Báo động trẻ đuối nước ngày hè

(Baonghean.vn) - Những con số thống kê về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong thời gian qua đã dấy lên hồi chuông về nhu cầu bức thiết của những biện pháp phòng tránh đuối nước hiệu quả.
Nỗi đau đuối nước đã và đang kéo dài tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Nỗi đau đuối nước đã và đang kéo dài tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Những vụ việc đau lòng

Ngày 24/5, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với thị xã Thái Hòa tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước năm 2019. Trong buổi lễ, đại diện 11 huyện miền núi, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa đã ký cam kết toàn dân luyện bơi, phòng, chống đuối nước.

Ngày 26/5, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với UBND huyện Yên Thành tổ chức Lễ phát động. Tại buổi lễ này, 10 huyện, thành, thị đồng bằng gồm: Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh cũng đã cam kết.

Ở 2 buổi lễ này, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao đã công bố những thông tin đau lòng: Tại Nghệ An, năm 2017 có 24 học sinh bị đuối nước, năm 2018 có 20 em và chỉ 5 tháng đầu năm 2019 đã có 29 em... Sau 2 buổi lễ, không một ai có thể nghĩ rằng những con số đau lòng này lại tiếp tục kéo dài. Tình trạng học sinh, trẻ đuối nước tiếp diễn và tăng mạnh.
Các HLV, VĐV hướng dẫn cách sơ cấp cứu người bị đuối nước tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Ảnh: Tư liệu
Các HLV, VĐV hướng dẫn cách sơ cấp cứu người bị đuối nước tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Ảnh: Tư liệu

Trưa ngày 26/5, cháu Nguyễn Tiến Đ. (11 tuổi), trú khối 3,  phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò cùng một số bạn đi ra bờ biển chơi. Tại đây, cháu Đ. và 2 bạn khác đã xuống biển tắm. Do không biết bơi nên cháu đã bị sóng nhấn chìm.

8 giờ sáng ngày 27/5, sau khi tan trường, 4 học sinh tiểu học Trường Tiểu học Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên rủ nhau xuống hố nước chân Núi Nhón tắm. Trong lúc tắm, em Nguyễn Lê Anh Đ., học sinh lớp 5A (trú tại xóm 5, xã Hưng Châu) không may sa chân vào hố nước sâu bị đuối nước.

Đập Trai Xanh nơi 5 em học sinh bị đuối nước. Ảnh: Tư liệu
Đập Trai Xanh nơi 5 em học sinh bị đuối nước. Ảnh: Tư liệu

13 giờ chiều ngày 30/5, một nhóm học sinh của Trường THCS Trung Thành, huyện Yên Thành vào đập Trại Xanh (ở xã Bắc Thành) tổ chức dã ngoại. Khi đang chơi ở gần mép nước thì 1 em bị sẩy chân vào hố nước sâu. Lúc này, một nhóm gồm 6 em lao xuống cứu. Một bạn nam cứu được 1 bạn nữ, 5 em học sinh còn lại đã tử vong.

14 giờ 30 phút chiều ngày 1/6, 2 cháu nhỏ là Moong Chiến T và Moong Văn D cùng sinh năm 2015, trú tại bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, rủ nhau xuống tắm ở khúc sông gần bản. Do không biết bơi nên cháu Moong Chiến T bị dòng nước cuốn trôi xa khoảng 500m và tử vong.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF):  Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 học bị đuối nước.

Trẻ thiếu kỹ năng, phụ huynh thiếu giám sát

Từ những tai nạn thương tâm nói trên, có thế nhận thấy: Tai nạn đuối nước ở trẻ em xảy ra là do nhiều nguyên nhân dẫn đến, trong đó, nguyên nhân chính yếu là trẻ em không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước; thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như biển, sông, suối, ao, hồ.

Trẻ rèn luyện kỹ năng bơi. Ảnh: Tư liệu
Trẻ rèn luyện kỹ năng bơi. Ảnh: Tư liệu

Trong nhiều năm qua, Nghệ An đã coi trọng công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em và xem đây là vấn đề cấp bách, cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước đã được nhiều cấp ngành, tổ chức xã chính trị - xã hội, đơn vị phối hợp cùng gia đình triển khai.

Tuy nhiên vẫn phải nói rằng: Việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em vẫn chưa được nhiều, chưa phổ quát. Công tác dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước mới chỉ tổ chức theo đợt, tự phát, phạm vi nhỏ lẻ, chưa thường xuyên liên tục... vậy nên số trẻ biết bơi và có kỹ năng an toàn dưới nước chưa nhiều.

