Báo động tình trạng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

(Baonghean) - Tình trạng làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức đang ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, quyền lợi, đời sống của người dân. Việc làm giả con dấu, tài liệu ngày càng tinh vi, bằng mắt thường rất khó để phát hiện ra.
Làm giả từ A-Z Thời gian qua, các cơ quan chức năng Nghệ An phát hiện và bắt giữ nhiều đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Mặc dù hành vi phạm tội trên đã được xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhưng việc làm giả con dấu, tài liệu vẫn đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận. Qua các vụ mà cơ quan chức năng bắt giữ, có thể thấy việc làm giả tài liệu là rất đa dạng, phong phú, từ văn bằng, chứng chỉ, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, đến giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 
Bằng tốt nghiệp giả và một Giấy chứng nhận QSD giả được dùng để lừa đảo. Ảnh: Nguyên Hưng
Bằng tốt nghiệp giả và một Giấy chứng nhận QSD giả được dùng để lừa đảo. Ảnh: PX15 
Thậm chí, các đối tượng còn làm giả hợp đồng tuyển dụng người lao động, thẻ thương binh, lý lịch quân nhân, quyết định phục viên xuất ngũ, kết quả giám định thương tật để phục vụ cho hành vi lừa đảo xin việc làm, chạy chế độ thương, bệnh binh. 
Như trường hợp Nguyễn Thị Hương (SN 1954, trú khối Tân Hòa, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh), đối tượng này cùng con trai Trần Đăng Khương (SN 1983) đã làm giả 283 con dấu giả của hàng trăm trường ĐH, CĐ trên cả nước để hợp thức hóa cho việc làm giả các văn bằng, chứng chỉ. Các giấy tờ giả này sau đó được bán cho những người đang có nguyện vọng đi XKLĐ, xin việc. Lỳ lợm hơn, Hương còn làm giả con dấu của Cơ quan ANĐT Công an Nghệ An, TAND tỉnh, Cơ quan CSĐT, Công an TP. Vinh, Công an huyện Nghi Lộc và các sở, ban, ngành hòng phục vụ cho những mục đích vi phạm pháp luật của mình.

Theo cơ quan chức năng, Nguyễn Thị Hương được đánh giá là “bà trùm” trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức trên địa bàn Nghệ An trong nhiều năm qua. Hương bắt đầu làm giả con dấu, tài liệu từ những năm 2005 và đến 2006, đường dây  này bị triệt phá, thị bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 15 tháng tù treo. Đường dây làm giả con dấu, tài liệu do Hương cầm đầu tiếp tục bị triệt phá và sau đó, Hương bị tuyên án 18 tháng tù treo, thời gian thử thách 24 tháng.
Mặc dù vậy, do lợi nhuận từ việc làm giả con dấu, tài liệu quá cao nên Hương vẫn “ngựa quen đường cũ”. Hương cùng con trai mở “xưởng” trong nhà con gái của thị ở huyện Nghi Lộc để làm giả con dấu của hàng trăm trường ĐH, CĐ, cơ quan, tổ chức rồi đóng trên các văn bằng, chứng chỉ giả để cung cấp cho những người có nhu cầu. Với mỗi chứng chỉ, Hương bán 300 ngàn đồng, bằng cao đẳng 600 ngàn đồng, bằng đại học 800 ngàn đồng. Nếu khách có nhu cầu, trong vòng một ngày mẹ con Hương có thể làm ra hàng chục chứng chỉ, văn bằng giả.
Nhiều con dấu giả của các cơ quan, tổ chức do Nguyễn Thị Hương làm giả. 	Ảnh: Nguyên Hưng
Nhiều con dấu giả của các cơ quan, tổ chức do Nguyễn Thị Hương làm giả. Ảnh: PX15
 
