Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - cuộc bầu cử lạ kỳ

(Baonghean) - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu chọn ra chủ nhân mới của Phòng Bầu dục. Để có cái nhìn sâu sắc hơn về sự kiện chính trị quan trọng không chỉ riêng với Mỹ mà với cả cục diện thế giới trong tương lai, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

P.V: Thưa Thiếu tướng, bầu cử Mỹ năm nay có gì mới và khác so với các cuộc bầu cử trước?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Bầu cử Tổng thống là “chuyện thường” diễn ra 4 năm/lần ở Mỹ. Song phải khẳng định bầu cử năm 2016 hết sức đặc biệt, thu hút sự quan tâm chưa từng có của dư luận thế giới. Tính “kỳ lạ” của cuộc bầu cử này thể hiện ở 3 điểm.

Thứ nhất, về 2 ứng cử viên, bà Hillary Clinton là người phụ nữ đầu tiên trong 240 năm lịch sử Mỹ ra tranh cử chiếc ghế Tổng thống. Trước cũng có một số phụ nữ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng cao nhất là với vị trí liên danh Phó Tổng thống cùng các ứng viên khác.

Nhìn lại 44 đời Tổng thống Mỹ, hầu hết đều tham gia chính trường, 26 vị từng có kinh nghiệm hành nghề luật sư. Những người khác dù làm nghề gì đi nữa thì cũng từng trải chính trường, có danh tiếng tầm cỡ quốc gia. Ví dụ như cựu Tổng thống Ronald Reagan, dù xuất thân là diễn viên điện ảnh Hollywood nhưng ông đã có thời gian trên cương vị thống đốc bang, rồi nghị sỹ, bộ trưởng liên bang, thẩm phán tòa án tối cao liên bang,…

Còn Donald Trump - tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản nhưng lại là “người mới” trong chính trường Mỹ.

2 ứng viên tranh chức Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump.Ảnh: Internet
2 ứng viên tranh chức Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump. Ảnh: Internet.

Điểm đặc biệt khác, cả 2 ứng viên năm nay đều có “điểm đen”. Hillary Clinton thì vấp phải sự phê phán của dư luận về bê bối thư điện tử cá nhân khi đương chức Ngoại trưởng, trách nhiệm trong vụ tấn công ở Benghazi, Lybia, chuyện trăng hoa của chồng,…

Trong khi đó, Donald Trump vốn thiếu kinh nghiệm hoạt động chính trị, lại thêm sự lỗ mãng trong tính tình, những phát biểu mang tính lăng mạ các ứng cử viên khác trong suốt thời gian vận động tranh cử và miệt thị dân nhập cư, phụ nữ,… cũng là điểm “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Đoạn băng phát đi hôm 7/10 còn tiết lộ tình tiết 11 năm về trước, Trump từng khoe khoang về việc lạm dụng tình dục đối với phụ nữ, tuyên bố mình được làm điều đó vì là một ngôi sao!? Theo dõi nhiều chính khách của nhiều quốc gia, nếu so sánh có lẽ chưa từng có ai lại có những phát biểu gây sốc và xúc phạm đến vậy. 

Cuối cùng, qua 3 cuộc tranh luận trực tiếp vừa rồi, hơn 320 triệu người dân và 100 triệu cử tri Mỹ không được thỏa mãn khi thay vì tranh luận về các chương trình hành động, chính sách đối nội, đối ngoại, kinh tế, an ninh,… thì các ứng viên lại dành thời gian công kích, thóa mạ nhau.

Có thể nói rằng cử tri Mỹ chưa bao giờ lại thất vọng nhiều đến vậy đối với các ứng cử viên Tổng thống, và đâu đó vẫn có ý kiến hoài nghi về đường hướng duy trì vị thế hàng đầu thế giới dưới thời tân Tổng thống.

P.V: Do đâu lại có những đặc điểm như trên, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhìn sâu vào giới tinh hoa cũng như tầng lớp bình dân nước Mỹ, có thể nói rằng những gì đang diễn ra cho thấy quốc gia này đang trải qua một cuộc khủng hoảng toàn diện. Từ Đại suy thoái 1929 - 1933 đến nay, nước Mỹ đã trải qua 7 cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế, song 6 cuộc khủng hoảng trước chỉ kéo dài 2-3 năm trước khi Mỹ bước vào chu kỳ phát triển mới.