Nghệ An cũng đã có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các điểm vui chơi an toàn, các bể bơi phục vụ nhu cầu của nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng trên địa bàn. Tuy nhiên, vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm... nên chưa thu hút được sự tham gia của các đối tượng này.
Đoàn xã Nghĩa Thắng hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Tư liệu
Đoàn xã Nghĩa Thắng hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Tư liệu

Ở nhiều địa phương, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá vô ý thức đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm, như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu. Trong khi đó, những nơi này và cùng nhiều hồ đập sông, hồ, suối, ao nước khác lại không có hàng rào và có biển báo nguy hiểm.

Về phía gia đình, nhiều phụ huynh vì bận công việc nên chưa có nhiều thời gian chăm sóc cho các con; chưa lường hết những yếu tố môi trường sống xung quanh chứa đựng những yếu tố rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em; chưa lường hết những đặc thù tính cách thích khám phá của trẻ thơ. Khi hè đến, một số trẻ ở nông thôn, miền núi thường trốn cha mẹ đi chơi, tắm sông, tắm suối.

Thiếu sân chơi, cần sự vào cuộc của cộng đồng

Tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Ở khu vực thành thị, khi mùa hè đến có khá nhiều lớp năng khiếu – sở thích được tổ chức, cũng như có nhiều khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí.

Lớp học võ Karatedo vào dịp hè ở Con Cuông thu hút nhiều trẻ tham gia. Ảnh Tư liệu
Lớp học võ Karatedo vào dịp hè ở Con Cuông thu hút nhiều trẻ tham gia. Ảnh: Tư liệu
Còn ở khu vực nông thôn, miền núi, trẻ em rất thiệt thòi khi thiếu những sân chơi. Những sân chơi từ việc đầu tư xã hội hóa gần như không có. Chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở các xã, xóm, thôn bản từ năm này qua năm khác loanh quanh chỉ một vài cuộc thi văn nghệ, bóng đá, sinh hoạt tập thể, tập múa hát mà không có sự đổi mới. Thậm chí rất nhiều nơi không thể tổ chức được sân chơi cho trẻ dịp hè khi lực lượng đoàn viên ở địa phương đi làm ăn xa.
Khoa học đã chứng minh: các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, văn hóa góp phần giúp trẻ em phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ, nhân cách… một cách toàn diện. Không có sân chơi, không có những hoạt động vui chơi lành mạnh, trẻ em sẽ thiếu tự tin, khó khăn trong hòa đồng... Không được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh với những trò chơi truyền thống sẽ làm phai nhạt dần bản sắc văn hóa trong tâm hồn trẻ thơ.
Một nghịch lý đang tồn tại là các vùng ở nông thôn mặc dù có nhiều quỹ đất nhưng vẫn thiếu sân chơi cho trẻ em. Những hạ tầng sẵn có như nhà văn hóa xã chưa phát huy chức năng, thiếu các cơ sở vật chất cần thiết để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi địa phương vào dịp hè. Nhà văn hóa chủ yếu dành cho việc họp... Vậy nên, câu chuyện trẻ em biến ao, hồ, kênh mương thành “bể bơi” thành sân chơi ngày hè là điều dễ hiểu.
Thực trạng đuối nước và tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sự an toàn cho con trẻ. Làm gì để có sân chơi cho trẻ trong dịp hè? – Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng sân chơi bổ ích cho trẻ là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của cả cộng đồng, bắt đầu từ việc làm cụ thể, nhỏ nhất, như: Thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi; tổ chức các phương thức hoạt động hiệu quả, hữu ích tại các điểm vui chơi... Về lâu dài, việc quy hoạch mạng lưới sân chơi cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn cần được tính đến, góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, hữu ích cho trẻ em vui chơi, phát triển.

Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An một sân chơi bổ ích cho trẻ dịp hè. Ảnh: Thành Cường
Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An một sân chơi bổ ích cho trẻ dịp hè. Ảnh: Thành Cường

Đã đến lúc Nghệ An cần phát động một phong trào mạnh mẽ về xây dựng sân chơi cho trẻ. Các địa phương, đơn vị liên quan cần đưa việc xây dựng sân chơi cho trẻ cũng như việc dạy bơi vào nhiệm vụ chính trị của mình; xem đây là một tiêu chí để đánh giá thi đua... Hè 2019 này, cơn “khát” không gian vui chơi của trẻ thơ trong tỉnh vẫn đang còn đó!

Tin mới