Bà trùm làm giả con dấu, tài liệu Nguyễn Thị Hương.   Ảnh:  PX15
Bà trùm làm giả con dấu, tài liệu Nguyễn Thị Hương. Ảnh: PX15
Mới đây, cơ quan chức năng cũng bắt giữ Trần Anh Tài (SN 1979) vợ là Nguyễn Thị Hải Anh (SN 1982), trú tại số 18, ngõ 2, đường Bạch Liêu, phường Trường Thi (TP. Vinh) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu. Tại nhà của vợ chồng Tài, tang vật cơ quan chức năng thu giữ bao gồm hàng chục bằng tốt nghiệp loại THPT, bằng cử nhân, bằng lái xe máy, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, học bạ... và nhiều giấy tờ tùy thân khác... 
Thủ đoạn tinh vi Theo cơ quan chức năng, qua công tác giám định cho thấy phương thức, thủ đoạn sản xuất con dấu, tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức ngày càng tinh vi. Từ đăng ký xe máy, ôtô, CMND đến bằng đại học, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền đều bị làm giả như thật. Nếu như trước kia, nhiều loại giấy tờ giả được “sản xuất” bằng in lưới thủ công, thì ngày nay được “chế” trên máy tính với các phần mềm hiện đại. Có giấy tờ giả được “chế” từ phôi thật, sau đó tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung. Độ tinh vi của giấy tờ giả đến mức bằng mắt thường không thể phát hiện đó là giả và ngay cả những người vốn giao dịch thường xuyên với các loại giấy tờ đó cũng bị mắc lừa. 

Đối với con dấu, nếu như trước đây, các hình dấu được tội phạm làm giấy tờ giả sản xuất bằng phương thức copy scan từ hình dấu thật rồi in màu kỹ thuật số. Chữ ký giả cũng được tạo bằng phương pháp in màu kỹ thuật số hoặc tập ký chữ ký giả. Việc làm giả trên dễ bị phát hiện bằng mắt thường do không tạo được vết hằn chữ ký trên bản in và mực không đồng màu như đóng dấu. Để đối phó, toàn bộ hình dấu và chữ ký được các đối tượng tạo ra từ hình dấu giả qua phương pháp khắc dấu lazer. Các hình dấu làm bằng phương pháp này khi sử dụng đóng dấu trực tiếp trên văn bản rất sắc nét, khó phân biệt bằng mắt thường do mực in đều, đồng màu. Phông chữ và kích cỡ trên con dấu được chỉnh sửa bằng phần mềm vẽ kỹ thuật số trên máy vi tính cho độ chính xác cao, giống với con dấu thật khiến cho việc phát hiện ngày càng khó khăn hơn.
Trên thực tế, việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả gây thiệt hại rất lớn, thậm chí, có trường hợp gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, nhất là đối với các giao dịch mua bán nhà, đất, thế chấp vay vốn tín dụng. Con dấu, giấy tờ giả không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người dân. Nhiều người dân đã mất tiền oan vì tin vào những giấy đăng ký xe giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng tuyển dụng lao động. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Nhiên (xã Diễn Xuân, Diễn Châu), bà đã bị lừa hơn 800 triệu đồng vì tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đối tượng Ngô Thị Xuân (trú cùng xã) cầm cố để vay mượn là thật. Tuy nhiên, khi đưa giấy đi kiểm chứng thì mới phát hiện tờ giấy này là giả. 
Hiện chế tài xử phạt đối với những đối tượng có hành vi làm giả con dấu, tài liệu theo Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 mặc dù đã tăng nhưng sức răn đe chưa cao. Nhiều trường hợp chỉ bị xử phạt tiền và phạt cải tạo không giam giữ. Vì thế, trước lợi nhuận từ việc làm giả con dấu, tài liệu mang lại nên các đối tượng này vẫn không từ bỏ.
Hiện nay, việc quản lý các loại phôi giấy tờ, bằng cấp ở một số nơi còn khá lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật, trục lợi. Chỉ cần lên mạng Internet là có thể tải các phôi giấy tờ, bằng cấp của nhiều tổ chức.
Để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, quản lý thì người dân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả, tránh tiếp tay cho tội phạm hoạt động.
Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực, thủ tục không cần thiết, nên hạn chế buộc người dân, cán bộ, công chức phải nộp giấy tờ. Điều này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, vừa thu hẹp “đất sống” đối với những đối tượng chuyên làm giả giấy tờ, tài liệu để trục lợi. 

Tin mới