Báo động ở tình trạng trẻ hóa tội phạm ở Kỳ Sơn

(Baonghean) - Nhiều em đang còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc đã bỏ học lại cầm đầu băng nhóm chuyên trộm cắp tài sản trong các phòng trọ, nhà dân. Tình trạng này đang có sự gia tăng cả về số vụ, số đối tượng cũng như mức độ nguy hiểm.

“Trẻ hóa” tội phạm

Công an huyện Kỳ Sơn hiện đang tạm giam Mùa Thắng Lợi (SN 2000) và Mùa Bá Chày (SN 2001), cùng trú xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn để điều tra làm rõ hành vi trộm cắp tài sản. Lợi và Chày mặc dù còn ít tuổi nhưng là nỗi khiếp đảm của nhiều người dân ở thị trấn Mường Xén khi đã ra tay thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp tài sản. Nhắc đến 2 đối tượng này, Trung tá Lô Văn Thao – Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Như đối tượng Lợi thì có hành vi trộm cắp từ năm 2016, trong đó có những vụ Lợi là người cầm đầu. Nhưng thời điểm đó, Lợi còn đang còn ít tuổi nên chưa thể xử lý hình sự mà giao cho gia đình giáo dục. Sau đó, Lợi tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và mới đây đã bị tạm giữ. Còn đối với Mùa Bá Chày thì hành vi trộm cắp còn liều lĩnh, manh động hơn. Chày cũng đã từng cùng một số bạn bè đột nhập và trộm 10,8 triệu đồng của một hộ dân ở bản Phù Quặc 1, xã Na Ngoi nhưng sau đó được tại ngoại vì chưa đủ tuổi thành niên”.
Ba em học sinh Tạ Bá Sềnh, Lầu Bá Tu, Và Bá Chểnh và Mùa Bá Chài tại cơ quan công an
Các học sinh Tạ Bá Sềnh, Lầu Bá Tu, Và Bá Chểnh và Mùa Bá Chài tại cơ quan công an. Ảnh: P.B
Tìm hiểu được biết, Mùa Bá Chày bỏ học từ năm lớp 10 sau khi nhập học được vài tháng. Những tháng ngày lêu lổng không có sự quản lý của bố mẹ, nhà trường, Chày ngập sâu vào game, rượu chè. Để có tiền ăn chơi, Chày lẻn vào nhà dân, phòng trọ học sinh, trường học trộm bất cứ thứ gì có thể bán để lấy tiền. Ngày 9/9/2018, Chày lợi dụng đêm tối phá cửa đột nhập vào điểm Trường Mầm non bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, trộm nhiều đồ dùng học tập có giá trị. Sau đó 1 ngày, Chày tiếp tục đột nhập nhà ông Mùa Bá Giờ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ và một xóm trọ học sinh ở khối 3, thị trấn Mường Xén lấy trộm 2 chiếc điện thoại Samsung. Đến ngày 16/9, lợi dụng buổi trưa vắng người, Chày lại tiếp tục lẻn vào nhà hàng Tịnh Phương tại khối 2, thị trấn Mường Xén trộm 10 kg thịt bò giàng, 3 kg cá mát. Tổng giá trị tài sản Chày trộm là gần 16 triệu đồng.
Em Mùa Bá Chày đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: P.B
Em Mùa Bá Chày đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: P.B
 Lợi và Chày không phải là 2 trường hợp cá biệt có “thành tích” bất hảo từ khi còn ít tuổi trên địa bàn huyện. Theo lãnh đạo Công an huyện Kỳ Sơn, tình trạng thanh, thiếu niên, có cả những đối tượng đang ở độ tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số người phạm tội cũng như mức độ nguy hiểm. “Nhiều đối tượng vi phạm pháp luật khi đang học cấp 3, có em mới chỉ hơn 14 tuổi. Nhiều trường hợp sau khi bị phát hiện có hành vi trộm cắp tài sản đã bị nhà trường đuổi học hoặc tự nghỉ học”, Trung tá Thao cho biết và cho biết thêm, có 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật mà các đối tượng này hay “dính” đó là trộm cắp tài sản và sử dụng ma túy, trong đó trộm cắp tài sản chiếm phần lớn. Các đối tượng này thường có thời gian sinh sống ở thị trấn Mường Xén nên thông thạo địa hình, lợi dụng sự sơ hở của nạn nhân là ra tay trộm cắp tài sản. 
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn đã phát hiện 9 vụ, 14 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội, trong đó đã khởi tố, truy tố, xét xử 7 vụ với 12 bị cáo; tăng 3 vụ với 4 bị cáo so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý những thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này ngày càng tinh vi và nguy hiểm chứ không đơn thuần chỉ là sự bột phát hay thiếu suy nghĩ của những người chưa đủ tuổi trưởng thành, thậm chí trong số đó có những người đã bị xét xử 2- 3 lần. Như trong 2 ngày (14, 15/11), TAND huyện Kỳ Sơn đã phải mở 3 phiên tòa xét xử 3 vụ/ 4 bị cáo (dưới 18 tuổi) về tội “Trộm cắp tài sản”. Các bản án cũng đã được tuyên nhưng đằng sau đó là sự băn khoăn, day dứt về những bị cáo khi tuổi đời còn quá trẻ đã phải đứng trước vành móng ngựa. Một số tội phạm ở tuổi vị thành niên còn ngỡ ngàng đối với hình phạt dành cho mình, vì không hề nghĩ đến chuyện khi mình phạm tội với hành vi đó sẽ phải lãnh bản án như thế.

