Báo động tử vong do rượu ngâm, nấm rừng

(Baonghean) - Năm nào ở Nghệ An cũng xảy ra những vụ ngộ độc do ăn, uống rượu ngâm các cây, củ, quả tự nhiên mang độc tố. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do chủ quan và thiếu kiến thức. 

7 tháng, 3 vụ, 17 người ngộ độc nấm

Ngày 29/7 vừa qua, trên địa bàn huyện Quế Phong xảy ra vụ ngộ độc do ăn phải nấm hoang dã. Có 10 người dân ở bản Cắm, xã Cắm Muộn rủ nhau vào khu vực rừng Khe Ton, xã Quang Phong thu hái quả bo bo. Buổi trưa, nhóm người dân này đã hái nấm mọc gần khe suối nấu ăn.

Đến 14 giờ chiều, cả 10 người đều xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, chóng mặt. Người tỉnh táo nhất đã gọi điện về nhà nhờ hỗ trợ. Nhóm người này đã được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong và đến sáng ngày 30/7 thì sức khỏe ổn định, ra viện.

Bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong. Ảnh: Thanh Sơn
Bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong. Ảnh: Thanh Sơn

Vụ việc ở Quế Phong đã nâng số vụ ngộ độc do ăn phải nấm hoang dã tại tỉnh Nghệ An từ đầu năm đến nay lên con số 3, với 17 người mắc. Trước đó, có 2 vụ ngộ độc diễn ra vào ngày 20/5, ở bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu). Gia đình ông Lô Văn Chương gồm 6 người hái ăn 1 loại nấm mọc tự nhiên trong rừng. Hậu quả cả 6 người đều phải xuống cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc.

Sau đó ít giờ, ông Lô Văn Thủy ở gần nhà ông Chương cũng ngộ độc do ăn nấm rừng... Rất may, trong cả 3 vụ ngộ độc, các nạn nhân đều được cấp cứu kịp thời, không ai tử vong.

Cần phân biệt nấm độc và nấm không độc.
Cần phân biệt nấm độc và nấm không độc. Ảnh: Thanh Sơn

So với các loại ngộ độc khác, ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số vụ, số người mắc nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Ở tỉnh Nghệ An, năm 2014, trong lúc đi xẻ gỗ trong rừng, 4 người dân ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) đã hái một loại nấm lạ màu trắng về ăn với cơm. Ngay sau đó, cả nhóm bị ngộ độc nặng.

3 nạn nhân là Vừ Bá Sở, Vừ Tấy Bỳ và Vừ Bá Trung bị suy thận, suy gan, rối loạn đường máu và đã không qua khỏi. Riêng anh Vừ Bá Kỷ may mắn nhập viện kịp thời, được y, bác sỹ Bệnh viện HNĐK Nghệ An tận tình cứu chữa nên qua khỏi.

Năm 2014, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Tập đoàn Viettel liên tục gửi những tin nhắn từ hệ thống mang tính cảnh báo về nấm độc. Biện pháp truyền thông này ít nhiều đã mang lại hiệu quả nhất định khi năm 2015, 2016, số vụ ngộ độc do ăn phải nấm hoang dại được ghi nhận ít đi. Tuy nhiên, nó vẫn rải rác xảy ra. Và năm 2017, tình trạng ngộ độc do nấm lại nở rộ trở lại ở nhiều tỉnh miền núi trong cả nước.

Đi tìm căn nguyên của các vụ ngộ độc nấm, một số nạn nhân cho biết: “Trước đây, chưa bao giờ mình biết nấm có độc nên lên rừng, gặp là hái về ăn”; “Nấm mọc sát nhà, có mùi thơm, ngọt, thấy kiến ăn nên tôi nghĩ không độc. Mà trước đây, nấm này từng có người ăn rồi mà không việc gì”. 

Bác sỹ Hoàng Quốc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh: “Công tác tuyên truyền lâu nay chưa hiệu quả do đồng bào thường ở vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn, dân trí thấp. Do khó khăn nên họ sử dụng thực phẩm được săn bắt, thu hái trong tự nhiên. Đồng bào vẫn thường phân biệt nấm độc và nấm ăn được theo kinh nghiệm nhưng không hiểu trong rừng nấm lành vẫn lẫn lộn nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Bên cạnh đó, nấm là môi trường dinh dưỡng lý tưởng cho nhiều loại vi sinh vật, vi khuẩn có hại xâm nhập. Ngày 3/8, Chi cục ATVSTP tỉnh đã có Công văn số 147 yêu cầu các phòng y tế, trung tâm y tế huyện, thành, thị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dự phòng ngộ độc, một số đặc điểm nhận biết các loại nấm độc, triệu chứng khi bị nấm độc; Truyền thông đến tận hộ gia đình dưới mọi hình thức, bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc...”.

