Bảo vệ thành quả quá khứ và sự vững bền ở tương lai của đất nước, dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thực tiễn cách mạng Việt Nam ghi lại nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

Từ những ngày Đảng mới thành lập, các đảng viên nhiệt huyết cách mạng, cùng với nhân dân vượt qua gian khó, luôn tin tưởng vào thắng lợi ở ngày mai. Họ không chỉ tin vào chiến thắng ngoại xâm mà cái đích cao cả là niềm tin và chiến đấu cho lý tưởng cộng sản - thực hiện khát vọng của nhân loại tiến bộ.

Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Trước đây, cán bộ, đảng viên được phân công, nhận nhiệm vụ, thậm chí xung phong nhận nhiệm vụ, có nghĩa là chấp nhận hy sinh và sẵn sàng đón nhận án tử của kẻ thù. Họ nhận chức vụ, không màng bổng lộc, không màng danh lợi và cũng không cho mình là “ông to bà lớn” mà chỉ tâm nguyện cứu nước, cứu dân, cống hiến trọn đời bằng niềm tin chiến thắng và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đảng viên, nhân dân đối với trường tồn của dân tộc và lý tưởng cộng sản. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh của Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ; các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi... và nhiều đồng chí khác luôn soi sáng cho hậu thế, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay soi mình, sửa mình, rèn mình, phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Trong khi phần đông đang ra sức tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp sức vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước thì có một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, tha hóa, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí có phần tử quay lưng hại Đảng, phản bội Nhân dân, phỉ báng quá khứ. Có thể rất ít và chỉ là cá biệt, nhưng cũng không loại trừ có cán bộ, đảng viên vun vén tư lợi, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy học hàm học vị, chạy lá phiếu để được làm quan, hòng trục lợi cá nhân, quan liêu, hách dịch, gây khó dễ với cấp dưới, đồng nghiệp và nhân dân để rồi biến thành “củi” tiến dần vào “lò”. Những hành động đó làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng; ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ; làm tổn hại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà bao nhiêu thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta dày công gây dựng, vun đắp.

Để có độc lập, tự do của Tổ quốc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân hôm nay, biết bao lớp tiền bối đã chiến đấu, hy sinh bản thân, gia đình, tập thể đồng đội. Xương, máu của các đồng chí ấy thấm vào mạch nguồn đất Việt, hòa quyện vào hồn văn hóa Việt, kết thành sợi dây xuyên nối và phân định chiến tranh với hòa bình, quá khứ với hiện tại, cống hiến với hưởng thụ, hy sinh với trục lợi. Qua các thời kỳ cách mạng, vì chiến đấu, hy sinh trọn đời cho Đảng và dân tộc, nhiều đồng chí đảng viên phải vào tù ra tội, đứng mũi chịu sào ở thời điểm cam go, thậm chí là biết trước sẽ khó thoát khỏi án tử của kẻ thù nhưng vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ. Chỉ tính riêng giai đoạn 1930-1945, trong cấp Trung ương của Đảng có 14 đồng chí bị thực dân Pháp bắn, chém, hoặc đánh chết trong nhà tù. Tính đến tháng 1/1960, “Trong 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng ta, trước ngày khởi nghĩa đã được thực dân Pháp tặng cho 222 năm tù đày. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn ở tù”[1].

Ngày 5/11/1945, Ngày Kháng chiến được tổ chức trên toàn quốc nhằm biểu thị sự ủng hộ của toàn dân đối với cuộc chiến đấu oanh liệt của đồng bào Nam Bộ. Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và đọc diễn văn tại Nhà hát lớn, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 5/11/1945, Ngày Kháng chiến được tổ chức trên toàn quốc nhằm biểu thị sự ủng hộ của toàn dân đối với cuộc chiến đấu oanh liệt của đồng bào Nam Bộ. Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và đọc diễn văn tại Nhà hát lớn, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Lịch sử cách mạng Việt Nam được chi phối bởi lịch sử Đảng, được bồi đắp, tô thắm bởi những chiến công và bao hàm cả sự hy sinh xương máu của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên tiền bối. Pho sử bằng vàng đó thể hiện phong phú, sinh động cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, hàm chứa niềm vui, nụ cười và cả mồ hôi, nước mắt, cô đọng những chiến công hiển hách và sự hy sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cho lý tưởng cộng sản, vì độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Những giá trị thẩm thấu trong diễn trình lịch sử Đảng trở thành chân lý, niềm tin, tự hào, lòng biết ơn vô hạn của Nhân dân đối với Đảng, của hậu thế đối với tiền nhân, được trân trọng, bảo vệ như một phần cơ thể của mình.

Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không đơn thuần là bảo vệ cho hiện tại mà còn là bảo vệ thành quả của quá khứ và bảo vệ sự vững bền ở tương lai. Bởi lẽ, “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”[2]. Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta càng phải nâng cao trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; vững tin vào con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ảnh minh họa: Tư liệu

Ảnh minh họa: Tư liệu

Những lúc bản thân phải gánh vác nhiều công việc, mệt nhọc hơn, hoặc có thể bị thiệt trong đề bạt cất nhắc bổ nhiệm, hoặc bị kém hơn về quyền lợi, bổng lộc thì vẫn vui vẻ với tâm niệm bản thân đóng góp chưa thấm thía gì so với những đồng chí đã hy sinh. Nếu gặp nghịch cảnh nào đó của thực tế, bản thân có thể chạnh lòng, nhưng không thể hụt hẫng, nhụt ý chí phấn đấu, mà cần có suy nghĩ tích cực, vượt qua ngang trái cuộc đời để góp phần tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, chứ không phải làm việc để được tôn vinh thành tích cá nhân. Theo đó, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng là một cách thức góp phần trả ơn người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chủ nghĩa xã hội.

Có trái tim tin, yêu vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa cùng với gương sáng về năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chính là chìa khóa đem lại kết quả tích cực trong công tác bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng chính là tiền đề, điều kiện tiên quyết, cơ sở để thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[3] theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và quan điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng là phấn đấu cho mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[4].

Thành phố Hà Nội. Ảnh: Lê Việt/VOV

Thành phố Hà Nội. Ảnh: Lê Việt/VOV

-------------

[1] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.401.

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.401.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tập 1, tr. 34

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 13, tr.438.

Tin mới