Bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An đã 'hạ nhiệt'

(Baonghean.vn) - Bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Nghệ An đã được chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn tập trung, khống chế trong diện hẹp. Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy, đến tháng 6, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 40 ổ dịch nhỏ lẻ, “hạ nhiệt” đáng kể so với thời điểm ra tết...
Nguyên nhân dịch tái phát
Sau một thời gian lắng xuống, đến đầu năm 2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn nhiều huyện, thành phố, thị xã của Nghệ An. Hàng nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy, nhiều hộ dân lâm cảnh trắng tay, chính quyền địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị gồng mình chống dịch. Trong đó, dịch “nóng” nhất là các huyện: Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành…
Điển hình như huyện Thanh Chương, dịch bùng phát mạnh vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5. Đã có 1.746 hộ, thuộc 212 thôn, xóm của 36 xã bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn bị chết tiêu hủy 6.075 con, tương đương 415 tấn. Tại huyện Diễn Châu, thời điểm cao nhất của đợt dịch này, có 23/37 xã dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dịch hoành hành tại nhiều thôn, xóm, khiến nhiều hộ chăn nuôi trong chốc lát phải tiêu hủy cả đàn lợn, trong đó có những con lợn nái trọng lượng lớn, trị giá 15 - 18 triệu đồng.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh Xuân Hoàng
Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Xuân Hoàng

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trong thời gian qua. Đó là không ít người dân khi lợn đã bị nhiễm bệnh vẫn không khai báo với cán bộ thú y và chính quyền địa phương để tiêu hủy và có biện pháp cách ly, thậm chí còn giết lợn để bán với hy vọng thu lại phần chi phí đã đầu tư vào chăn nuôi. Tình trạng giết mổ lợn tự do, tự phát trong dân đang phổ biến dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bùng tái phát dịch.

Cùng với đó, việc buôn, bán thịt lợn trên thị trường diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Thịt lợn được bày bán tràn lan, trong và ngoài chợ, dọc đường. Một số tư thương buôn bán thịt lợn rong tại các địa bàn thôn, xóm, bản, nhất là vùng miền núi… Công tác vệ sinh chuồng trại trước và sau bệnh dịch thực hiện chưa thường xuyên, triệt để, trong khi đó, virus bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại khắp mọi nơi từ dưới nền đất, vách tường chuồng trại, bám vào bụi bặm, trong nước… Nếu không vệ sinh chuồng trại tốt, không thường xuyên rải vôi khử trùng, không phun hóa chất tiêu độc, khử trùng… thì mầm mống dịch bệnh có cơ hội tái phát. 

Hàng loạt lợn chết vứt dưới mương nước ở huyện lúa Yên Thành đầu tháng 5/2021. Clip tư liệu: Xuân Hoàng
Hiện nay, đối với địa bàn miền núi vẫn còn tình trạng chăn nuôi lợn thả rông dẫn đến dịch dễ lây lan ở các huyện vùng cao. Trách nhiệm của một số chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa thực sự tốt. Đặc biệt, 2 năm nay không có cán bộ thú y cấp xã, vì vậy, cả người chăn nuôi và lãnh đạo địa phương rất lúng túng không xác định được loại dịch bệnh gì khi gia súc bị ốm để có biện pháp phòng, chống, chữa trị. Không ít địa phương, người dân nóng vội tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học về dịch bệnh, cùng với đó, con giống lợn mua về nuôi không biết rõ nguồn gốc, dẫn đến lợn dễ mắc phải dịch bệnh. Một nguyên nhân nữa là tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường ao, hồ, sông, suối, kênh mương… khiến virus dịch có cơ hội phát tán.
Phòng, chống kịp thời
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Đó là kịp thời cung ứng lượng hóa chất tiêu độc, khử trùng, dụng cụ phòng dịch… cho các địa phương phun phòng dịch. Đặc biệt, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các huyện, thành phố, thị xã để chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; cùng đó ban hành các Văn bản, Chỉ thị, Công điện… chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch một cách kịp thời.
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
Tiêu hủy lợn nhiễm dịch trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
Cùng với đẩy mạnh hoạt động kiểm soát vận chuyển động vật và các sản phẩm từ động vật nhằm ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm lây nhiễm vào đàn vật nuôi, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh đã tái phát tại một số địa phương lân cận cũng như tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nhằm nâng cao ý thức để người dân hiểu và thực hiện triệt để “6 không”: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; Không chữa trị lợn bệnh.
Song song với đó, đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch như: Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc; thành lập các đội tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc người dân “bán chạy” lợn ốm, chết; con giống phải có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi; chấp hành nghiêm việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi theo quy định; thực hiện tốt tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc cho đàn vật nuôi nói chung; khi phát hiện có ổ dịch, các địa phương khẩn trương áp dụng đồng bộ, nghiêm ngặt các giải pháp xử lý dịch theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh và cơ quan chuyên môn kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng
Lãnh đạo tỉnh và cơ quan chuyên môn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng
Từ đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã “hạ nhiệt” đáng kể. Tính đến ngày 14/6, toàn tỉnh chỉ còn 40 ổ dịch chưa qua 21 ngày, tại 12 huyện, thị gồm: Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Anh Sơn, Nam Đàn, Quế Phong, TX. Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Tương Dương. Người chăn nuôi đã ý thức được công tác phòng dịch trong chăn nuôi, đặc biệt là hạn chế tình trạng người dân vứt lợn chết ra môi trường.

Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh "hạ nhiệt" đáng kể, nhưng nguy cơ tái dịch cao, bởi hiện nay chưa có vắc-xin phòng dịch; chăn nuôi lợn chủ yếu vẫn là nông hộ, nhỏ lẻ, chưa áp dụng các giải pháp an toàn dịch bệnh, vệ sinh sát trùng còn hạn chế. Đặc biệt, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển, chăn nuôi lợn tại nhiều địa phương còn khó quản lý. Do vậy, để khống chế được dịch lâu dài, theo ông Đặng Văn Minh, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng dịch theo Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Chăn nuôi lợn là thế mạnh của Nghệ An, tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ vẫn chiếm phần lớn. Do vậy, để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, người dân cần thực hiện tốt các giải pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan thú y, cùng đó chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Thú y đã ban hành.

Tin mới