị M ( mẹ L) đề nghị được giúp đỡ có thể thăm con trai hiện đang ở trong trại giam Trung Quốc chờ xét xử. Xét đây là nguyện vọng chính đáng, mới đây, Sở ngoại vụ đã có công văn đề nghị Cục lãnh sự ( Bộ ngoại giao) giúp liên hệ với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu ( Trung Quốc) và Tòa án nhân dân thành phố Đông Quản, Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) tạo điều kiện cho gia đình được sang thăm bị cáo Nguyễn Văn L trong thời gian sớm nhất. Không biết nguyện vọng sang gặp con của bố mẹ L có được đáp ứng không nhưng chắc chắn họ sẽ phải mất một khoản kinh phí không nhỏ cho việc đi lại, thăm nuôi và sống trong nỗi  khắc khoải về số phận của đứa con đang bị giam giữ nơi đất khách, quê người....
Thực tế, hiện nay, những trường hợp lao động vi phạm pháp luật nước sở tại bị bắt giam như L và K không phải là hiếm. Trong đó chủ yếu rơi vào những trường hợp vượt biên trái phép, lao động chui điển hình như tháng 7 năm 2015, Sở Ngoại vụ nhận được công văn  yêu cầu xác minh nhân thân 2 trường hợp công dân Hà Minh Ph và Đặng Quốc Đ cùng trú tại xã Nam Kim, Nam Đàn vượt biên trái phép bị công an Trung Quốc bắt giữ, xét xử. Tiếp đó tháng 12 năm 2015, công an tỉnh Vân Nam ( Trung Quốc) yêu cầu xác minh trường hợp công dân Việt Nam Vi Thị H, dân tộc Thái, trú tại bản xá Lượng ( huyện Tương Dương) bị bắt tại Vân Nam  về tội vượt biên trái phép và hoạt động mại dâm. Từ đầu năm 2016 đến nay cũng đã có 3 vụ việc được thông báo về , trong đó có trường hợp của anh Vũ Duy Th, sinh năm 1990 trú tại thôn 8 xã Diễn Thái ( Diễn Châu) bị bắt ở huyện Hà Khẩu ( tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)  ngày 4/2/2016 về tội buôn bán động vật quý hiếm....
Chỉ tính riêng trong năm 2015, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Cục lãnh sự ( Bộ Ngoại giao) hướng dẫn, giúp dỡ cho các gia đình công dân và xử lý 17 vụ việc/19 đối tượng bị bắt giữ tại nước ngoài, bị trục xuất do nhập cảnh trái phép hoặc trả về nước khi mãn hạn tù và gặp tai nạn rủi tại các nước, tăng 07 vụ việc/12 đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó trong bảo hộ công dân
Anh Giang Công Huy, Trưởng phòng Lãnh sự biên giới (Sở Ngoại vụ) cho hay:   Việc lao động vi phạm pháp luật tại nước sở tại không chỉ gây thiệt hại cho chính bản thân người lao động mà còn còn gây nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân, nhất là lao động chui khi xảy ra sự cố.
Chẳng hạn  những trường hợp người lao động bất hợp pháp, lao động chui không may bị tai nạn lao động, ốm đau, bệnh tật hay bị xâm phạm, quỵt lương, nợ lương… vì không có hợp đồng lao động hợp pháp nên sẽ không được đảm bảo các chế độ bảo hiểm, chính sách, quyền lợi liên quan. Đối với trường hợp bị giết hại, bị bệnh qua đời, việc xác minh nhân thân, can thiệp để đưa thi thể về quê cũng gặp rất nhiều khó khăn. 
Những lao động nữ ở Nghi Thiết ( Nghi Lộc) trở về nhà sau thời gian lao động tự do ở Thái Lan
Những lao động nữ ở Nghi Thiết ( Nghi Lộc) trở về nhà sau thời gian lao động tự do ở Thái Lan
Như câu chuyện đau lòng của chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1995, trú tại thôn 10 xã Hội Sơn ( Anh Sơn). Do hoàn cảnh khó khăn ( ly thân chồng ,có một con trai 18 tháng tuổi, không có nghề nghiệp ổn định)  đầu năm 2016 chị Hương gửi con lại cho mẹ đẻ  để đi lao động chui ở Trung Quốc. Đến ngày 24/ 2/2016 gia đình nhận được tin chị Hương bị chết tại Trung Quốc. Theo thông báo từ cơ quan chức năng, chị Nguyễn Thị Hương vượt biên sang Trung Quốc vào ngày 26/1/2016. Đến ngày 31/01/2016, công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) phát hiện chị Hương bị dao đâm vào bụng tại thị trấn Am Phụ, Khu Kiều Đông, thành phố Triều Châu (tỉnh Quảng Đông). Công an địa phương đã đưa chị Hương đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng chị đã qua đời vào ngày 2/2/2016. Sau khi nhận được hung tin gia đình chị Hương đã nhờ các ngành chức năng  hướng dẫn các thủ tục thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để đưa thi thể chị Hương về nước. Đến  ngày 21/3, gia đình đã đưa được di cốt của chị Hương về quê để an táng, kinh phí lên đến 120 triệu đồng.
Cái chết thương tâm của chị Hương một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về  việc  tự do xuất ngoại  bằng con đường lao động chui nhằm tìm kiếm cơ hội đổi đời.
3 thanh niên từng có thời gian lao động chui ở Trung Quốc ở bản Xốp Chạng ( Yên Hòa, Tương Dương) kể về những tháng ngày làm thuê nơi đất khách, quê người
3 thanh niên từng có thời gian lao động chui ở Trung Quốc ở bản Xốp Chạng ( Yên Hòa, Tương Dương) kể về những tháng ngày sống chui lủi nơi đất khách, quê người
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng ngoài vi phạm pháp luật như  đánh bạc, gây gổ, đánh nhau,  trộm cắp, cư trú bất hợp pháp, hoạt động mại dâm... thì ý thức kỷ luật lao động  kém cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tại nước ngoài quay lưng với lao động người Nghệ An, Hà Tĩnh. Điều này dẫn tới không chỉ bản thân lao động bị thiệt thòi về quyền lợi  mà còn ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu lao động cũng như hình ảnh, uy tín của tỉnh nhà.
Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực XKLĐ. Tăng cường cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước phục vụ công tác bảo hộ công dân kịp thời…. Chính bản thân người lao động cần có ý thức tuân thủ các chủ trương, chính sách XKLĐ của nhà nước nói chung, của tỉnh Nghệ An nói riêng; tôn trọng pháp luật nước sở tại trong quá trình nhập cảnh,cư trú và làm việc.
 Sở ngoại vụ khuyến cáo các gia đình có người thân làm việc ở nước ngoài khi xảy ra sự cố cần liên hệ  trực tiếp với phòng Lãnh sự biên giới ( Sở Ngoại vụ) để được kết nối với các tổ chức liên quan, hướng dẫn các thủ tục giải quyết, tránh trường hợp bị các đối tượng “ cò mồi”, “ trung gian” lợi dụng trục lợi.
                                                                                    Gia Huy

Tin mới