Bất cập trong thu chi kinh phí bán trú mầm non

(Baonghean) - Dù đã năm thứ hai thực hiện việc thu kinh phí bán trú dành cho học sinh mầm non, nhưng việc triển khai ở các địa phương vẫn đang có những bất cập. Bên cạnh đó, việc chi cũng đang còn nhiều tồn tại, khiến cho hiệu quả nguồn thu chưa đúng như các văn bản hướng dẫn.
Mỗi trường một kiểu
Cuối tháng 10, sau khi đi họp phụ huynh về, chị Nguyễn Thị H, có con đang học ở Trường Mầm non Hòa Sơn (Đô Lương) bày tỏ sự bức xúc khi năm nay nhà trường bất ngờ tăng số tiền thu phục vụ bán trú từ 53.000 đồng/tháng lên 90.000 đồng/tháng.
Mặc dù số tiền không lớn nhưng so với mức sống của người dân ở một xã còn nhiều khó khăn như Hòa Sơn thì ảnh hưởng khá nhiều. Sau khi nhà trường thông báo, chị H đã tìm hiểu các trường học khác trên địa bàn và nhận thấy mức thu của Trường Mầm non Hòa Sơn cao hơn so với mặt bằng chung. 
Giờ nghỉ trưa của học sinh Trường Mầm non Hòa Sơn (Đô Lương). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ nghỉ trưa của học sinh Trường Mầm non Hòa Sơn (Đô Lương). Ảnh: Mỹ Hà
Làm việc với Trường Mầm non Hòa Sơn, cô giáo Bùi Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận điều này. Theo tính toán của nhà trường, năm nay để đảm bảo việc chi trả cho 8 cô nuôi, trả tiền trực trưa cho giáo viên, nhà trường cần khoảng 240 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng cần khoảng hơn 120 triệu đồng để mua sắm đồ dùng phục vụ bán trú (như tiền mua củi đốt và tiền thay lõi nước cho các máy lọc nước).
Tổng số tiền 360 triệu đồng chia đều cho 400 học sinh thì mỗi học sinh sẽ nộp khoảng 90 nghìn đồng/tháng.
Việc tăng thêm tiền thu, theo lý giải của nhà trường là bởi “năm nay trường đang xây dựng trường chuẩn nên phải mua sắm thêm các trang thiết bị để phục vụ bán trú cho học sinh”. Việc thu tiền đã có sự đồng ý của Đảng ủy, chính quyền xã cũng như thông qua Ban giám hiệu nhà trường... Cũng theo lý giải của nhà trường, việc thu là dựa trên các văn bản cho phép, còn số tiền thu của nhà trường nhiều hơn các trường khác là do nhu cầu nhiều hơn. Số tiền này cũng có thể thay đổi vào từng năm tùy theo yêu cầu thực tế.
Phụ huynh chăm sóc vườn rau sạch cho Trường mầm non xã Nam Hưng (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà
Phụ huynh chăm sóc vườn rau sạch cho Trường mầm non xã Nam Hưng (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà
Tại Trường Tiểu học Thịnh Sơn, năm nay, nhà trường thu 55.000 đồng/học sinh/tháng để tổ chức bán trú ở trường. Tuy nhiên, số tiền này theo lý giải của nhà trường là chỉ đủ để trả lương cho các cô nuôi. Bên cạnh đó, vì đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức được bán trú cho 100% học sinh nên việc chi trả tiền trực trưa cho giáo viên chưa được thực hiện. Riêng số tiền để mua sắm đồ dùng bán trú nhà trường thu 130.000 đồng/học sinh/năm, dù điều này là trái với quy định văn bản hướng dẫn.
Trả lời cho vấn đề này, cô giáo Dương Thị Năm - Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận: Việc thu tiền để mua sắm đồ dùng bán trú là không sai nhưng đáng lẽ nhà trường phải cộng vào tiền thu bán trú hàng tháng. Thay vào đó, nhà trường lại chia ra và buộc phụ huynh phải nộp thành một khoản riêng là chưa chính xác. Trường Mầm non Thịnh Sơn cũng là trường duy nhất trên địa bàn huyện chưa chi trả tiền trực trưa cho giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 33 trường mầm non công lập đã tổ chức thu tiền bán trú với mức thu trung bình khoảng 50.000 - 60.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy vậy, do đặc thù mỗi trường một khác nhau nên số tiền giáo viên được chi trả trực trưa đang còn chênh lệch, thậm chí có nơi chỉ được trả 10.000 đồng/giáo viên/buổi trực. Điều này, cũng gây nên những xáo trộn trong tư tưởng, tâm lý giáo viên. Thực tế, nếu có một quy định chung thì sẽ dễ hơn cho các nhà trường trong quá trình triển khai và đảm bảo việc công bằng giữa các nhà trường.