Khó quản lý


Tại huyện Kỳ Sơn, mỗi năm có khoảng 1.200 em học sinh tốt nghiệp bậc THCS nhưng chỉ có hơn 550 em tiếp tục theo học bậc THPT, 100 em đi học nghề. Số còn lại, có em đi lao động ở các địa phương khác, lập gia đình, ở nhà phụ giúp bố mẹ, nhưng cũng có rất nhiều em sống tự do, nghĩa là không có ai quản lý. Nhiều em ăn chơi lêu lổng, không có tiền nên bắt đầu đi trộm tài sản rồi bán lấy tiền tiêu xài. Thầy Lê Văn Các – Hiệu trưởng Trường TPHT Kỳ Sơn cho rằng, những em không đi học nhưng cũng không đi làm này chính là “nguồn cơn” gây ra tình trạng một số em học sinh vi phạm pháp luật khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. 
Các em học sinh ngoài giờ học thì thường lên mạng chơi game
Nhiều học sinh ngoài giờ học thì thường lên mạng chơi game. Ảnh: P.B
Hiện Trường THPT Kỳ Sơn có hơn 1.400 em học sinh thì có khoảng 1.000 em phải thuê nhà trọ bên ngoài tại thị trấn Mường Xén và các vùng lân cận để ở. Do các chủ nhà trọ thiếu quan tâm, xa gia đình, nhà trường cũng không thể quản lý hết nên nhiều em đã bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo tham gia vào các cuộc chơi thâu đêm, sau đó cùng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiều phòng trọ là nơi lý tưởng cho các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài ản
Nhiều phòng trọ là nơi lý tưởng cho các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
 Vì thế mà năm nào, trường cũng có học sinh “sinh chuyện”, buộc phải xử lý. Hơn nữa, do các em ở trọ nên nhiều em còn bị mất cắp tài sản có giá trị như xe máy, điện thoại di động.Như mới đây, tại một dãy nhà trọ ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, kẻ trộm đã lẻn vào trộm 2 chiếc điện thoại của em Lữ Thị Phương, học sinh lớp 11A và em Cốc Văn Thay, học sinh lớp 11E, Trường THPT Kỳ Sơn.
 
Em Lữ Thị Phương, học sinh lớp 11A , Trưởng THPT Kỳ Sơn vừa bị mất chiếc điện thoại di động
Em Lữ Thị Phương, học sinh lớp 11A , Trường THPT Kỳ Sơn vừa bị mất chiếc điện thoại di động. Ảnh: T.H
 Dẫn chứng cho vấn đề trên chính là trường hợp của 3 em học sinh Tạ Bá Sềnh, Lầu Bá Tu, Và Bá Chểnh (học sinh của Trường THPT Kỳ Sơn). Sáng 27/11, anh Vương Ánh Ngọc (trú tại thị trấn Mường Xén) trình báo đến công an rằng, bị mất một chiếc điện thoại trị giá 7 triệu đồng trong lúc đang ngủ. Khi cơ quan công an vào điều tra thì xác định, 3 em học sinh trên đã bị Mùa Bá Chày (đã nghỉ học) lôi kéo đi trộm điện thoại của anh Ngọc để bán lấy tiền chơi game. Băng trộm này khai nhận ngoài vụ trộm nói trên thì trước đó đã gây ra 3 vụ khác, lấy nhiều tài sản tổng trị giá gần 10 triệu đồng của người dân ở thị trấn Mường Xén. Các tài sản trộm được gồm điện thoại, dây chuyền bạc… Sau khi bán được, cả nhóm chia nhau tiền và “nướng” hết vào game. Khi hết tiền, chúng lại tiếp tục đi trộm.
Nhiều gia đình sắm sửa xe máy, điện thoại cho các em học sinh khi đi học
Nhiều gia đình sắm sửa xe máy, điện thoại cho các em học sinh khi đi học. Ảnh: P.B
 Theo Công an huyện Kỳ Sơn, những em có hành vi vi phạm pháp luật thì đa phần là nghiện game nặng, thường xuyên ăn chơi lêu lổng. Những em này sống xa bố mẹ nên hầu như không có ai quản lý giờ giấc nên nhiều em sa đà vào game. Có những em, mặc dù bị công an bắt vì hành vi trộm cắp nhưng bố mẹ vẫn bênh và cho rằng, con mình ngoan ngoãn. Cũng có những trường hợp, gia đình quá nuông chiều các em khi sắm xe máy, điện thoại tốt để các em sử dụng. Ngoài giờ học ở trường thì thời gian còn lại các em chủ yếu lên mạng, từ đó nhiều thói hư, tật xấu đã ảnh hưởng đến nhận thức.
Về lâu dài, các em sẽ không chịu khó học tập mà dễ dàng sa ngã khi có sự lôi kéo, rủ rê. Bên cạnh đó là những tác động của kinh tế thị trường, sự xuống cấp về mặt đạo đức cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, để ngăn ngừa tội phạm vị thành niên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên nhằm trang bị những kiến thức về kỹ năng sống cho các em, giúp các em có sức đề kháng trước những tệ nạn xã hội.

Tin mới