Bệnh viện HNĐK Nghệ An hạn chế tiếp nhận bệnh nhân trong 2 tuần để phòng, chống dịch

(Baonghean.vn) - Bệnh viện HNĐK Nghệ An sẽ hạn chế tiếp nhận bệnh nhân trong vòng 2 tuần, chỉ tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân nặng, để tập trung thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân trong khám chữa bệnh.
Trung tâm Chỉ huy Phòng, Chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế Nghệ An làm việc cùng Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh: Thành Chung
Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế Nghệ An làm việc cùng Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Xuất hiện thêm F0 là bệnh nhân đang điều trị

Sáng 4/11, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An có buổi làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tại đơn vị này.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An: Từ đầu mùa dịch đến nay, tại Bệnh viện đã có 09 trường hợp F0, trong đó có 02 F0 liên quan đến nhân viên bệnh viện và 7 F0 là người nhà, bệnh nhân của Bệnh viện. Mới đây, vào ngày 31/10/2021, ở Khoa Phục hồi Chức năng đã phát hiện 03 trường hợp F0 (công bố vào sáng 01/11/2021).

PGS.TS Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An báo cáo tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: Thành Chung
PGS.TS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: Thành Chung

Sau khi phát hiện F0, bệnh viện đã tiến hành điều tra, truy vết, cách ly các F1 và phong tỏa các địa điểm liên quan đến F0; thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 4.178 bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế (cho kết quả âm tính). Đồng thời, Sở Y tế Nghệ An và Bệnh viện đã tiến hành gửi thông báo về các địa phương truy tìm 1.466 người từng đến Khoa Phục hồi Chức năng để triển khai các biện pháp chống dịch.

Đến sáng 04/11, tỉnh Nghệ An phát hiện và công bố có thêm 04 trường hợp F0 có liên quan đến Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Trong đó có 2 trường hợp F0 ở huyện Nghĩa Đàn và 01 trường hợp ở thị xã Hoàng Mai là người từng điều trị, chăm bệnh nhân ở Khoa Phục hồi Chức năng. Trường hợp F0 còn lại là bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện, được phát hiện nhờ việc sàng lọc Covid-19 định kỳ.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An nhận định về nguồn lây, dự báo tình hình dịch. Ảnh: Thành Chung
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An nhận định về nguồn lây, dự báo tình hình dịch. Ảnh: Thành Chung

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích đánh giá tình hình, tìm kiếm nguồn lây của trường hợp F0 mới xuất hiện. Theo đó, chỉ số xét nghiệm của F0 là bệnh nhân tại Trung tâm Đột quỵ cho thấy bệnh nhân mới bị lây nhiễm gần đây. Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện có quy mô lớn, người đến khám chữa bệnh đông, môi trường dễ lây lan dịch bệnh… Rất có thể vẫn còn có những F0 tiếp tục xuất hiện.

8 giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An yêu cầu Bệnh viện HNĐK Nghệ An khẩn trương triển khai 8 giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch. Đó là: Tiếp tục điều tra truy vết, xem xét các mối liên hệ của ca bệnh, rà soát kỹ và tìm kiếm bằng hết các trường hợp F1.

Không gian các khoa, phòng ở tòa nhà 7 tầng Bệnh viện HNĐK Nghệ An rất kín, nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan. Ảnh Thành Chung
Không gian các khoa, phòng ở tòa nhà 7 tầng Bệnh viện HNĐK Nghệ An rất kín, nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan. Ảnh: Thành Chung

Bệnh viện HNĐK Nghệ An thực hiện rà soát, thống kê lại toàn bộ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ ngày 20/10 đến nay tại Trung tâm Đột quỵ, Khoa Thần kinh, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Khoa Phục hồi Chức năng… gửi về Sở Y tế để thông báo cho các địa phương chủ động phòng dịch.

Bệnh viện cần thực hiện nghiêm túc việc cách ly các F1; tiếp tục phong tỏa Khoa Phục hồi Chức năng và thực hiện xét nghiệm theo quy định; khảo sát, đánh giá lại khu vực phong tỏa liên quan đến trường hợp F0 của Trung tâm Đột quỵ; thiết lập khu vực riêng cho đội ngũ y, bác sĩ đang làm việc tại đây, vừa đảm bảo khám chữa bệnh, vừa phòng dịch, tránh dịch lây lan sang các khoa phòng khác.

Bệnh viện phải hạn chế ngay việc di chuyển, tiếp xúc không cần thiết, dừng các hoạt động không thiết yếu trong bệnh viện; không tổ chức ăn tại nhà ăn bệnh viện, phục vụ suất ăn đến buồng bệnh nhân. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện chỉ đi lại khi cần thiết.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh khảo sát, chỉ đạo thiết lập khu vực phong tỏa tại Bệnh viện. Ảnh: Thành Chung
PGS.TS Dương Đình Chỉnh khảo sát, chỉ đạo thiết lập khu vực phong tỏa tại Bệnh viện. Ảnh: Thành Chung

Thực hiện nghiêm việc xét nghiệm khu phong tỏa và xét nghiệm sàng lọc định kỳ bằng phương pháp test nhanh hoặc xét nghiệm PCR liên tục trong 2 tuần với 4 lần xét nghiệm; đẩy mạnh công tác truyền thông cho bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế để tất cả cùng đồng hành thực hiện các giải pháp chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chống dịch và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh cũng chỉ đạo rõ: Bệnh viện hạn chế tiếp nhận bệnh nhân trong vòng 2 tuần, chỉ tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân nặng, để tập trung thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân trong khám chữa bệnh./. 

Tin mới