Còn tại huyện Nam Đàn, ông Đặng Hoài Nam - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Hiện trên địa bàn huyện đã có 100% trường thực hiện thu tiền phục vụ bán trú nhưng số tiền không đồng đều, dao động từ 30.000 - 50.000 đồng học sinh/tháng. Việc thu theo tinh thần tự nguyện nên chỉ nơi nào phụ huynh đồng thuận mới triển khai, tránh gây dư luận không tốt. Ngay tại Trường Mầm non thị trấn, năm học này sau khi phòng đến dự họp phụ huynh, giải thích cho nhân dân hiểu về việc hỗ trợ thêm tiền trực trưa cho giáo viên, giúp giáo viên bớt áp lực thì người dân mới đồng tình, ủng hộ đóng góp. Từ năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn cho các nhà trường thực hiện các khoản thu để phục vụ bán trú dành cho các trường mầm non công lập. Số tiền này được thu theo hình thức thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, nằm ngoài số tiền thu học phí hàng tháng. Cũng theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, số tiền thu được dùng để chi trả cho cô nuôi, tiền trực trưa cho giáo viên và tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú. Nhưng cũng do thu theo thỏa thuận nên mỗi trường có một cách thu khác nhau và không tránh được tình trạng trường thu nhiều, trường thu ít khiến cho phụ huynh đặt nhiều câu hỏi.
Chi không rõ ràng
Chế biến thức ăn cho học sinh tại Trường mầm non Diễn Phúc. Ảnh: Mỹ Hà
Chế biến thức ăn cho học sinh tại Trường mầm non Diễn Phúc. Ảnh: Mỹ Hà
Bên cạnh việc thu, việc chi các khoản tiền để phục vụ bán trú cũng đang có nhiều bất cập. Tại Trường Mầm non Bến Thủy (TP. Vinh), năm học này nhà trường có khoảng 640 học sinh. Với mức thu 70.000 đồng/học sinh/tháng, dự kiến mỗi năm nhà trường thu về khoảng 390 triệu đồng. Tuy vậy, dù đã thu với mức tối đa theo quy định của thành phố nhưng theo lãnh đạo nhà trường, số tiền này chỉ dùng để chi trả tiền cho cô nuôi (khoảng 350 triệu đồng/năm) và tiền mua sắm đồ dùng phục vụ bán trú.
Riêng tiền trực trưa cho giáo viên, nhà trường không chi trả, bởi theo cô giáo Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã được bố trí đủ giáo viên nên không chi trả thêm tiền trực trưa nữa”. Mặc dù cho đến thời điểm này, các giáo viên chưa có ý kiến nhưng rõ ràng điều này sẽ gây nên rất nhiều băn khoăn trong giáo viên, bởi năm ngoái cùng một số tiền thu nhưng các giáo viên vẫn được chi trả tiền trực trưa.
Chưa kể, trước khi chưa thu tiền bán trú, toàn bộ số tiền chi trả cho cô nuôi vẫn được nhà trường trích từ tiền học phí và vẫn đảm bảo thu đủ chi. Nay, thu thêm tiền bán trú, mỗi tháng nhà trường có thêm khoảng 80 triệu đồng được trích tiền học phí để chi thường xuyên nhưng quyền lợi của giáo viên vẫn không được đảm bảo. 
Đến thời điểm này, thành phố Vinh cũng là địa phương duy nhất đưa ra mức thu bán trú cho các trường mầm non trên địa bàn và hầu hết các trường đều thu với mức thu cao nhất 70.000 đồng/tháng. Nhưng, việc chi trả tiền cho cô nuôi và tiền trực trưa cho giáo viên lại không thống nhất. Cụ thể, cùng chi trả tiền cô nuôi nhưng trường cao nhất trả 4.709 triệu đồng/tháng (Trường Mầm non Quang Trung 2) nhưng cũng có trường chỉ trả 3.646 triệu đồng/tháng (Trường Mầm non Hà Huy Tập).
Về trực trưa, ngoài Trường Mầm non Bến Thủy, các Trường Mầm non Bình Minh, Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Hưng Dũng 1, Mầm non Hưng Dũng 2, Mầm non Cửa Nam, Mầm non Đông Vĩnh, Mầm non Quang Trung 2... cũng không xây dựng kinh phí chi trả tiền trực trưa cho giáo viên. Hoặc nếu có chi trả thì mức chi cho giáo viên trực trưa, dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/người/buổi (tùy theo trường) khiến nhiều giáo viên thắc mắc . 
Giáo viên Trường Mầm non Bến Thủy (TP. Vinh) không được chi trả chế độ tiền trực trưa dù vẫn thu tiền bán trú học sinh. Ảnh: Mỹ Hà
Giáo viên Trường Mầm non Bến Thủy (TP. Vinh) không được chi trả chế độ tiền trực trưa dù vẫn thu tiền bán trú học sinh. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: “Việc thu kinh phí phục vụ bán trú là nhằm hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức bán trú, chăm sóc và giáo dục trẻ; đồng thời để giáo viên được hưởng thêm các quyền lợi về làm thêm như trong quy định. Ngành cũng mong muốn tỉnh sớm có văn bản, đề ra mức thu chung theo từng vùng, từng khu vực hoặc có chính sách hỗ trợ cho những vùng khó khăn để việc triển khai thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo công bằng, khách quan”.

Tin mới