Bắt ong thợ tiết sữa nuôi chúa, thu hàng trăm triệu đồng

(Baonghean.vn)- Người nuôi ong tạo ra những 'nụ chúa giả' (còn gọi là vú trâu) để đánh lừa ong thợ tiết dịch sữa vào nuôi ấu trùng ong chúa.

Với lợi thế về rừng, vườn rừng, đa dạng các loại cây ăn quả, những năm gần đây, nghề nuôi ong ở Anh Sơn ngày càng phát triển.

Đến thôn 1 xã Thạch Sơn, hỏi thăm nhà ông Bùi Đức Vinh, người đã có nhiều năm làm nghề nuôi ong lấy mật, hầu như ai cũng biết.

1
Ông Bùi Đức Vinh thôn 1 xã Thạch Sơn chăm sóc đàn ong của gia đình. Ảnh: Huyền Trang.

Nhẹ nhàng nâng những cầu ong lên kiểm tra, ông Vinh cho biết: Nuôi ong là nghề truyền thống lâu đời của gia đình, nhưng từ năm 2012 ông mới mở rộng quy mô, bởi theo ông nghề nuôi ong có thể tranh thủ được thời gian lúc nhàn rỗi, hơn nữa lại cho thu nhập cao. "Con ong có thể tự nhân giống để phát triển, trong một năm, người nuôi ong chỉ mất vài tháng đầu tư thức ăn vào thời điểm cây cối không có hoa hoặc ít hoa; thời gian còn lại, ong sẽ tự tìm thức ăn từ thiên nhiên và làm mật".

Hiện nay ông Vinh luôn duy trì từ 70-100 đàn/năm, ngoài việc bán mật ong, ông Vinh còn nhân giống để bán đàn với số lượng lớn giúp thu về từ 70 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Hiệu quả gấp chục lần so với sản xuất nông nghiệp.

1
Với lợi  thế rừng, vườn rừng nhiều tạo điều kiện cho ong trên địa bàn phát triển tốt. Ảnh: Huyền Trang

Không chỉ nuôi ong để lấy mật, nhiều người dân miền núi Anh Sơn còn nuôi ong để lấy sữa ong chúa. Anh Nguyễn Trọng Việt thôn 8, xã Khai Sơn cho biết: Gia đình bắt đầu nuôi ong từ 2013, lúc đầu chỉ nuôi nhỏ lẻ vài chục đàn, rồi dần nhận thấy nuôi ong cho giá trị kinh tế cao, anh nhân rộng lên 400 đàn. Qua tìm hiểu thấy thị trường tiêu thụ sữa ong chúa lớn vậy là anh tìm tòi học hỏi để sản xuất sữa ong chúa ngay tại nhà.

Theo anh Việt cho biết, vì chưa có kinh nghiệm nên những mẻ ong chúa đầu tiên đều bị thất bại. Rồi vừa học vừa làm dần dần anh cũng rút ra kinh nghiệm đó là quy trình lấy sữa ong chúa đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt và dựa trên tập tính bản năng tự nhiên của loài ong.

Từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau là thời gian lý tưởng cho việc khai thác sữa ong chúa. Lúc này, người nuôi ong cần tạo ra những “nụ chúa giả” để đánh lừa ong thợ tiết dịch sữa vào nuôi ấu trùng ong chúa.

1
Những nụ ong chúa giả được anh Việt tạo ra để đánh lừa ong thợ tiết dịch sữa vào nuôi ấu trùng ong chúa. Ảnh: Huyền Trang

"Tạo sữa ong chúa vừa phải mất nhiều thức ăn nuôi ong, vừa giảm sức lao động của đàn ong mới có thể tạo ra những giọt sữa quý, tuy nhiên công việc khá công phu và vất vả nên không phải ai cũng có kỹ thuật tốt để tạo ra ong chúa. Tùy vào số lượng của từng tổ ong, có thể đặt 2- 3 cầu nụ chúa giả để lấy sữa. Sau khi thu hoạch, sữa ong chúa phải được bảo quản trong môi trường lạnh' - anh Việt cho hay.

Được xem như là một dưỡng chất tự nhiên, tốt cho sức khỏe và làm đẹp da, do vậy mà sản phẩm sữa ong chúa của gia đình anh Việt sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Với số lượng tr ên 400 đàn trong đó có hàng chục đàn chuyên nuôi để lấy sữa ong chúa, mỗi năm gia đình anh Việt thu hoạch được khoảng 10 lít sữa ong chúa và hơn 4 tấn mật ong thu về từ 100-150 triệu đồng/năm.

1
Nhiều sản phẩm từ ong như: sáp ong, mật ong, sữa ong chúa của người dân Anh Sơn được thị trường tin dùng. Ảnh: Huyền Trang

Ngoài lợi ích về kinh tế từ sản phẩm mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, nuôi ong còn giúp cho vườn cây ăn quả phát triển tốt nhờ được thụ phấn đều đặn. Bởi thế, nhiều người dân ở huyện miền núi Anh Sơn đã kết hợp nuôi ong với trồng cây ăn quả, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng.

Hiện nay, toàn huyện Anh Sơn có khoảng vài trăm hộ nuôi ong với số lượng lên đến hàng nghìn đàn tập trung tại các xã như Long Sơn, Khai Sơn, Phúc Sơn, Cao Sơn… 

                                                           Huyền Trang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới