Sinh hoạt tư tưởng:

Bệnh lãng phí

(Baonghean.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”...

Lâu nay, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói rất nhiều đến bệnh lãng phí. Lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên khác của quốc gia, kể cả của các cơ quan, đơn vị, cá nhân không đúng nguyên tắc, không đúng quy định, kém hiệu quả.

Ở tầm vĩ mô, qua phương tiện truyền thông đại chúng, trong những năm vừa qua đã có những vụ việc gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước, đất đai, tài nguyên với trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đầu tư công hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả. Nhiều khoản chi ngân sách Nhà nước không thật sự cần thiết, như hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, các lễ hội,... Có nhiều công trình chưa cần thiết hoặc khai thác không hiệu quả, nhiều dự án hạ tầng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước với chi phí cao nhưng chất lượng kém, phải tốn nhiều chi phí bảo trì, sửa chữa.

Việc sử dụng công nghệ lạc hậu trong khai thác tài nguyên nên kém hiệu quả, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Hầu hết xuất khẩu thô với giá rẻ; lại phải nhập nguyên, nhiên, vật liệu mà nhiều loại được sản xuất từ chính nguyên liệu thô do ta xuất với giá thành cao, làm thâm hụt cán cân thanh toán. Việc quản lý, khai thác chưa chặt chẽ, vừa thất thoát tài nguyên, vừa làm thất thoát ngân sách, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Doanh nghiệp Nhà nước, với ý tưởng là những “cú đấm thép”, được hưởng rất nhiều ưu đãi về vốn, tài nguyên, công nghệ, chính sách nhưng trên thực tế hiệu quả hoạt động rất thấp so với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư tràn lan cả vào các lĩnh vực trái ngành nghề,... đã thiệt hại nặng nề, gây thất thoát lớn ngân sách, tài sản Nhà nước.

Việc mua sắm, sử dụng tài sản công không đúng quy định, quản lý thiếu chặt chẽ. Riêng lãng phí trong mua sắm, sử dụng hàng nghìn xe công đã rất đáng kể. Việc chi tiêu công quỹ nhiều nơi tùy tiện, vô nguyên tắc. Ngoài ra, chúng ta còn sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động,...

Trong cuộc sống hàng ngày quanh ta, vẫn còn nhiều hiện tượng lãng phí. Đó là những quy hoạch treo, đắp chiếu nhiều năm. Đó là những chương trình, dự án không thiết thực, làm chưa xong đã hỏng, không tận dụng được hiệu suất. Đó là những cuộc họp vô bổ. Đó là những bữa ăn dư thừa quá nhiều,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”,...

Có nhiều nguyên nhân gây ra sự lãng phí, có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nhưng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là  ý thức chấp hành pháp luật, quy định của cả người có thẩm quyền và người thực thi còn yếu kém. Điều đáng nói là có những vị thích lập những “kỷ lục”, tạo ra sự “hoành tráng”, “đẳng cấp”,... Họ cho rằng như vậy mới là “người lớn, làm lớn, nghĩ lớn”, thậm chí coi thường sự tiết kiệm và người tiết kiệm! Và thực chất, sự lãng phí này cũng là của dân mà họ nghĩ là “tiền chùa”, chứ của họ thì chặt chẽ lắm?

Lãng phí là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ ra.

Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và nhiều quy định trong các bộ luật khác về nội dung này khá đầy đủ, toàn diện, nhưng việc thực thi vẫn hạn chế. Hằng năm, nhiều vụ án tham nhũng, liên quan đến lãng phí được xét xử cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật của những người có liên quan, cả người có thẩm quyền và người thực thi còn hạn chế, yếu kém.

***

Khi Bác Hồ còn sống, nạn tham nhũng, lãng phí chưa phải như bây giờ, nhưng Người đã chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. “Tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa.  “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy…”,... “Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong nhân dân, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Lời Bác dạy năm nào vẫn còn nguyên giá trị.

Tin mới