Bẫy

BẪY

Quá ngoạn mục! Khó để gọi là bàn thắng đẹp nhưng rõ ràng đó là một pha phá bẫy việt vị mẫu mực, chọc khe thông minh rồi dũng mãnh đột phá thẳng vào trung lộ để xé lưới “đội khách” trong một tình huống mà hàng phòng thủ dày đặc kinh nghiệm của đối phương không kịp trở tay! Vụ công an tỉnh Vĩnh Phúc tóm quả tang đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ ngay tại trụ sở công quyền đang được cư dân mạng hào hứng bàn luận như một pha làm bàn kinh điển trong bóng đá, thậm chí tôn vinh như một chiến công hiển hách làm nức lòng thiện dân. Hàng trăm cách biểu thị cảm xúc khác nhau nhưng cùng chung một tâm trạng là… quá đã!

Trên trang cá nhân của một Facebooker nổi tiếng còn “mượn nhạc phổ lời” bài hát “Khi xưa ta bé” đầy dí dỏm rằng:

Khi xưa đôi ta bé ta chơi
Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi
Chơi công an đi bắt thanh tra
Anh hiên ngang giơ súng ngay tim
Bang Bang….

“Công an đi bắt quân gian” thì đương nhiên rồi, cay là cay ở chỗ bắt… thanh tra! Những tiếng vỗ tay âm thầm theo bàn phím lan tỏa. Hả hê trước sự việc tày trời này suy cho cùng cũng chỉ là cảm xúc nhất thời trồi lên nhằm “hồi trả” cho những dồn nén trước đó thôi. Nỗi đau mới là thăm thẳm và bất tận. Ai có thể nghĩ một đoàn thanh tra cấp Bộ lại tự hạ nốc ao mình nhanh gọn và thê thảm đến thế. Nó không chỉ là một vụ án với tổ hợp hành vi tiêu cực có thâm niên mà quan trọng là sự khảng khái, quyết đoán và chuẩn xác của cơ quan công an trong việc “bắt tận tay day tận trán”, vật ngửa ra một sự thật phía sau đáng sợ hơn rất nhiều! Câu hỏi vượt thời gian “Tại sao thanh tra bao nhiêu vụ mà vẫn không khui ra được sai phạm?” đã được lý giải rõ ràng nhưng tột cùng của sự nghiệt ngã. Ấy vậy mà giữa lúc sự việc đang nóng như hòn than lại có một ai đó nổi mẩn ngứa vùng miệng để nhả ra thứ bình luận kiểu đoàn thanh tra này bị dính “bẫy”. Vẫn cái chiêu trò cũ rích hòng đánh tráo sự thật. Ý đồ biến thủ phạm thành nạn nhân để vớt vát chút bọt thừa danh dự và ăn mày lòng thương hại với đúng chữ – bẫy! Trâng tráo và rất chi là… trâng tráo! Lội ngược lại các vụ ngoại tình thời gian qua, có lẽ mười pha cán bộ bị bắt quả tang dắt “bồ” vào khách sạn thì có đến chín vụ rưỡi “nạn nhân” hét toáng trước mi cờ rô rằng mình bị cài bẫy! Và lần này, khi đoàn thanh tra Bộ XD bị tóm quả tang giữa thanh thiên bạch nhật, trần trụi đến mức hai năm rõ mười như vậy mà loáng thoáng đâu đó vẫn có người  núp sau bụi chuối thè lưỡi đánh tiếng là “bẫy”! Xin lỗi, bẫy cái con khỉ, bậy thì có!

Không ai nhớ nổi trong cuộc đời đã vượt qua bao nhiêu là cái bẫy lớn nhỏ. Kẻ khôn mỗi lần gỡ mình ra khỏi một cái bẫy là mỗi lần đào tẩu thành công khỏi một thất bại, kẻ khôn biết nuốt bài học vào trong để pha loãng sự ngu ngốc. “Ai nên khôn mà chả dại một đôi lần”. Tuy nhiên khi đã trưởng thành và thay mặt dân giữ trọng trách xã hội thì sự khờ dại phải nằm trong danh mục của những câu chuyện kể về dĩ vãng. Làm quan mà để mắc bẫy xoành xoạch thì có khi lại phải đo chỉ số thiểu năng không chừng!

Cuộc chiến chống tham nhũng càng vào sâu trong “vùng có củi” càng khó lường.  Một trong những “bài” mà các đối tượng thường mang ra hù dọa và đánh lừa dư luận chính là việc đổ trây cho những cái bẫy. Hễ cứ có “chuyện” là bung ngay tệp câu hỏi “Ai đang đánh ai?” “Phe nào diệt phe nào?” và nguyên nhân trực tiếp thì bị gọi là bẫy! Cái trò tung bột ớt này tuy xưa cũ nhưng cực kỳ thâm hiểm và khá hiệu quả. Nhiều người nhẹ dạ cả tin bị cuốn vào những câu chuyện hậu trường ly kỳ để rồi quên mất đâu là nạn nhân và đâu là thủ phạm.  Dọc theo sự kiện chúng ta gặp không ít những lời than vãn đầy thê lương nhưng cũng quá ấu trĩ. Câu chuyện một cán bộ trẻ vi phạm đạo đức lối sống đến mức phải thi hành kỷ luật thì nơi trà dư tựu hậu lại vương vãi những lời khóc mướn kiểu như “Trơi ơi, tội quá bố mất rồi giờ con lại bị đánh bẫy cho tơi tả”. Rõ là tự anh ấy không vượt qua được sự cám dỗ của nhan sắc cơ mà. Có ai bẫy anh ấy đâu, tự anh ấy bẫy mình đấy chứ. Trở lại với vụ việc Thanh Tra Bộ Xây dựng vừa bị khởi tố, theo người trực tiếp “bơm” tiền thì đích danh Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đã gợi ý là “cần phải có quà, tiền cho đoàn để còn định hướng”. Một vị lãnh đạo xã khác thì cho báo chí biết, “Đoàn thanh tra nói rằng đối với phần xây dựng phải nộp 1,5%, tư vấn giám sát 5% số tiền bị thu hồi”. Ồ vậy còn ai nói là bẫy nữa không ạ? Ai bẫy ai ạ? Dùng tiền để bẫy quyền hay đang dùng quyền bẫy tiền?

Xin được dẫn 2 câu chuyện có vẻ rất liên quan. Năm 2017 đoàn thanh tra do cục phó cục kiểm soát môi trường của Bộ TNMT dẫn đầu đang thực thi nhiệm vụ thanh tra tại Long An thì bỗng nhiên vị này báo bị mất trộm gần 400 triệu đồng tại khách sạn. Khi dư luận đặt câu hỏi truy vấn về nguồn gốc số tiền thì vị này phân bua rằng đấy là tiền của… vợ! Có một chi tiết trùng khớp khá thú vị là khi khám phòng làm việc nữ trưởng thanh tra tại Vĩnh Phúc cũng có trong tủ gần 400 triệu đồng.

Câu chuyện thứ 2 là mấy ngày gần đây báo chí phản ánh một doanh nghiệp tại thành phố HCM (Công ty phát triển đô thị Phi Long) phẫn uất vì bị thanh tra kiểm tra lên tới 138 lần. Sau khi tiếp nhận lời kêu cứu, thanh tra thành phố đã về làm việc vậy là nâng tổng số lần bị kiểm tra lên con số 139! Trong số đó có những cuộc đậm chất sân khấu như kiểm tra việc “đuổi muỗi từ dự án này bay sang dự án khác”… Ôi, ai nhịn được cười không? 138 lần kiểm tra cho một doanh nghiệp và gần 400 triệu đồng nhàn rỗi nấp trong tủ đoàn thanh tra. Cầu xin 2 con số này đừng liên quan đến nhau, lạy Chúa.

Chỗ tôi có chị nọ sau khi tuyển được người giúp việc đã cố tình mở hớ hênh két sắt xem con bé ô sin có thói ăn cắp không mà dằn mặt từ đầu. Tất nhiên chị ta chỉ dùng một ít tiền để thứ lòng thôi, số nữ trang quý giá thì bỏ ngăn dưới và khóa cẩn thận. Ngày thứ nhất an toàn, ngày thứ 2 vẫn an toàn, ngày thứ 3 vẫn an toàn, ngày thứ 100 vẫn thế. 7 tờ tiền mệnh giá 200 ngàn vẫn yên vị bên trong cái ngăn thượng của két sắt. Chị vừa mừng vì gặp được người thật thà lại vừa chút áy náy vì lỡ đa nghi. Mấy năm sau con bé ô sin về quê lấy chồng, 7 tờ tiền “mồi” vẫn an nhiên nằm đấy, chỉ có khác là khi đưa hai chiếc nhẫn và 3 sợi dây chuyền ra tiệm đánh bóng chị mới biết nó đã biến thành vàng giả tự thủa nào! Chao ôi, 7 tờ tiền mệnh giá 200 ấy là cái bẫy chị giăng cho chính mình! Cay chưa! Mọi người cười chị, “ngốc thế, sao lại đưa mỡ treo đầu miệng mèo!” Chị bức xúc quát “Nhưng nó không phải là mèo nó không là con vật, nó là người”. Bên kia vặc lại “Là người thì sao lại bẫy nhau?”

Ừ nhỉ, là người sao lại bẫy nhau./.