Bảo hiểm xã hội Nghệ An: Giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - 6 tháng đầu năm, mặc dù triển khai nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn song với sự nỗ lực của toàn ngành, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Những kết quả nổi bật

Trao tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh tư liệu Thành Chung

Trao tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh tư liệu Thành Chung

Việc triển khai chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác thu, phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngay từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động rà soát, xây dựng kịch bản phát triển số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và kịch bản đôn đốc thu, giảm nợ với nhiều giải pháp quyết liệt. Đồng thời, với sức lan tỏa từ hội nghị phổ biến, quán triệt Kế hoạch số 81-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được tăng cường bằng nhiều hình thức.

Cán bộ BHXH Nghi Lộc đến từng nhà dân vận động, thuyết phục bà con tham gia BHXH, BHYT để hưởng các quyền lợi. Ảnh tư liệu

Cán bộ BHXH Nghi Lộc đến từng nhà dân vận động, thuyết phục bà con tham gia BHXH, BHYT để hưởng các quyền lợi. Ảnh tư liệu

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 420 hội nghị tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại các xóm, bản, làng, cụm dân cư. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 2 lễ ra quân truyền thông phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh có 2.991.680 người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó: Số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 368.151 người, đạt tỷ lệ 19,68% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; Số người tham gia Bảo hiểm y tế là 2.883.547 người, đạt 96,69% chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, tăng 71.183 người so với cuối năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ là 91,49% so với dân số. Tổng số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đến 30/6/2022 là 3.665 tỷ đồng, đạt 46,83% kế hoạch thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao.

Ngoài ra, việc giải quyết, chi trả kịp thời, chính xác, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp được đặc biệt chú trọng. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết cho 138.016 lượt người hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trên 5.262 tỷ đồng; thanh toán cho 2.177.206 lượt người khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, với tổng số tiền thanh toán trên 1.891 tỷ đồng.

Đồng thời, ngành Bảo hiểm xã hội cũng đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, năm 2022 đã rút ngắn thời gian giải quyết của 4 thủ tục hành chính thuộc 4 lĩnh vực: Thu, sổ thẻ, chính sách Bảo hiểm xã hội, chính sách Bảo hiểm y tế. Tỷ lệ hồ sơ trả kết quả giải quyết trước hạn, đúng hạn luôn đạt trên 99,6%.

BHXH Hưng Nguyên hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VssID trên điện thoại di động. Ảnh tư liệu

BHXH Hưng Nguyên hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VssID trên điện thoại di động. Ảnh tư liệu

Công tác chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho 88.136 người với tổng số tiền là 1.954 tỷ đồng qua tài khoản cá nhân.

Giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Việc tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn nghèo mới được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ dẫn đến khó khăn hơn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 13.000 người dân đang tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp hơn mức chuẩn nghèo nông thôn mới.

Giám đốc BHXH Nghệ An Hoàng Văn Minh nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Ảnh tư liệu Thành Chung

Giám đốc BHXH Nghệ An Hoàng Văn Minh nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Ảnh tư liệu Thành Chung

Ngoài ra, tác động của Quyết định số 353/QĐ-TTg phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; theo đó, tỉnh Nghệ An không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, hơn 100 xã vùng cao của Nghệ An đã ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh không còn được hưởng chính sách Bảo hiểm y tế theo quy định. Tính đến hết tháng 6/2022, vẫn còn 56.148 người dân chưa tham gia Bảo hiểm y tế do hoàn cảnh khó khăn, chiếm gần 30% tổng số người bị giảm thẻ.

Nhằm tiếp tục mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhà, Bảo hiểm xã hội Nghệ An triển khai các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2022.

Cán bộ BHXH Nghệ An tư vấn cho người dân tham gia BHXH, BHYT. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Cán bộ BHXH Nghệ An tư vấn cho người dân tham gia BHXH, BHYT. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Hoàng Văn Minh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nghệ An nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, cụ thể: Bám sát văn bản chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan, tăng cường công tác tham mưu, phối hợp để triển khai các nội dung, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2022; Tập trung cao độ cho công tác phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trong đó, chú trọng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách và hoạt động của các tổ chức dịch vụ nhận ủy quyền thu; Tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ đọng, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ đăng ký dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số; Tăng cường công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; Đảm bảo giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Tin mới