Bạo lực học đường: Nhà trường e ngại, phụ huynh nuông chiều?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những clip ghi lại cảnh đánh nhau của học sinh Nghệ An, đặc biệt là nữ sinh. Tuy vậy, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đầy phức tạp của tình trạng này, bởi còn rất nhiều vụ việc tương tự, không được biết đến rộng rãi chỉ vì không có clip.

Giết người vô cớ

Ngày 27/10, Công an xã Thông Thụ (Quế Phong), vẫn đang củng cố hồ sơ, xử lý những nữ sinh tham gia đánh hội đồng bạn rồi quay clip đăng tải lên Facebook. Trong khi đó, về phía nạn nhân, dù 5 ngày đã trôi qua nhưng đôi má vẫn bầm tím do bị bạn tát, đạp nhiều lần. Khóe mắt thì vẫn còn sưng đỏ…

Nguyên nhân ban đầu của việc được cho là xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ nhặt trong bữa tiệc sinh nhật. Cụ thể, trong tiệc sinh nhật của một nữ sinh lớp 7, vì quá đông đúc nên nạn nhân đã vô tình ngồi chèn lên người một bạn khác. Từ đó, giữa 2 người bắt đầu xích mích. Tan tiệc, nạn nhân bị 3 nữ sinh lớp 7 và lớp 9 kéo lên cầu Nậm Piệt gần đó đánh đập tàn bạo.

Công an làm việc với một nữ sinh trong vụ đánh nhau ở Trường THPT Anh Sơn 3. Ảnh: CACC

Công an làm việc với một nữ sinh trong vụ đánh nhau ở Trường THPT Anh Sơn 3. Ảnh: CACC

Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra đã phát hiện nạn nhân không chỉ bị đánh đập một lần. Mà trong tối tiếp theo, nhóm nữ sinh này tiếp tục đến tận nhà nạn nhân lôi cô gái ra cầu đánh tiếp rồi quay lại clip để đăng lên mạng xã hội. Clip này cho thấy, nạn nhân phải quỳ giữa đường, bị tát, đạp vào đầu, vào mặt nhiều lần…

Cũng trong ngày, trên Facebook còn xuất hiện thêm một clip dài gần 6 phút khác, ghi lại cảnh nhóm nữ sinh đánh hội đồng một bạn khác. Toàn bộ nữ sinh tham gia đánh bạn và nạn nhân cũng đều là học sinh của Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thông Thụ. Trong clip này, một nữ sinh ngồi khúm núm, trong khi nhóm nữ sinh còn lại thay nhau chửi tục, rồi tát liên tiếp vào mặt. Hiệu trưởng Hoàng Văn Thanh cho biết, vụ việc xảy ra trong ký túc xá nhà trường. Nạn nhân là nữ sinh lớp 7 đã tự ý lấy áo bạn trong ký túc mặc nên bị đánh hội đồng…

Đây là 2 trong hàng loạt vụ đánh nhau của học sinh được phát hiện ở Nghệ An kể từ đầu năm 2022 đến nay. Theo tìm hiểu thì hầu hết các vụ đánh nhau giữa học sinh đều xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt hoặc thậm chí không có mâu thuẫn, nhưng vẫn vô cớ giết người. Đó là trường hợp của Vừ Bá Già ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Già là bị cáo vừa bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 6 năm tù về tội "Giết người", do khi gây án chỉ mới 14 tuổi.

Trước khi vướng vòng lao lý, Già là học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tây Sơn. Tối 21/3, Già được người bạn tên Mùa Chứ Di rủ tới khu nội trú của nhà trường để đánh anh Lầu Bá T. (học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Kỳ Sơn). Dù trước đó không có mâu thuẫn gì với anh T. nhưng Già vẫn cầm theo con dao mẹo hùng hổ dẫn đầu. Đến khu nội trú của trường, sau khi Dị chỉ vào T. rồi nói “chính thằng này, anh em đánh nó”, Già xông đến tát nhiều cái. Thấy nạn nhân bỏ chạy, Già đuổi theo chém nhiều nhát vào đầu khiến nạn nhân gục ngã. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng 5 ngày sau thì tử vong.

Hay như vụ nữ sinh đánh nhau ngay trong lớp học xảy ra tại Trường THPT Anh Sơn 3 hồi trung tuần tháng 9. Cô Nguyễn Nữ Ngọc Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 10C6 cho biết, nạn nhân trong clip là em B.T.Y.V. (15 tuổi, xã Thọ Sơn), còn nữ sinh đánh bạn là L.T.T. (15 tuổi, xã Cẩm Sơn). Hai em này ngồi chung bàn, trước đó chưa từng quen nhau. Kể từ khi nhập học cùng 1 lớp cũng chưa có mâu thuẫn. Ngay cả sau khi bị đánh, nạn nhân cũng không biết nguyên nhân.

Sau khi công an vào cuộc, mới rõ nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn của nữ sinh V. với một bạn học khác tên là K.L. từ tận năm cấp 2. Khi lên cấp 3, đến xã khác để học, K.L. đã kể với nhóm bạn mới quen về mâu thuẫn với V. Trong nhóm bạn này, có L.T.T. . "Vì thế mà trong giờ ra chơi sáng 17/9, T. yêu cầu V. lên tầng 3 với mục đích để xin lỗi K.L đang học trên đó. Tuy nhiên, do T. không nói rõ mục đích nên khi lên tới tầng 2 thì V. từ chối lên tiếp, mà bỏ về lớp. Vì thế mà T. theo về lớp rồi tát bạn liên tiếp", cô Hà nói. Vụ việc được một bạn nữ khác quay lại clip, sau đó xuất hiện trên Facebook gây bức xúc dư luận.

Khuôn mặt của nữ sinh lớp 8 ở huyện Con Cuông sau vụ đánh nhau mới đây. Ảnh: T.H

Khuôn mặt của nữ sinh lớp 8 ở huyện Con Cuông sau vụ đánh nhau mới đây. Ảnh: T.H

Học sinh quá được nuông chiều?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, thời gian qua đơn vị đã ban hành hàng loạt công văn, kế hoạch cũng như lồng ghép nhiều chương trình với nỗ lực hạn chế bạo lực học đường. Có thể kể đến như Kế hoạch thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chương trình phối hợp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Nghệ An. Công văn về việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, giai đoạn 2020 2025 (gửi UBND cấp huyện và các sở, ngành, hội liên quan)….

Tuy nhiên, có vẻ như những công văn, kế hoạch đó vẫn chưa mang lại tín hiệu tích cực. Một vị hiệu trưởng THCS cho biết, những vụ việc học sinh đánh nhau gần đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, bởi còn rất nhiều vụ việc tương tự nhưng chưa được biết đến rộng rãi.

“Có lần vô tình kiểm tra điện thoại mấy học sinh trong trường, tôi thực sự choáng khi phát hiện hàng loạt clip ghi lại cảnh các em đang đánh nhau. Điều đó chứng tỏ tình trạng này xảy ra rất nhiều, chỉ có điều clip không bị lộ, không bị đăng tải lên mạng xã hội. Chưa kể, nhiều vụ đánh nhau nhưng không ai quay lại clip. Các em bị đánh về cũng không kể với bố mẹ, không báo với nhà trường nên chẳng ai biết được”, vị hiệu trưởng xin được giấu tên nói. Ngoài ra, nhiều vụ học sinh gây gổ đánh nhau, nhưng nhà trường cũng vì sợ ảnh hưởng thành tích nên đã im lặng làm ngơ, không báo cáo và cũng không xử lý.

Trong khi đó, một giáo viên có thâm niên gần 30 năm dạy THCS cho biết, dù đã dạy qua nhiều thế hệ học sinh, ông chưa bao giờ chứng kiến tình trạng bạo lực đáng báo động như hiện nay. Đặc biệt là với học sinh lớp 7 đến lớp 9, đây là lứa tuổi tâm lý các em bất ổn nhất. “Học trò thì tinh nghịch, thế hệ nào cũng có đánh nhau cả. Nhưng ngày nay khác xa so với ngày xưa vì mức độ tàn bạo. Ngày xưa học trò đánh nhau hầu hết cũng chỉ dừng lại ở nắm đấm. Còn bây giờ thì sẵn sàng triệt hạ nhau, xem nhau như kẻ thù. Chưa kể, ngày nay học trò sẵn sàng đánh chém nhau mà chẳng cần lý do gì cả hoặc nguyên nhân rất lãng xẹt”, vị giáo viên này nói.

Cũng theo vị giáo viên này, nguyên nhân tình trạng bạo lực trong giới học sinh báo động như hiện nay một phần đến từ sự nuông chiều quá mức của các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh vì mải lo kinh tế, nên đẩy trách nhiệm giáo dục lên hết cho nhà trường. Tuy nhiên, các giáo viên chỉ cần xử phạt nặng tay chút, các bậc phụ huynh lại bắt đầu phản ứng quyết liệt.

Phụ huynh lên mạng tố giáo viên đánh học sinh. Ảnh chụp lại màn hình

Phụ huynh lên mạng tố giáo viên đánh học sinh. Ảnh chụp lại màn hình

“Điều giáo viên buồn nhất chính là phụ huynh thường bênh con, không cùng hợp tác, nhà trường cũng không cho xử phạt nặng”, vị giáo viên già nói và nhắc đến vụ việc xảy ra tại Trường THCS Quán Hành (Nghi Lộc), mới đây. Cụ thể, một nữ sinh dù mới học lớp 7 nhưng nổi tiếng là “chị đại” trong trường. Nữ sinh này ở với ông bà vì bố mẹ đang lao động tại nước ngoài. Gần đây, nữ sinh này vô cớ chặn đường đánh bạn học nên phụ huynh của nạn nhân trình báo với nhà trường. Nhận được thông tin, thầy Tổng phụ trách Đội của nhà trường đã gọi các em nữ sinh lên dạy dỗ. Tuy nhiên, tại đây nữ sinh này có thái độ vô lễ, đặc biệt là trong tin nhắn điện thoại với nhóm bạn còn thách thức “nhà trường không làm được gì”.

Thầy Tổng phụ trách Đội sau đó có dùng cán nhựa nhỏ đánh vào tay nữ sinh này gây ra vết bầm tím nhỏ. Tuy nhiên, sau đó về nhà người thân chụp lại vết bầm tím rồi gửi cho người mẹ. Vị phụ huynh liền đăng lên mạng xã hội tố cáo nhà trường. Vì thế, nhà trường và giáo viên lại phải đến tận nhà xin lỗi học sinh.

Nam giáo viên ở Yên Thành bị phụ huynh đấm gãy mũi vì phạt học sinh. Ảnh tư liệu

Nam giáo viên ở Yên Thành bị phụ huynh đấm gãy mũi vì phạt học sinh. Ảnh tư liệu

Hay như trường hợp xảy ra ở Trường THCS Tân Thành (Yên Thành) cách đây ít năm. Một giáo viên thể dục vì thấy nam sinh lớp 9 vi phạm kỷ luật, đốt giấy trong lớp học đã tát học sinh này 1 cái rồi mời phụ huynh lên làm việc. Tuy nhiên, khi phụ huynh lên thay vì nhận lỗi đã xông vào đấm thầy gãy mũi, phải nhập viện.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh, thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Nay thì tội phạm ngày càng trẻ hóa, đa phần ở độ tuổi 18 đến dưới 30, chiếm tới 41% tội phạm giết người.

Tin mới