Còn cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu từ năm 2008, nhưng đến nay cũng chỉ vừa thoát đáy khủng hoảng, nền kinh tế bấp bênh. Từ đó dẫn tới an sinh xã hội không đảm bảo, phân hóa giàu nghèo sâu sắc (1% người giàu nắm 60% tổng tài sản nước Mỹ).

Trong bối cảnh như vậy, khủng hoảng chính trị trong nội bộ các đảng cũng lộ rõ, chẳng hạn như việc đảng Cộng hòa chọn Donald Trump làm ứng viên đại diện cũng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng này. Đảng Dân chủ dù ở mức độ thấp hơn song cũng đang gặp khủng hoảng. Thậm chí, đây còn là điều đang diễn biến ngày một trầm trọng, khi người Mỹ ngày càng mất lòng tin vào giới tinh hoa chính trị truyền thống.

Đại khủng hoảng lòng tin chính là nguồn cơn lý giải cho sự ra đời của “hiện tượng” Donald Trump, và cả Hillary Clinton. Dù chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ đến ngày bỏ phiếu, còn những yếu tố có thể thay đổi xu hướng này. 

P.V: Dư luận hiện đang nghiêng về dự đoán bà Hillary Clinton sẽ đắc cử. Ông có nhận định gì về khả năng này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dù quả thực người Mỹ chưa thật hài lòng với 2 ứng cử viên nhưng ngày 8/11 tới thực hiện quyền công dân, tuân thủ quy định pháp luật đông đảo cử tri Mỹ vẫn sẽ đi bỏ phiếu. Nếu không có sự kiện đặc biệt nào, tôi cho rằng xác suất thắng lợi của Clinton và Trump lần lượt là 60% và 40%.

Tuy nhiên, không loại trừ 2 nhân tố có thể xuất hiện bất ngờ, thay đổi cục diện hiện nay. Nói cách khác, dù mong manh nhưng cơ hội cho Trump vẫn còn. Đó có thể là phát ngôn, động thái vận động của ông Trump đủ để lôi cuốn cử tri còn lưỡng lự và lật ngược thế cờ.

Ngoài ra, nếu trong giai đoạn nước rút, chẳng may nước Mỹ gặp phải sự cố không ai mong muốn ví dụ như khủng bố, thì chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của cử tri Mỹ. Với giả định đó, cử tri có thể sẽ nghiêng về ủng hộ Donald Trump nhiều hơn, bởi dù gì ông cũng là người có quan điểm cứng rắn, phản đối người Hồi giáo, người nhập cư.

Chỉ còn gần 2 tuần nữa 100 triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu.Ảnh: Internet
Chỉ còn gần 2 tuần nữa 100 triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu. Ảnh: Internet.

P.V: Thưa Thiếu tướng, tại sao thế giới lại quan tâm đến bầu cử Mỹ nhiều đến vậy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề nội bộ của nước Mỹ song họ là một siêu cường về mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh,… Nếu Cục dự trữ Liên bang (FED) thay đổi lãi suất thì đó có thể là động thái rung chuyển cả nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Mỹ vẫn là đầu tàu. Mỹ có hơn 200 căn cứ quân sự ở nước ngoài, bao quanh hành tinh, có mặt ở khắp các châu lục.

Chính vì vai trò quyết định, điều hướng đối với sự phát triển chung của thế giới nên những sự kiện lớn ở nước này được dư luận các nước theo dõi sát sao là điều dễ hiểu.

Người ta quan tâm bầu cử Mỹ cũng bởi lý do tương tự, kết quả cuối cùng không chỉ có ý nghĩa trong lòng nước Mỹ, mà tác động đến cả nhiều lĩnh vực khác trên quy mô toàn cầu.

Người nắm giữ chiếc ghế Tổng thống Mỹ không chỉ lãnh đạo toàn bộ nước Mỹ, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho hàng trăm triệu người dân Mỹ. Họ còn tác động vào toàn bộ hoạt động của phần còn lại của thế giới, góp phần định hình tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới.

Do đó, khi nhìn lại năm 2016, bầu cử Mỹ chắc chắn sẽ là một trong những từ khóa đáng chú ý nhất, tâm điểm của giới truyền thông và dư luận quốc tế.

P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Phú Bình

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới