Bảo tồn, bồi đắp nét đẹp văn hóa bằng hương ước – Bài 3

Xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp hiện có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống, gắn bó chan hòa là dân tộc Kinh và dân tộc Thái (gồm 2 nhóm là Tày Mường và Tày Thanh). Chủ tịch UBND xã Châu Cường – Sầm Phúc Thảo cho biết: Nhiều nét văn hóa đẹp hiện vẫn được người Thái duy trì và đưa vào hương ước, quy ước thôn, bản. Chẳng hạn như trước đây việc dựng vợ, gả chồng của người Thái cho con cái đều được cha mẹ xếp đặt và có tục trao quà làm tin (gọi là hóng lánh). Khi đã có “hóng lánh” người con trai liền đưa về nhà trao cho bố mẹ và định ngày cưới hỏi. Để đôi trẻ nên duyên vợ chồng, đại diện nhà trai đến nhà gái để trình vật làm tin và thông báo cho gia đình biết. Nếu nhà gái nhất trí cho làm thông gia coi như lễ trình thành công. Sau khi hỏi và được nhà gái đồng ý, nhà trai phải đi thăm nhà gái vài ba tháng 1 lần (ngày đi thăm phải đúng ngày đi hỏi). Tục này nhằm củng cố, gắn kết hai bên thông gia. Đồng thời người con trai buộc phải đến ở rể bên nhà gái ( từ 10 – 15 ngày) cho đến ngày cưới. “Đây là quãng thời gian thử thách cam go nhất, bởi chàng trai không được ngồi ăn cơm cùng mâm với bố mẹ vợ, chị vợ và các chị dâu, và phải ngủ riêng. Đến ngày rước dâu thường nhà trai sẽ đón dâu vào lúc nửa đêm về sáng” – ông Thảo cho biết thêm.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên dạy hát dân ca cho người dân bản Mường Ham xã Châu Cường, Quỳ Hợp.
Nghệ nhân Lương Thị Phiên dạy hát dân ca cho người dân bản Mường Ham xã Châu Cường, Quỳ Hợp.

Hiện giờ vẫn có tục trao quà làm tin (hóng lánh) nhưng một số nơi đã loại bỏ bớt một số nghi lễ rườm rà như ở rể hay đón dâu lúc nửa đêm… và hương ước, quy ước từng thôn, bản cũng nêu rõ việc khuyến khích tổ chức lễ cưới hỏi theo nếp sống mới.

Hay như tục trộm vợ xuất phát từ việc có những đôi trai gái không nhận được sự đồng tình của cha mẹ nên phải trộm vợ. Trước khi trộm, chàng trai thường để lại một vật gì đó trên bàn thờ nhà cô gái để báo hiệu cho nhà gái biết mình đã rước con gái nhà người ta. Hôm sau nhà trai mang lễ vật đến để chịu tội và xin cưới. Tục này sau đó đã biến hóa và trở thành hủ tục, người Thái gọi là tục “bắt vợ”. Sau này tục bắt vợ được sửa đổi và đưa vào điều cấm trong hương ước để phù hợp với đời sống đương đại.

“Ngoài ý chí, sự thống nhất chung của cộng đồng thì hương ước, quy ước được điều chỉnh theo hướng đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết TW 5, khóa III của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết 05- NQ/TU, ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển” – Chủ tịch UBND xã Châu Cường nhấn mạnh.

Người dân bản Mường Ham xã Châu Cường, Quỳ Hợp chú trọng phát triển, bảo tồn dân ca Thái.
Người dân bản Mường Ham xã Châu Cường, Quỳ Hợp chú trọng phát triển, bảo tồn dân ca Thái.

Theo ông Thái Tâm, nhà nghiên cứu về dân tộc Thái ở huyện Quỳ Hợp, phong tục, tập quán của người Thái tại các địa bàn như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quế Phong… hay Con Cuông Tương Dương, Kỳ Sơn đa số đều giữ được những nét tinh hoa từ ngàn đời. Nó ăn sâu bén rễ qua các thời kỳ. Hiện nay, nhiều tập tục có cải tiến và được bổ sung trong quy ước, hương ước nhưng các tục chính vẫn được duy trì trong đời sống người Thái. Ví như ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương trong đám cưới ở nhiều gia đình, dòng họ tuy vẫn duy trì tục ở rể và thách cưới nhưng không còn quá ngặt nghèo như xưa. Việc thách cưới cũng chỉ mang ý nghĩa tinh thần không nặng về vật chất như trước đây. Đối với ma chay, trước đây, khi người thân trong gia đình mất đi thi hài được các con rể đưa vào quan tài, sau khi thi hài đã được quàn tại nhà tới 3 ngày đêm, gia đình sẽ đi mời thầy mo. Ngày thứ 3 đúng giờ trâu ở trong rừng ra ăn ngoài đồng, bãi suối, ven khe (tầm khoảng 2 – 3h chiều) thì cất táng đem chôn. Hiện nay, theo hương ước mới hầu như không còn tình trạng để người chết trong 3 ngày mới chôn cất.

“Thậm chí, trước đây, một số bản, làng, dòng họ của người Thái có tục chọn dâu, rể làm phúc được gọi là lễ “liệp quai” trong đám tang (tùy theo vị trí người chết mà chọn số lượng dâu, rể). Có đám tang chọn đến 10 đôi dâu, rể để thực hiện nghi thức này. Những đôi dâu, rể này sẽ đi quanh con trâu, bất cứ đám tang nào gia đình cũng phải giết 1 con để làm lễ tang ma. Khi lễ này kết thúc thì con trâu được xẻ thịt, chỉ có chiếc đầu trâu vẫn để lại hôm sau đưa vào rú mồ nạp cho người chết ở ngay trên mộ. Tuy nhiên, theo các quy định mới được bổ sung, sửa đổi trong quy ước, hương ước nhiều nơi đã lược bỏ bớt những nghi thức rườm rà này”, Ông Thái Tâm cho biết.

Người Thái từ xưa đến nay rất có ý thức kiến tạo và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Ở nhiều nơi vấn đề bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, thêu thùa..) được ghi trong hương ước, quy ước thôn, bản và được người phụ nữ Thái phát triển, lưu truyền qua nhiều thế hệ vừa tạo ra hàng hóa để trao đổi, tăng thêm thu nhập vừa gắn liền với việc bảo tồn trang phục truyền thống.

Ra mắt CLB dân ca, dân vũ ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương.
Ra mắt CLB dân ca, dân vũ ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương.

Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Thái cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn và gìn giữ kho tàng văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và phong phú như bộ sử thi đồ sộ Lái Khủn Chưởng, các truyện thơ dài “Lai Lông mương”, “Lai Nộc Yểng”, “Lai ẹt khay”, các làn điệu dân ca như nhuôn, suối, lăm, khắp… và các loại dụng cụ nhạc như: khèn, sáo, cồng chiêng, trống… Hiện, trong quy ước, hương ước của nhiều bản, làng người Thái đều quy định rõ trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình trong bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Như ở bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, có 123 hộ dân tộc Thái, 3 hộ dân tộc Kinh sinh sống, hương ước của bản được xây dựng trên cơ sở gìn giữ và phát huy thuần phong, mỹ tục của quê hương, đề cao các chuẩn mực và tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Hương ước của bản cũng ghi rõ việc xây dựng một đội văn nghệ không chuyên để tham gia lễ hội văn hóa truyền thống Mường Ham hàng năm. Theo đó, câu lạc bộ dân ca của đồng bào dân tộc Thái nơi đây được thành lập từ rất sớm (năm 2002) và đến nay có 80 thành viên đủ mọi lứa tuổi do Nghệ nhân Dân gian Lương Thị Phiên làm chủ nhiệm. Ngoài việc tham gia các lễ hội, hoạt động văn hóa, CLB chú trọng đến việc các lớp truyền dạy dân ca Thái và nhạc cụ dân tộc cho con cháu trong và ngoài bản, nhất là vào dịp nghỉ Hè.

Nét duyên dáng của cô gái Thái trong trang phục truyền thống. Ảnh: Đình Tuân.
Nét duyên dáng của cô gái Thái trong trang phục truyền thống. Ảnh: Đình Tuân.