Bảo tồn trang phục dân tộc để trở thành sản phẩm du lịch

(Baonghean.vn) - Trang phục dân tộc là tài nguyên du lịch nhân văn, cần bảo tồn, phát huy để trở thành sản phẩm du lịch, giúp đồng bào có thêm nguồn thu nhập – đó một trong những nội dung buổi tập huấn Hỗ trợ năng lực cho nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng.

Chiều 25/10, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức lớp Tập huấn hỗ trợ năng lực cho nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tỉnh Nghệ An năm 2019.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Dân tộc tỉnh cùng 110 học viên là cán bộ văn hóa, nghệ nhân và người có uy tín trong cộng đồng thuộc 11 huyện, thị xã miền núi của tỉnh.
Tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Dân tộc tỉnh cùng 110 học viên là cán bộ văn hóa, nghệ nhân và người có uy tín trong cộng đồng thuộc 11 huyện, thị xã miền núi của tỉnh.

Tại buổi tập huấn, các học viên được tiếp thu 2 chuyên đề: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Phát huy vai trò của nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

Phụ nữ dân tộc Thái huyện Kỳ Sơn trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Thái huyện Kỳ Sơn trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống.

Nội dung chuyên đề thứ nhất, các học viên được tiếp nhận quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn văn hóa các dân tộc và thực trạng, những biến đổi trong trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Từ đó, nắm bắt kết quả đạt được, xu hướng biến đổi và tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống.

Trong đó, nhấn mạnh trang phục là tài nguyên du lịch nhân văn, cần nghiên cứu, bảo tồn, phát huy để trở thành sản phẩm du lịch, giúp đồng bào có thêm nguồn thu nhập. Vấn đề này có thể khai thác bằng cách xây dựng không gian sản xuất, trình diễn và bán trang phục ở các điểm du lịch; xây dựng bảo tàng, trưng bày sản phẩm để thu hút du khách; tổ chức trình diễn tại các lễ hội văn hóa dân tộc và trưng bày tại các quầy trang phục, hội chợ.  

Nội dung chuyên đề thứ hai, học viên được trang bị kiến thức về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, những cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thách thức lớn nhất là nguy cơ đánh mất ngôn ngữ truyền thống, linh hồn của văn hóa dân tộc, cũng là phương tiện chuyển tải suy nghĩ, tâm tư tình cảm của một cộng đồng. Cùng với đó là nguy cơ thất truyền của bản sắc âm nhạc, trang phục, không gian văn hóa.

Bà con dân tộc Thái xã Bình Chuẩn (Con Cuông) luôn có ý thức bảo tồn trang phục và không gian văn hóa truyền thống.
Bà con dân tộc Thái xã Bình Chuẩn (Con Cuông) luôn có ý thức bảo tồn trang phục và không gian văn hóa truyền thống.

Các giải pháp đang được triển khai hiện nay là phát huy bản sắc trong môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng; phát huy các yếu tố tích cực của thiết chế xã hội truyền thống các dân tộc. Trong đó, tập trung phát huy vai trò của người có uy tín như già làng, trưởng bản, người đứng đầu các dòng họ trong việc vận động con cháu, thành viên trong cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Chương trình tập huấn cũng là dịp các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa.

Tin mới