Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen bền vững

(Baonghean.vn) - Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chiều 16/5, Sở KH&CN tổ chức hội thảo Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tham dự hội thảo có nhiều nhà khoa học của các viện, phân viện nghiên cứu của Bộ NN & PTNT, trường ĐH Vinh, các trung tâm nghiên cứu khoa học trong tỉnh. Ông Hồ Ngọc Luật – Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN); ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Nghệ An được đánh giá là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: vịt bầu quỳ, xoài Tương Dương, Sa mu dầu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến,  gà H’Mông, trâu H’Mông, lúa nếp cẩm, cá mát, cá sủ vàng...  Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã làm cho nguồn tài nguyên đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần. Trước thực trạng trên, công tác khôi phục bảo vệ hệ sinh thái, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh trình bày tiềm năng, công tác bảo tồn, khai thác nguồn gen của tỉnh
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN trình bày tiềm năng, công tác bảo tồn, khai thác nguồn gen 

Trong nhữn năm qua, Nghệ An đã phối hợp với các viện, phân viện và các trung tâm, trường ĐH tổ chức điều tra khảo sát, bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm. Ngày 22/11/2013, UBND tỉnh đã bàn hành quyết định số 5529/QĐ-UBND phê duyệt đề án khung nhằm bảo tồn, lưu giữ và khai thác bền vững. Từ nay đến năm 2020, xác định 5 nhiệm vụ lớn để bảo tồn nguồn gen ở cấp tỉnh. Dự kiến tổng kinh phí là 12,5 tỷ đồng. Đồng thời, đề xuất 8 nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp nhà nước giai đoạn từ nay đến năm 2020. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày những nghiên cứu, đánh giá về nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh và những hoạt động trong việc bảo tồn, phát triển các nguồn gen này. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí, năng lực của cán bộ khoa học, cơ sở, thiết bị còn hạn chế... nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Các đại biểu thảo luận, đề ra những giải pháp để công tác bảo tồn và khai thác nguồn gen trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao như về giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân các địa phương về vai trò của nguồn tài nguyên trong phát triển kinh tế- xã hội và những giải pháp, cơ chế chính sách để khuyến khích, nâng cao cơ hội hợp tác và ưu tiên phát triển một số sản phẩm có thể trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh, qua đó nâng cao sinh kế cho người dân./.

Phạm Bằng

Tin mới