Đừng uống độc vào người

Để phòng, chống ngộ độc nấm nói riêng và phòng, chống ngộ độc do các độc tố tự nhiên nói chung, lâu nay ngành Y tế vẫn thường khuyến cáo: người dân không hái các loại cây, lá, quả trong rừng không rõ nguồn gốc để sử dụng; không ăn thịt cóc, cá nóc... Tuy nhiên điều đáng buồn là những cảnh báo này không được lưu ý. Đơn cử, đầu năm 2017, có 2 người ở huyện Nghi Lộc tử vong do ăn thịt cóc. Bác sỹ Hoàng Quốc Sơn cho biết thêm: “Có nhiều người ngộ độc do ngâm các loại động vật, thực vật trong rượu để tăng cường sức khỏe nhưng chưa được kiểm chứng về tác dụng”.

Trong tháng 2/2017, tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 vụ ngộ độc rượu ngâm ở huyện Tân Kỳ. 6 bệnh nhân ở xóm Hùng Cường, xã Phú Sơn đã bị buốt đầu, đau bụng quằn quại, đi ngoài liên tục, nôn mửa, chân tay co rút, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ sau khi uống rượu ngâm “sâm Hàn Quốc”.

Điều tra nguyên nhân ngộ độc, được biết: Củ “sâm Hàn Quốc” hóa ra là củ cây Thương Lục - một loại củ rất giống sâm, có độc tính mạnh, nếu uống đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận. Trước đó, ngày 17/1, bà Trần Thị Ng (68 tuổi), trú tại xóm Đa Lộc, xã Nam Kim (Nam Đàn) bị ngộ độc nặng, phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm củ Thương Lục vì tưởng là củ sâm. 

Cần phân biệt linh chi hay nấm độc.
Cần phân biệt linh chi hay nấm độc, khuyến cáo người dân không nên ngâm rượu những loại cây mà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Thanh Sơn

“Đừng chết vì rượu ngâm” - đó là khuyến cáo của Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Thùy Linh - Khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh: “Trong dân gian vẫn tồn tại quan niệm ngâm rượu thuốc uống để bồi bổ cơ thể, mạnh gân cốt, bổ thận, tráng dương, sinh tinh lực. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh các loại rượu thuốc ngâm từ động vật, cỏ cây, côn trùng tốt cho sức khỏe. Những loại rượu này có thể chứa chất độc mà người dùng không biết. Ngộ độc rượu thuốc có thể bị vô niệu hoàn toàn do hoại tử ống thận cấp và cuối cùng là suy thận". Hiện tại, Khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu có 130 bệnh nhân chạy thận thì có 1/10 người liên quan đến rượu thuốc.

Bên cạnh đó, những sai lầm trong việc ngâm rượu thuốc cũng được các thầy thuốc Đông y chỉ ra: Nếu ngâm chung nhiều loại dược liệu mà không hiểu rõ dược tính, rượu ngâm dễ thành rượu độc khi các hoạt chất kết hợp sinh ra độc tố. Có những cây, củ, quả tác dụng tốt song sử dụng nhiều quá thì thuốc bổ cũng thành thuốc độc. Có những loại rượu thuốc hợp với người này song lại không hề phù hợp vói thể trạng người kia. Nhiều người sử dụng động vật ngâm rượu mà không biết máu động vật thường bị nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn.

Bác sỹ Bùi Thanh Hải - Hội Đông Y tỉnh Nghệ An cho biết: Hằng năm có hàng trăm trường hợp ngộ độc do rượu ngâm, nếu nhẹ thì có biểu hiện nôn mửa, rối loạn hành vi, một số khác nặng hơn thì bị hôn mê sâu, trụy mạch, mặc dù được cứu chữa khỏi ngộ độc nhưng vẫn có thể phải mang di chứng nặng nề. Người dân khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Đặc biệt không nên dùng rượu ngâm động vật bởi rất dễ gây dị ứng và ngộ độc./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới