Báo động tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Tây Nghệ An

(Baonghean) - Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và mất cân bằng giới tính đang là lực cản sự phát triển và chất lượng dân số của huyện Con Cuông. Vì vậy huyện này đã xây dựng Đề án “Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 - 2022”.

“Lời ru buồn” ở bản

19 tuổi, nhưng Lê Thị Thảo ở bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) đã làm mẹ được 3 năm. Đáng buồn là con trai của Thảo đã bước vào tuổi mẫu giáo nhưng vẫn chưa thể nói được. Nhìn con, Thảo nhiều lần nuốt nước mắt vào trong nhưng bởi đường sá xa xôi cách trở, gia cảnh lại nghèo nàn, túng bấn nên lần lữa bao nhiêu lần nhưng cậu bé vẫn chưa một lần được thăm khám.

Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Púng, chị Lê Thị Lập cho biết: “Việc con trai của Thảo không nói được không phải là “ngẫu nhiên” mà khả năng cao do di chứng của việc hôn nhân cận huyết thống.

Thảo không phải là trường hợp duy nhất trong bản Búng, khi “chú và cháu” trong một gia đình lấy nhau mà còn rất nhiều trường hợp khác. Chị Lập chia sẻ thêm: “Chúng tôi cũng đã được tập huấn và về tuyên truyền với người dân, thế nhưng rất khó chuyển biến. Thậm chí có người bảo “bố mẹ ngày trước thế nào thì nay con cái  cứ thế...”.

Người dân huyện Con Cuông nghe và tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà
Người dân huyện Con Cuông nghe và tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Bản Búng và bản Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) là nơi sinh sống của tộc người Đan Lai. Đây cũng là hai bản sống tách biệt với người dân trong vùng do điều kiện địa lý chia cắt và do tập tục từ hàng trăm năm trước để lại. Hiện, bản chỉ có hai họ duy nhất là họ Lê và họ La, nên việc người trong cùng một bản và anh em trong cùng một họ lấy nhau cũng được xem là chuyện phổ biến.

Ông Lương Viết Tùng -  Chủ tịch UBND xã Môn Sơn nói thêm: “Từ năm 2011 đến nay, toàn xã có đến gần 90 trường hợp tảo hôn và chủ yếu là con em đồng bào người Đan Lai. Nhiều học sinh, mới học xong THCS đã bỏ học lấy chồng và không đăng ký kết hôn”.

Làm việc với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Con Cuông, được biết: Hiện nay, tình trạng tảo hôn trên địa bàn diễn ra ngày một nhiều hơn và có cả con em của những gia đình khá giả, thuận lợi. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2008 - 2010, số cặp vợ chồng tảo hôn trên toàn huyện là 11 cặp thì sang giai đoạn 2011 - 2015 là 61 cặp.

Con số trên được rút ngắn hơn khi chỉ trong năm 2016 có 41 cặp tảo hôn và 6 tháng đầu năm 2017 là 28 cặp. Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn tảo hôn do trình độ dân trí còn hạn hẹp, thiếu thông tin tuyên truyền, hạn chế về nhận thức và hiểu biết, thiếu sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Cuộc sống của người dân Đan Lai (Con Cuông). Ảnh: Mỹ Hà
Cuộc sống của người dân Đan Lai (Con Cuông). Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì tỷ lệ mất cân bằng giới tính cũng đang có xu hướng gia tăng ngày càng cao. Thống kê, 7 năm trước tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 118 nam/100 nữ thì 6 tháng đầu năm 2017 là 119 nam/100 nữ. Với thực trạng về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cùng với việc chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, dự ước mỗi năm trên địa bàn huyện Con Cuông số trẻ em là nam sinh ra nhiều hơn trẻ em nữ vượt mức cho phép 55 bé trai/ năm.

Thực trạng này nếu không kịp thời khống chế, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến năm 2037 sẽ có một con số đáng kể nam thanh niên khó lấy được vợ trên địa bàn.

Cần giải pháp thiết thực

Theo ông, Nguyễn Văn Đường - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Con Cuông: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực.

Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên còn là một trong những nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản.

Đặc biệt những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia. Nếu kéo dài tình trạng kết hôn sớm sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Đói nghèo - thất học - tảo hôn, kết hôn cận huyết. Thực tế cho thấy, các địa phương có tỷ lệ nghèo đói cao, đồng thời tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng gia tăng…

Bà con dân tộc thiểu số huyện Con Cuông tìm hiểu chính sách dân số qua tờ rơi. Ảnh: Mỹ Hà
Bà con dân tộc thiểu số huyện Con Cuông tìm hiểu chính sách dân số qua tờ rơi. Ảnh: Mỹ Hà

Xác định được những hệ lụy lâu dài của vấn đề này nên những năm qua, huyện Con Cuông đã xây dựng kế hoạch và thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và mất cân bằng giới tính vào các hoạt động. Tuy nhiên, để có một giải pháp căn cơ, thiết thực và hiệu quả thì cần một chiến lược lâu dài.

Đây cũng là lý do chính khi năm 2017 này, UBND huyện Con Cuông giao cho Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện tham mưu và xây dựng đề án “Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 – 2022”, hướng tới mục tiêu từng bước khống chế mức độ gia tăng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Qua đó, tăng cường cung cấp thông tin về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thông tin về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng là học sinh THCS và THPT nhằm thay đổi tư tưởng lạc hậu, cổ hủ trong nhân dân.

Để triển khai đề án này, huyện Con Cuông sẽ tập trung xây dựng các mô hình câu lạc bộ “Gia đình nông dân phát triển bền vững với công tác bình đẳng giới, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết” với nòng cốt chính là hội viên hội nông dân; xây dựng các câu lạc bộ “Gia đình nông dân phát triển bền vững với công tác bình đẳng giới, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết” nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ hội viên trên toàn huyện về công tác tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chính sách dân số/KHHGĐ lồng ghép với các chuyên đề kinh tế, xã hội... 

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thông qua việc tổ chức hội thảo chuyên đề tuyên truyền cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng; tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giới và giới tính khi sinh cho các đối tượng phụ nữ mang thai, sản phụ, học sinh, tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn.

Người dân Đan Lai - xã Môn Sơn ký cam kết thực hiện chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà
Người dân Đan Lai - xã Môn Sơn ký cam kết thực hiện chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Thông qua đề án này, huyện cũng sẽ xây dựng kế hoạch để rà soát các quy định, chính sách của địa phương liên quan đến giới và giới tính khi sinh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định của pháp luật, đề xuất xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Sau khi đề án triển khai tại một số mô hình điểm, dự kiến đến năm 2020, sẽ nhân rộng ra tất cả các thôn xóm. Để từ đó, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy, hành động để phát triển dân số một cách bền vững.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới