'Báu vật' trong gian bếp của người Thái Nghệ An

(Baonghean) - “Mò nừng” là một phần trong bộ công cụ đồ xôi của người Thái.

Ngày nay, cộng đồng người Thái đã và đang có những thay đổi nhất định trong các sinh hoạt, ăn uống, nhưng gạo nếp vẫn đóng vai trò là lương thực quan trọng. Vì thế mà dụng cụ đồ xôi vẫn khá phổ biến ở những gia đình người Thái.

Phụ nữ Thái thường dùng mò nừng để hông xôi. Ảnh: Hữu Vi
Phụ nữ Thái thường dùng mò nừng để hông xôi. Ảnh: Hữu Vi
Từ nhiều thế hệ nay, bộ dụng cụ này không hề thay đổi. Nó gồm 2 phần, phía trên là một ống gỗ hình trụ, đường kính từ 20 - 30 cm, cao trên 40 cm được khoét từ cây sung và một số loài gỗ mọc ven sông suối khác. Tiếng Thái gọi là “hay” hoặc là “khay”.
Đi kèm với cái “hay” là một chiếc nồi kim loại bằng đồng thau, gang hoặc hợp kim nhôm, kẽm... Chiếc nồi có cổ dài, trên chóp là một phần hình phễu là để giá đặt chiếc ống gỗ. Xung quanh có thể đổ nước để hơi nóng không thoát ra ngoài. Người Thái gọi chiếc nồi là “mò nừng”.

Nhưng chiếc nồi đặc biệt này không chỉ có vậy. Nó không đơn giản là một vật dụng bình thường, dẫu hình thức có phần lỗi thời lại có một sức sống lâu bền trong văn hóa ẩm thực của người Thái.

Trong các giai thoại dân gian, chiếc nồi đồ xôi đã trở nên rất quen thuộc. Chuyện cô gái tóc thơm, nhân vật cổ tích được một số người gán cho công trạng giúp Lê Lợi đánh quân Minh xâm lược hồi thế kỷ 15 cũng được kể là người thường dùng chiếc nồi “mò nừng” đồ xôi cho cha mình ăn.

Bóng dáng của vật dụng thân thuộc này cũng xuất hiện trong những truyện thơ nổi tiếng của người Thái xứ Nghệ như Chuyện chim yểng hay Khủn Chưởng… Người thường dùng đến nó là các cô gái, bà góa, anh trai nghèo… Điều này cho thấy, chiếc nồi đồ xôi này từ xa xưa đã là một vật dụng quá đỗi thân thuộc với cộng đồng người Thái.

Ảnh: Đào Thọ
Thời xưa, chiếc mò nừng còn thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Ảnh: Đào Thọ
Những ai gắn bó dài lâu với các bản làng người Thái sẽ hiểu hơn tầm quan trọng nhiều khi vượt ra ngoài phạm vi vật chất của chiếc “mò nừng”. Khi một người trẻ lập gia đình, dù có nghèo đến mấy, gia chủ cũng cố mua cho bằng được một chiếc để dùng. Vào mỗi sáng sớm, người phụ nữ thường là bà mẹ, nàng dâu hay cô con gái đã đến tuổi cập kê muốn chứng tỏ mình siêng năng thường dậy sớm đồ xôi. Điều đầu tiên mà họ làm sau khi nhóm xong bếp lửa là đem chiếc nồi ra cọ rửa. Có không ít người chẳng cọ rửa gì. Họ cứ nấu đi, nấu lại như thế nhiều tháng trời, cho đến khi chiếc nồi bám đầy bồ hóng, đen bóng như thể gia chủ đã dùng cả trăm năm. Xong việc, chiếc nồi được trả về chỗ của nó trong căn bếp, ở một góc tối khó nhìn thấy nhất và là thứ đồ dùng làm bếp quý giá nhất. 

Suốt thời phong kiến, việc sở hữu một chiếc nồi “mò nừng” còn thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Những lãnh chúa phong kiến mới mua được những chiếc nồi bằng đồng, có đúc hình rồng, có 2 chiếc tai để tiện nhấc lên xuống trên bếp. Họ chỉ đem ra dùng khi có việc quan trọng. Những nhà giàu có nhưng thấp kém hơn các lãnh chúa thường dùng nồi đồng có đúc hình con cóc, rẻ tiền hơn. Những người có đẳng cấp thấp kém thường chỉ mua được những chiếc nồi bằng kẽm; và dù có khó khăn đến mấy người ta cũng cố gắng có một chiếc để dùng. Cái nồi “mò nừng” được nâng niu như một báu vật.

Ảnh: Đào Thọ
Chiếc mò nừng gắn bó với căn bếp của đồng bào người Thái nhiều thế hệ qua. Ảnh: Đào Thọ
 Dù quan trọng vậy, nhưng hầu như người Thái không sản xuất chiếc nồi “mò nừng”. Ở các bản làng người Thái xứ Nghệ vẫn có những xưởng rèn, nhưng họ cũng chỉ dừng lại ở việc rèn các nông cụ, không làm được “mò nừng”. Có thể là trình độ về luyện kim của cộng đồng thiểu số này không cho phép họ làm được những vật dụng có độ khó như thế. Người Mông là cộng đồng có nghề rèn tinh xảo cũng không làm vật dụng này.

Một số cụ cao niên được hỏi kể rằng trước kia, người Thái chủ yếu mua “mò nừng” từ người Lào. Vì thế mà giá cả khá đắt đỏ, nhất là khi vật dụng này được đúc bằng đồng. Về sau, những người thợ luyện kim từ miền xuôi cũng làm được “mò nừng”. Dân bản thường mua nó từ những người bán hàng rong.

Ngày nay, những chiếc nồi “mò nừng” bằng đồng thau gần như không còn được sản xuất nữa. Nó chỉ còn được một số ít gia đình người Thái giữ được. Có những cái tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Vào thập niên 1980 và 90, nhiều người miền xuôi tìm đến hỏi mua những cổ vật này. Không ít người vì người mua trả giá cao nên đã bán đi.

Mặc dù, trong căn bếp của cộng đồng người Thái xứ Nghệ đã xuất hiện những đồ làm bếp hiện đại, thế nhưng chiếc “mò nừng” đồ xôi vẫn còn hiện hữu bền lâu cùng những nét ẩm thực độc đáo của cộng đồng người Thái.

Tin mới