Bảo vệ thương hiệu cam Nghệ An

(Baonghean) - Nghệ An hiện có trên 2.612 ha cam (trong đó có 1.742 ha cho sản phẩm) đạt sản lượng 22.594 tấn/năm, là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam lớn của cả nước. Cam Nghệ An có những giống thơm ngon nổi tiếng như cam Xã Đoài, là 1 trong 50 đặc sản trái cây Việt Nam được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn năm 2013; gần đây có giống cam V2 trồng ở Quỳ Hợp, chất lượng tương đương cam Xã Đoài, được khách hàng rất ưa chuộng.
Thời kỳ bao cấp, cam Nghệ An xuất khẩu sang Liên Xô và các nước XHCN, mỗi năm từ 18 - 20 nghìn tấn. Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, cam của các nông trường quốc doanh vùng Phủ Quỳ được chở ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiêu thụ với khối lượng rất lớn, có tên gọi chung là “Cam Vinh”. Dần dần, tên gọi “cam Vinh” trở thành quen thuộc, được xem là thương hiệu chung của cam Nghệ An. Nhưng cam Nghệ An có nhiều loại, chất lượng khác nhau, dùng thương hiệu “cam Vinh” sẽ lẫn lộn các loại cam ngon với cam kém chất lượng. Hiện đã có tình trạng các tiểu thương thu mua cam Quỳ Hợp khi đóng gói đã trộn các loại cam khác rẻ tiền để được giá. Tình trạng phổ biến hiện nay là người tiêu dùng chọn mua cam ngon với giá đắt nhưng lẫn trong đó có những quả cam chua, cam sần. Do sự gian lận này nên khách hàng muốn mua đúng cam ngon phải lên Quỳ Hợp hoặc về Xã Đoài mua tại gốc.
Ngày 17/12/2010, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “cam Vinh” cho sản phẩm cam quả của Nghệ An. Từ đó, các loại cam của Nghệ An được bán trên thị trường đều mang thương hiệu “cam Vinh”. Nhưng thương hiệu “cam Vinh” có phản ánh đúng chất lượng cam Nghệ An để giữ được giá trị lâu dài? Hiện tượng tư thương trộn lẫn cam ngon với các loại “cam chua” hiện nay vẫn chưa kiểm soát được. Mặt khác, các loại “cam chua” tiêu thụ trên thị trường với giá rẻ nếu vẫn đóng gói mang nhãn hiệu “cam Vinh” thì ai kiểm soát? Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” này nếu không được khắc phục thì cam Nghệ An sẽ mất dần thương hiệu. Hay cam Xã Đoài “gốc” một thời gian dài không được đầu tư phát triển nên diện tích thu hẹp dần, đang có nguy cơ “thất truyền”. Gần đây có đề án phục tráng cam Xã Đoài để lấy lại thương hiệu nhưng chưa thực hiện được.
Để bảo vệ thương hiệu cam Nghệ An, trước tiên phải chọn địa danh sao cho thương hiệu không bị lợi dụng. Nếu dùng tên gọi “cam Vinh” để chỉ thương hiệu cam Nghệ An, thì có ưu điểm là gắn với một địa danh du lịch hấp dẫn nên dễ thu hút khách hàng. Nhưng thương hiệu này không đúng với địa danh xuất xứ vì Thành phố Vinh không có cam bán trên thị trường, các chủ hàng đến mua cam Nghệ An cũng không mua tại Vinh. Nếu xem đây là tên gọi có tính đại diện cho các loại cam ngon của Nghệ An thì sẽ xẩy ra tình trạng lợi dụng thương hiệu này để bán các loại cam kém chất lượng. Thương hiệu các đặc sản trái cây Việt Nam đều gắn với địa danh xuất xứ như bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh). Nên chăng, Nghệ An dùng thương hiệu “cam Xã Đoài”, “cam Quỳ Hợp” thay cho thương hiệu “cam Vinh” để tránh bị lợi dụng. Cùng với việc chọn tên gọi để đăng ký bảo hộ thương hiệu, phải có bao bì đóng gói cam quả vừa bảo quản tốt sản phẩm vừa có mẫu mã đẹp và chống được làm giả, lợi dụng thương hiệu… So với các loại cam nổi tiếng của cả nước như cam Canh (Hà Nội), cam Sành (Hà Giang, Tuyên Quang), cam Bù (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thì cam Nghệ An có chất lượng nổi trội hơn, vì vậy phải bảo vệ thương hiệu lâu dài. 
Vấn đề cơ bản để bảo vệ thương hiệu là sản phẩm tiêu thụ phải đảm bảo chất lượng, tạo được niềm tin cho khách hàng. Phải có biện pháp quản lý sản phẩm từ gốc để cam mang thương hiệu không được trộn lẫn các loại cam khác kém chất lượng. Về lâu dài nên quy hoạch vùng trồng cam chất lượng cao ở Quỳ Hợp và mở rộng diện tích cam Xã Đoài, lấy đó làm sản phẩm mang thương hiệu cam Nghệ An. Còn các vùng trồng cam khác mà sản phẩm không có chất lượng tương đương cam Quỳ Hợp, cam Xã Đoài thì nên thay thế bằng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Có như thế mới đảm bảo cho cây cam phát triển bền vững…
Trần Hồng Cơ