Bất chấp nỗ lực của Nga, Su-35 đã có 'bản nhái'

Khi bàn giao các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 Su-35SK cho Trung Quốc, Nga đã can thiệp kỹ thuật để Bắc Kinh không thể mổ xẻ chiếc tiêm kích này.

Một trong những hành động được Nga tiến hành chính là hàn chặt nhiều bộ phận của động cơ vào với nhau, khiến Trung Quốc chẳng làm cách nào tháo rời chúng ra để nghiên cứu kỹ cấu tạo nếu không phá hủy, dĩ nhiên khi đó mẫu vật chẳng còn mấy giá trị như ban đầu.

Tuy nhiên theo dự đoán của nhiều nhà quan sát, với năng lực "thiết kế ngược" siêu việt của mình, Bắc Kinh sẽ chẳng tốn quá nhiều thời gian để nắm được bí quyết công nghệ của tiêm kích Su-35 và sớm cho ra đời phiên bản nội địa.

Đúng như nhận định trên, các trang báo Trung Quốc hôm qua đã đăng tải ảnh biến thể mới nhất trong gia đình J-11 là J-11D thực hiện chuyến bay thử nghiệm, truyền thông Đại lục thông báo rằng J-11D thậm chí còn ưu việt hơn Su-35SK.

Bat chap no luc cua Nga, Su-35 da co 'ban nhai'
Hình ảnh chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tiêm kích J-11D.

Dự án J-11D của Trung Quốc thực ra đã "thai nghén" từ lâu nhưng tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ trước khi nước này được Nga cung cấp Su-35SK, đã có lúc chương trình J-11D phải đối diện nguy cơ bị hủy bỏ.

Mặc dù đã sắp bước vào sản xuất hàng loạt tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20, tuy nhiên đơn giá đắt đỏ khiến chúng khó mà được chế tạo với số lượng lớn.

Chính vì vậy mà J-11D sẽ nhận trọng trách lấp đầy khoảng trống, tạo sự kết nối trong biên đội theo mô hình cao - thấp thường gặp.

Cùng phát triển trên khung thân Su-27 Flanker nhưng Su-35 lại có thiết kế khí động học hoàn toàn khác, dễ nhận thất nhất là nó đã bỏ đi ống không tốc có chiều dài khá lớn ở mũi máy bay đóng vai trò điểm tựa khí động học và đặc điểm này đã xuất hiện trên chiếc J-11D.

Bat chap no luc cua Nga, Su-35 da co 'ban nhai'
Tiêm kích J-11D của Trung Quốc có các đặc điểm bên ngoài gần như giống hệt Su-35.

Thậm chí theo lời giới thiệu của các kỹ sư hàng không Trung Quốc, J-11D còn ưu việt hơn cả Su-35 nhờ được trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA) thay vì loại thụ động (PESA) N035 Irbis-E.

J-11D sẽ thấy trước và bắn trước được ở cự ly rất xa mà không phải lo lắng tới phương tiện đối kháng điện tử của đối phương.

Bên cạnh đó, công nghệ động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) cũng đã được Trung Quốc làm chủ khi loại WS-10 tích hợp cho J-20 đã vượt qua giai đoạn đánh giá thử nghiệm ban đầu.

Động cơ cho J-11D còn có thể mang một vài đặc tính của loại lắp trên tiêm kích thế hệ 5.

Dĩ nhiên đây mới chỉ là lời khẳng định từ phía Bắc Kinh, chưa có một chỉ dấu thực sự đáng tin cậy nào cho thấy những lời tuyên bố của họ là đúng sự thật.

Nhưng bỏ ngoài vấn đề đó, việc tiêm kích J-11D đã được cất cánh vẫn là sự kiện rất đáng quan tâm.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới